Xây 1000 siêu thị: Hà Nội khuyến khích dùng hàng ngoại?

06:52, 29/09/2014
|

(VnMedia) - Số lượng và chủng loại thực phẩm nhập khẩu ở chợ luôn ít hơn nhiều so với ở siêu thị, có thể tới 90% và ngược lại, hàng nhập khẩu ở siêu thị chiếm phần lớn. Như vậy, việc tăng thêm quá nhiều siêu thị đồng nghĩa với việc khuyến khích dùng hàng ngoại...?

Những ngày gần đây, người Hà Nội đang khá sốc với thông tin Hà Nội có ý định mở thêm 1000 siêu thị, cho dù một thực tế là mô hình chợ - trung tâm thương mại đã thất bại một cách thảm hại.

 

Tuy nhiên, điều mà người dân quan tâm không phải là hiệu quả kinh tế của các trung tâm thương mại hay siêu thị. Với họ, cái quan trọng nhất là khi chợ dân sinh giảm đi và số lượng siêu thị tăng lên thì họ được gì, mất gì. Việc đa số người dân lựa chọn chợ thay vì siêu thị đã nói lên tất cả.

 

Theo giải thích của Sở Công thương – đơn vị xây dựng kế hoạch phát triển 1000 siêu thị, sự xuất hiện ngày càng nhiều hơn các siêu thị, trung tâm thương mại trong thời gian vừa qua đã chứng tỏ triển vọng phát triển của loại hình thương mại hiện đại này. Đồng thời, các dịch vụ của chúng đã đóng góp đáng kể vào việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô.

 

Tuy nhiên, nhận xét trên có thể chỉ mang tính chất cảm tính mà chưa đưa ra một nghiên cứu mang tính khoa học về tác động của mô hình siêu thị đối với đời sống xã hội và kinh tế.

 

Ngay tại khu đô thị mới Trung Hòa, Nhân Chính, nơi mà mức sống của người dân được đánh giá là khá cao, vẫn mọc ra một cái chợ cóc rất lớn, với lượng người mua bán cực kỳ nhộn nhịp, mặc dù ngay gần đó là khu siêu thị BigC, với chủng loại hàng hóa hết sức phong phú.

 

“Nói là vào siêu thị thì hàng hóa chất lượng cao, yên tâm hơn ư?, tôi không tin. BigC chẳng đã từng bán nho Việt Nam dán cờ Trung Quốc đó thôi?” - một bà nội trợ cho biết. Nhưng nếu chợ cóc này bị dẹp, có thể người dân sẽ buộc phải vào siêu thị mua hàng, chứ đó không hoàn toàn là sự lựa chọn.


Ảnh minh họa

Thực phẩm ngoại nhập chiếm tỷ trọng lớn trong các siêu thị là mối nguy cho hàng Việt

 

Còn xét về mặt kinh tế, những năm gần đây, Việt Nam chúng ta đang kêu gọi “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam ”. Đây là một chiến dịch hoàn toàn đúng đắn, nhưng không dễ. Chúng ta đã phải bỏ ra rất nhiều kinh phí để tuyên truyền, tác động đến tinh thần yêu nước của người dân; chúng ta cũng đã phải động viên, hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc sản xuất hàng hóa; Chúng ta cũng đã phải vất vả đưa hàng Việt về tận các vùng núi, nông thôn hẻo lánh, nơi mà lượng tiêu thụ hàng hóa không cao.

 

Tuy nhiên, ngay tại các thành phố lớn như Hà Nội, nơi mà lượng tiêu thụ hàng hóa cực lớn thì việc liên tục tăng số lượng các siêu thị lại chính là nguyên nhân giúp người dân tiếp cận với sản phẩm nhập khẩu nhiều hơn, dễ hơn.


Mất nhiều hơn được
 

Theo TS. Stephanie Geertman, tổ chức HealthBridge, khi một môi trường thực phẩm quá tập trung vào các siêu thị, lượng thực phẩm nhập khẩu sẽ gia tăng, bao gồm cả thực phẩm chế biến và tươi sống. “Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, số lượng và chủng loại thực phẩm nhập khẩu ở chợ ít hơn nhiều so với ở siêu thị, có thể tới 90%. Thông thường, chợ là nơi bán chủ yếu những thực phẩm được sản xuất ở các vùng lân cận của Thành phố” – TS Stephanie nhận định.

 

Một ví dụ điển hình là vừa mới đây, đại siêu thị Lotte vừa được khai trương. Dễ dàng nhận thấy tại siêu thị này, hàng Hàn Quốc chiếm một tỷ trọng lớn và hết sức đa dạng.

 

“Khi đi chợ, tôi thường mua bún, phở, bánh đa… nhưng khi vào siêu thị, tôi dễ có xu hướng mua mì Ý hay mì Hàn Quốc… Mặc dù trong siêu thị cũng có hàng nội, nhưng không hiểu sao, siêu thị thường dẫn dụ tôi mua những đồ nhập khẩu, từ hộp kem, chai dấm cho đến nhiều loại hoa quả, thực phẩm khác mà khi đi chợ, tôi không hề nghĩ đến…” – chị Hương, ở khu đô thị Trung Hòa, Nhân Chính chia sẻ và đây cũng là tâm lý của nhiều bà nội trợ thành phố.

 

Đồ nhập khẩu quả thực là khá hấp dẫn vì đa dạng, bắt mắt và lạ đối với người tiêu dùng Việt Nam . Việc mở ra nhiều siêu thị đồng nghĩa với việc khuyến khích người dân dùng hàng ngoại – một chuyên gia kinh tế nhận định. Trong khi đó, nhu cầu mua và sử dụng hàng ngoại nhập đối với người dân thực sự không cao, dù đó là người dân Thành phố. Điều này được chứng minh bởi số lượng người mua hàng tại các chợ truyền thống trong Thành phố luôn là niềm mơ ước đối với các siêu thị.

Ảnh minh họa

Chợ Nông dân ở Mỹ

 

Trong khi đó, TS Stephanie cũng cảnh báo, nếu quá tập trung vào phát triển siêu thị, quyền kiểm soát nguồn cung thực phẩm trên thị trường sẽ được giao cho các công ty tư nhân. Các công ty sẽ quyết định bán sản phẩm gì, nhập thực phẩm từ đâu và sẽ mở siêu thị ở đâu.

 

Có thể thấy, siêu thị có thể là một sự lựa chọn của một nhóm người, và một thành phố không thể không có siêu thị. Nhưng siêu thị cũng không thể là xu thế tất yếu, ngay cả khi xã hội phát triển và thu nhập đầu người tăng cao.

 

“Hãy lưu ý đến những bài học kinh nghiệm ở nhiều nước phát triển phương Tây, như: Pháp , Canada , Úc, Anh… sau nhiều thập kỷ từ bỏ chợ, đến nay, các quốc gia này đã phải quay trở lại mô hình chợ truyền thống.” – TS Stephanie lưu ý và cho biết thêm, tại các nước này, các siêu thị đang nhường dần thị phần cho chợ thực phẩm, cho các thực phẩm nông nghiệp mua trực tiếp từ nông dân, cho các khu vườn cộng đồng…

 

“Việt Nam hãy cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra những kế hoạch xóa bỏ hay nâng cấp chợ truyền thống trong đô thị thành các trung tâm thương mại hay siêu thị, bởi thực tế đã cho thấy những gì mất đi sẽ rất khó có thể lấy lại được, hoặc sẽ chỉ có thể lấy lại được với một giá rất đắt” - TS Stephanie cảnh báo.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc