(VnMedia) - Ít nhất 1000 sinh viên có quá trình học tập xuất sắc từ phổ thông sẽ được bồi dưỡng thành nhân tài của đất nước, khi được tuyển vào làm trong các cơ quan nhà nước được đãi ngộ đặc biệt. Vậy ai sẽ được tuyển chọn và họ được đãi ngộ như thế nào?
Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc phải có ít nhất 9 năm phổ thông tốt nghiệp học sinh loại giỏi toàn diện; phải đạt từ giải 3 kỳ thi cấp tỉnh trở lên... |
Kết luận số 86-KL/TW đã nêu rõ, phấn đấu đến năm 2020 thu hút ít nhất 1000 sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ vào các lĩnh vực công tác của cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến địa phương cấp huyện, các đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang và doanh nghiệp nhà nước.
Ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ công tác thanh niên, Bộ Nội vụ đã thông tin rõ hơn về chính sách này.
- Thưa ông, ngày 24/1/2014, Bộ Chính trị đã ra Quyết định về chính sách thu hút tạo nguồn cán bộ từ các sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ. Xin ông cho biết, chính sách này khác gì với dự án 500 và 600 trí thức trẻ mà Bộ Nội vụ đang triển khai?
Trước hết, tôi khẳng định là mục tiêu, quan điểm của đề án này hoàn toàn khác so với dự án 600 Phó Chủ tịch xã và đề án 500 trí thức trẻ về tham gia phát triển các xã miền núi. Mục tiêu của đề án này là thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và các nhà khoa học trẻ đề từng bước đào tạo, bồi dưỡng trở thành nhân tài cho đất nước. Do vậy, đầu vào sẽ khác, quy trình tổ chức tuyển chọn cũng khác, chế độ chính sách và đặc biệt là chế độ sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh đối với đội ngũ nhân tài của đất nước thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước là tôn trọng và trọng dụng nhân tài.
-Vậy đến nay, đề án đã được thực hiện như thế nào, thưa ông?
Bộ Chính trị giao cho Ban cán sự Đảng Chính phủ cùng Đảng Đoàn Quốc hội và các cơ quan liên quan thực hiện kết luận của Bộ Chính trị thực hiện ngay trong Quý III/2014. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Chủ trương của Đảng thành quy định của pháp luật thì phải có quy trình.
Trước hết, Bộ Nội vụ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ ban hành một Nghị quyết để phê duyệt Đề án. Trong nội dung của Nghị quyết, chúng tôi đã xây dựng theo hướng là sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết, có thể triển khai thực hiện ngay cơ chế chính sách này.
Nghị quyết đã quy định rất cụ thể, thứ nhất là điều kiện về tiêu chuẩn đối với từng đối tượng. Thứ hai là quy trình xét chọn cũng như bố trí, sử dụng. Thứ ba là thực hiện các chế độ chính sách và chế độ đãi ngộ đối với sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ.
Hiện nay, đề án này đã được 26 thành viên Chính phủ đồng ý thông qua. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, chúng tôi cùng với Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ đang nghiên cứu bởi có một số chính sách vượt khỏi quy định của luật hiện hành. Do vậy, để bảo đảm tính thống nhất và chặt chẽ, cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng để khi văn bản ban hành ra phải thực hiện được, vừa đảm bảo tính pháp lý, vừa đảm bảo tính đột phá của chính sách này.
Tuyển chọn gắt gao
- Nếu dự án 500 và 600 tuyển chọn các vị trí ở cấp xã thì ở đề án 1000 này hướng tới trực tiếp những vị trí cấp cao hơn như các Bộ ngành, các cơ quan ở Trung ương và địa phương. Tuy nhiên, nhiều người vẫn e ngại tính khả thi khi triển khai thực hiện, vậy quan điểm của Bộ Nội vụ như thế nào?
Chính sách thu hút trí thức trẻ về công tác ở những xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, trước mắt là giúp cho cấp ủy và chính quyền các xã này phát triển nông thôn miền núi, xóa đói giảm nghèo, tạo nguồn cho cơ sở. Còn đề án này có mục tiêu là tuyển chọn, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước nên đầu vào khác, quy trình tuyển chọn khác và chế độ đãi ngộ khác, đặc biệt là chế độ chính sách sử dụng đội ngũ này.
Để đảm bảo tuyển chọn một cách chặt chẽ, trong dự thảo Nghị quyết trình Chính phủ quy định rất cụ thể là tiêu chuẩn, điều kiện đầu vào.
Đơn cử như sinh viên tốt nghiệp xuất sắc phải có ít nhất 9 năm phổ thông tốt nghiệp học sinh loại giỏi toàn diện; thứ 2 là phải đạt từ giải 3 kỳ thi cấp tỉnh trở lên; trong quá trình học tập phải đạt tiêu chuẩn tốt nghiệp xuất sắc theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Còn đối với những người tốt nghiệp thạc sĩ, ít nhất trong quá trình học đại học phải tốt nghiệp loại khá; trong quá trình học phổ thông cũng tương tự như các bạn sinh viên xuất sắc là phải có ít nhất 9 năm là học sinh học giỏi toàn diện; cũng phải đoạt ít nhất là giải 3 các kỳ thi cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên.
Như vậy, đầu vào được lựa chọn ngay từ học sinh phổ thông.
Quan điểm của Bộ Chính trị là muốn lựa chọn những sinh viên, những học sinh được phát hiện ngay từ khi học phổ thông. Trong quá trình thảo luận, Bộ Chính trị cũng nêu rất rõ là phải có chính sách phát hiện những em có triển vọng ngay từ học phổ thông để trên cơ sở đó tiếp tục đào tạo bồi dưỡng để các em sau khi học xong đại học tiếp tục được tuyển chọn, có em tiếp tục được lên cao để trở thành thạc sĩ hoặc tiến sĩ. Đây là nguồn để tuyển chọn vào các cơ quan nhà nước. Như vậy đầu vào rất chặt chẽ và tiêu chuẩn rất là cao.
Thứ hai, trong Dự thảo Nghị quyết lần này cũng đưa ra quy trình tuyển chọn rất chặt chẽ. Rút kinh nghiệm từ việc tuyển chọn các trí thức trẻ tham gia dự án 600 Phó Chủ tịch xã và đề án 500 trí thức trẻ, hiện nay, trong số sinh viên của đề án 500 trí thức trẻ có rất nhiều em tốt nghiệp loại giỏi, thủ khoa tham gia đề án này. Nhưng qua thực tiễn kiểm tra, khâu tuyển chọn ngoài việc xét điểm học tập ra thì còn có khâu trực tiếp phỏng vấn các ứng viên để kiểm tra năng lực tư duy, tinh thần thái độ của các bạn đó trước khi bố trí về xã công tác.
Ngoài ra, các bạn ứng viên đó phải đề xuất phương án, kế hoạch, lộ trình mà mình sẽ thực hiện công việc sắp được giao. Qua đó, sẽ có một hội đồng đánh giá, nếu được thì mới có thể được bố trí vào diện của đề án này.
Nói tóm lại, điều kiện rất là cao, quy trình tuyển chọn rất chặt chẽ và khách quan, công tâm thì chắc chắn sẽ tuyển chọn được những người thực sự xứng đáng được bồi dưỡng để trở thành những nhân tài cho đất nước.
Đãi ngộ xứng đáng
- Những người được tuyển chọn trong đề án này sẽ được hưởng những chính sách đãi ngộ cụ thể như thế nào, thưa ông?
Điều này trong quá trình xây dựng đề án, cũng rất nhiều người quan tâm. Khi xây dựng đề án để báo cáo Bộ Chính trị, chúng tôi đưa ra nhiều phương án, sau đó Bộ Chính trị có thảo luận và quan điểm là chúng ta phải có giải pháp đột phá và phải có đặc thù vì những những sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc phải trải qua quá trình rèn luyện từ phổ thông cho đến học đại học, phải liên tục phấn đấu mới đạt kết quả cao.
Thứ hai, họ lại phải qua vòng tuyển chọn rất gắt gao mới được bố trí vào các cơ quan nhà nước. Do vậy, chế độ thu hút những người giỏi phải có chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ tương xứng. Theo đề án thì Bộ Nội vụ có nguyên tắc là đối với sinh viên tốt nghiệp xuất sắc được hưởng lương bậc I của ngạch chuyên viên chính và tương đương; tốt nghiệp thạc sĩ được hưởng bậc II và tương đương; Tiến sĩ được hưởng bậc III…
Ngoài ra, trong đề án cũng quy định rất mở là căn cứ quy định vào khung chính sách tiền lương và các quy định chế độ hiện hành, các đơn vị căn cứ vào hiệu quả kinh doanh, căn cứ vào hiệu quả công việc có thể xây dựng, thống nhất với Bộ Nội vụ đưa ra quy định về tiền lương và chế độ đãi ngộ thu nhập phù hợp để làm sao thu hút được những người thực sự giỏi vào làm việc trong các cơ quan này.
- Xin cảm ơn ông!
Ý kiến bạn đọc