Điều ẩn giấu phía sau câu chuyện Cầu Long Biên (Phần tiếp theo)

06:56, 11/03/2014
|

(VnMedia) - VnMedia xin trân trọng giới thiệu đến độc giả phần II bài viết của 2 chuyên gia người Pháp với quan điểm: “Những vấn đề liên quan đến cây cầu Long Biên còn đi xa hơn nhiều so với việc bảo tồn cây cầu” và “cần mở rộng vấn đề ra toàn bộ câu chuyện quy hoạch đô thị đang ẩn giấu phía sau câu chuyện về một dự án giao thông”.

>> Điều ẩn giấu phía sau câu chuyện cầu Long Biên
>>
Cải tạo Cầu Long Biên: Hội Kiến trúc sư lên tiếng
>>Cầu Long Biên: Hà Nội vẫn muốn vừa bảo tồn, vừa phát triển

Khi được đề nghị trả lời phỏng vấn VnMedia về một số nội dung liên quan đến cây cầu Long Biên và dự án đường sắt đô thị số 1, Tristan Laurent Morel, nhà quy hoạch người Pháp đồng thời là chuyên gia tư vấn và là đại diện của Viện Quy hoạch và Phát triển đô thị Vùng Ile-de-France (IAU-IdF) tham gia dự án Điều chỉnh quy hoạch Vùng thủ đô Hà Nội đã viết một bài với tựa đề: Cầu Long Biên và khu nội đô lịch sử của Hà Nội: Sau một gốc cây là chuyện cả cánh rừng. Ông cho biết, bài viết được thực hiện sau khi có sự trao đổi với Dominique Riou, kỹ sư giao thông người Pháp, chuyên gia của IAU-IdF, trưởng nhóm chuyên gia giao thông tham gia dự án Điều chỉnh quy hoạch Vùng thủ đô Hà Nội.

Ảnh minh họa

Tristan Laurent Morel

Phần I: Điều ẩn giấu phía sau câu chuyện cầu Long Biên

Phần II: Những định hướng mới
 
Thật may mắn là những nghiên cứu đang được tiến hành hiện nay, chẳng hạn như dự án Điều chỉnh quy hoạch Vùng thủ đô Hà Nội hay Điều chỉnh quy hoạch giao thông Hà Nội, đã đặt ra những câu hỏi về các dự án đường bộ và đường sắt đô thị.
 
Một trong những nhận xét quan trọng có liên quan đến việc thiết kế các tuyến đường sắt đô thị là nên dựa trên những nghiên cứu về nhu cầu đi lại, dựa trên logic kết nối theo nguyên tắc phát triển tính liên thông đa phương thức và lồng ghép một cách tốt hơn giữa các dự án phát triển đô thị và hệ thống hạ tầng giao thông công cộng. Hà Nội giờ đây đã trở thành một đô thị lớn nên hệ thống giao thông công cộng nội đô cũng phải lồng ghép một cách tốt hơn với các tuyến giao thông cấp vùng để đáp ứng sự gia tăng dân số và các hoạt động giao thương.
 
Đối với khu vực lõi của Hà Nội, việc lồng ghép các tuyến giao thông công cộng nội vùng đòi hỏi sẽ phải di chuyển dần các tuyến đường sắt quốc gia từ ga Hà Nội ra các ga ngoại vi là ga Gia Lâm và ga phía Nam, đồng thời quy hoạch những ga này như các đầu mối trung chuyển cấp vùng. Với tầm nhìn quy hoạch Hà Nội thành một đô thị đáng sống, có cấu trúc hỗn hợp và hiệu quả hơn thì khu vực Pháp Vân có lẽ là địa điểm phù hợp nhất để quy hoạch ga trung chuyển đa phương thức phía Nam.
 
Như vậy, tuyến đường sắt đô thị số 1 sẽ kết nối hai nhà ga đầu mối này. Theo cách tiếp cận đô thị tổng thể, cầu Long Biên có thể sẽ giữ nguyên chức năng lịch sử của một cây cầu, đảm bảo sự cân đối giữa lợi ích (chức năng đô thị) và chi phí (cải tạo và duy tu). Bên cạnh đó, do Hà Nội mong muốn tận dụng tuyến đường sắt hiện có từ Pháp Vân tới Gia Lâm nên chúng ta có thể xem xét ba phương án và những hệ quả tác động tới cầu Long Biên. 

Ảnh minh họa

Ảnh: Vũ Quang Ngọc


Dự án đường sắt đô thị số 1 hiện nay của JICA
 
Đây là một dự án đường sắt đô thị trên cao đòi hỏi phải cải tạo đô thị rất nhiều đối với toàn bộ khu vực hành lang hai bên nơi có tuyến đường này chạy qua. Tàu sẽ không chạy qua cầu Long Biên dù có được cải tạo hay để nguyên trạng như hiện nay. Phương án được đề xuất là xây dựng lại toàn bộ cầu Long Biên (dạng một bản sao của cây cầu hiện tại) hay xây một cầu đường sắt mới vượt sông chạy song song với cầu Long Biên, khi đó cây cầu này sẽ ngừng hoạt động, có thể sẽ được giữ làm cầu đi bộ nhưng không đầu tư cải tạo nhiều. Xét về quan điểm bảo tồn di sản, nội dung tranh luận có thể sẽ tập trung nhiều hơn vào những tác động của dự án đối với khu vực trung tâm thành phố và Khu phố Cổ. 
 
Đề xuất một hệ thống tàu điện nhẹ

 
Đoạn đường sắt chạy xuyên qua trung tâm thành phố giữa hai ga Pháp Vân và Gia Lâm có thể sẽ được tận dụng để cải tạo thành một tuyến tàu điện nhẹ bánh sắt hoặc bánh hơi (giống như trường hợp tuyến xe điện ở Saint-Etienne (Pháp) chỉ có bề rộng 2 mét hoặc loại hình xe điện bánh hơi Translohr chỉ rộng 2,2 mét). Không gian có thể khai thác cần được nghiên cứu theo từng phân đoạn. Có thể dự kiến mở rộng một phần ở đoạn từ phía bắc ga Hà Nội đến phố Phùng Hưng.
 
Có thể bù đắp năng lực hạn chế của tuyến xe điện (so với tàu điện ngầm) bằng việc phát triển một mạng lưới xe buýt hoàn chỉnh với nhiều tuyến đi qua sông Hồng. Với một dự án như vậy, cầu Long Biên có thể được cải tạo để sử dụng cho một tuyến xe điện nhưng chi phí sẽ khá cao. Cần cải tạo lớn về hạ tầng để đưa được hai làn xe điện chạy vào phần giữa cầu. Trong trường hợp bề rộng phần đường giữa cầu không đủ cho hai tuyến ray xe điện thì có thể bố trí hai làn đường đó chạy hai bên. Dự án này có thể đủ cơ sở để huy động đủ nguồn ngân sách cần thiết cho việc khôi phục hoàn toàn cây cầu theo nguyên gốc. Tuyến xe điện cũng có thể chạy hai chiều trên một cây cầu mới vượt sông nằm song song với cầu Long Biên, sau khi qua sông sẽ lại chạy vào phần đường sắt hiện có.
 
Quy hoạch thành tuyến dạo bộ và phát triển các hoạt động kinh doanh

Theo phương án này, không nhất thiết phải tận dụng phần đường sắt chạy xuyên qua trung tâm thành phố để phát triển giao thông công cộng. Việc cấu trúc lại hệ thống giao thông công cộng với một tầm nhìn quy hoạch tổng thể sẽ tạo thêm nhiều tuyến vượt sông Hồng, nhiều phương án di chuyển theo trục bắc – nam cũng như giữa hai bờ sông. Khi đó phần đường sắt cũ chạy qua trung tâm sẽ được quy hoạch lại thành một tuyến đường dạo bộ kết hợp các hàng cây và không gian xanh dọc tuyến giống như trường hợp tuyến dạo bộ trên cầu cạn trước đây dành cho đường sắt ở Bastille hay vành đai không gian xanh theo tuyến đường sắt phía nam Paris.

Nguyên tắc cải tạo là giữ nguyên toàn bộ hành lang của tuyến đường sắt nhưng được quy hoạch lại để đáp ứng các nhu cầu giao thông đô thị mới. Phần đường sắt chạy qua cầu Long Biên sẽ được thay thế bằng làn đường dành cho xe đạp, còn phần đường hai bên dành cho người đi bộ hoặc ngược lại. Phương án này đòi hỏi ít phải cải tạo về mặt hạ tầng, song chức năng phục vụ “giao thông mềm” không đảm bảo sẽ được duy trì lâu dài.

Những phương án đề xuất này cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa dự án giao thông và các vấn đề về bảo tồn di sản cũng như mối liên hệ giữa cải tạo đô thị và giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội. Để giải quyết được thỏa đáng những mối liên hệ này cần có một nghiên cứu mang tính cập nhật đầy đủ hơn.


Trần Huy Ánh - Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc