Vụ máy bay mất tích: Vớt được vật lạ trên biển

17:18, 10/03/2014
|

(VnMedia)Lúc 15h20 phút ngày 10/3, trực ban Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn khu vực 3 thông báo tàu HQ 637 báo về đã vớt được vật thể theo thông báo và yêu cầu của Trung tâm tìm kiếm cứu nạn Malaysia ở vị trí cách đảo Thổ Chu 130 km về phía Tây Nam.

>>Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu tăng cường an ninh hàng không

>>Điều máy bay và tàu Hải quân tìm máy bay Malaysia mất tích
 
Cục Hàng không Việt Nam lúc 15h30 phút ngày 10/3 phát đi thông cáo báo chí cho biết, theo Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn khu vực 3, vật thể vớt được là nắp cuộn cáp đã đóng rêu.
 
Hiện Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn yêu cầu tàu HQ 637 giữ vật thể tìm được, chụp ảnh gửi về Sở chỉ huy. Đồng thời, yêu cầu các phương tiện tàu bay, tàu biển tiếp tục tìm kiếm tại các khu vực theo kế hoạch đã định sẵn trong ngày.
 
Trước đó, lúc 13h26 phút chiều cùng ngày, Trung tâm tìm kiếm cứu nạn Malaysia thông báo, tàu bay R65 của Singapore phát hiện vật thể trông giống máng cứu sinh (life raft) màu vàng tại tọa độ 08016’05’ N – 1020 51’ 11’’ S (vị trí này cách đảo Thổ Chu 140 km về phía Tây Nam) và yêu cầu Việt Nam hỗ trợ phương tiện đến xác minh.
 
Sau khi phía Malaysia đưa ra thông tin trên, Việt Nam đã điều động trực thăng từ Phú Quốc và tàu cứu nạn hàng hải ở khu vực gần nhất tiếp cận khu vực trên theo yêu cầu của Malaysia và đến 15h20 phút đã vớt được vật lạ trên. Tuy nhiên, đây không phải là vật của chiếc máy bay bị mất tích.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong sáng nay (tính đến 13h30 phút ngày hôm nay), Việt Nam đã tiến hành 4 chuyến bay tìm kiếm chiếc máy bay của Malaysia mất tích, gồm 3 máy bay AN26 và 1 tàu bay DHC 6. Trong buổi chiều nay, Việt Nam tiếp tục duy trì 2 trực thăng MI171, Singapore 1 máy bay C130 và Malaysia 2 máy bay K35 tìm kiếm chiếc máy bay Malaysia.

 Ảnh minh họa

Thủy phi cơ của Việt Nam lên đường đi tìm máy bay Malaysia bị mất tích. Ảnh: Giaothongvantai

Ngày 8/3, Hãng hàng không Malaysia Airlines phát đi thông cáo báo chí cho biết, chiếc máy bay Boeing 777-200 số hiệu  MAS 370 cất cánh rời Kuala Lumpur vào 0h41 ngày 8/3 (giờ địa phương) và dự kiến tới Bắc Kinh khoảng 6h30 cùng ngày. Tuy nhiên, kể từ 2h40 phút, máy bay mất toàn bộ liên lạc.

Theo Hãng hàng không này, máy bay đang bay ở độ cao gần 10,7 km thì bị mất liên lạc. Một báo cáo chưa được xác minh từ trang web theo dõi các chuyến bay cho hay, phi cơ đã hạ độ cao hơn 200 mét và thay đổi hành trình vào phút cuối cùng truyền dữ liệu về đài kiểm soát.

Chuyến bay MAS370 mang theo 227 hành khách và 12 người thuộc phi hành đoàn, trong đó có 2 trẻ sơ sinh. Theo danh sách hành khách trên trang web của Malaysia Airlines, không có người nào trên chuyến bay là công dân Việt Nam. Có 154 người mang quốc tịch Trung Quốc, trong đó có một người Đài Loan, và 38 người Malaysia. Các hành khách còn lại đến từ nhiều quốc gia như Indonesia, Pháp, Mỹ, Australia, Canada...
 
Hãng thông tấn Xinhua của Trung Quốc cho rằng, chiếc Boeing 777-200 mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu ở Việt Nam. Máy bay chưa bay vào không phận của Trung Quốc và chưa liên lạc với trạm kiểm soát của nước này.

Sau khi sự việc xảy ra, Việt Nam đã cử nhiều tàu bay và tàu Hải quân nỗ lực tham gia tìm kiếm chiếc máy bay của Malaysia mất tích 24/24h trên vùng biển gần đảo Thổ Chu. Tuy nhiên, đến nay việc tìm kiếm vẫn chưa có kết quả.

Điều đáng nói là trong khi Việt Nam và các nước tích cực tìm kiếm chiếc máy bay mất tích trên biển thì nhiều luồng ý kiến tỏ ra bi quan cho số phận chiếc máy bay của Malaysia. Một số ý kiến cho rằng, có thể chiếc máy bay này đã nổ tung trên bầu trời do bị khủng bố. Cũng có ý kiến cho rằng, có thể chiếc máy bay mất tích này đã bay vòng lại nơi xuất phát....

Ông Đinh Đức Tuấn, Phó trưởng Ban An toàn chất lượng an ninh (Cục Hàng không), nhận định, tại thời điểm máy bay gặp sự cố không có hiện tượng thời tiết đặc biệt. Do vậy có hai yếu tố kỹ thuật và tác động con người.

Là cơ trưởng chuyên lái máy bay Boeing 777, ông Tuấn cho biết khi máy bay hở buồng kín, trong vòng 5 phút có thể hạ xuống 10.000 ft so với mặt nước biển. Do vậy, phi công có 4 phút liên lạc với trung tâm. Hoặc khả năng chết cả 2 động cơ thì máy bay này vẫn có thể lướt trong 200 dặm mỗi giờ, tổ lái vẫn có thời gian tuyên bố tình trạng hiểm nguy.

Một số máy bay có thể bị kẹt thiết bị, song với Boeing 777, hệ thống lái độc lập nên trường hợp này khó có thể xảy ra. Ngay cả khi có khả năng cháy, khói trong buồng lái, thì tổ lái cũng có thời gian liên lạc.

Theo ông Tuấn, ngay một lúc mất liên lạc và mất tín hiệu tại Radar là rất khó xảy ra với loại máy bay này. Chỉ trong trường hợp tổ lái cố tình làm mất liên lạc hoặc có tác động của người ngoài, còn nếu máy bay hạ thấp xuống Radar vẫn phát hiện được.

"Yếu tố con người như đánh bom, khủng bố được đặt ra nhiều hơn", ông Tuấn nhận định.


Xuân Tùng

Ý kiến bạn đọc