Tinh giản biên chế: Liệu có “vùng cấm”?

16:20, 13/02/2014
|

(VnMedia) - Trước đề xuất của Bộ Nội vụ về việc giảm 100.000 biên chế, một vấn đề được nhiều người băn khoăn, đó là, liệu có xảy ra tình trạng người được việc thì bị giảm, còn “con ông cháu cha” thì vẫn ung dung “sáng vác ô đi, tối vác ô về”?

 Ảnh minh họa

 Liệu có "vùng cấm" trong tinh giản biên chế

 
Bộ Nội vụ vừa đưa ra đề xuất tinh giản 100.000 biên chế. Ngay lập tức, vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm là sẽ giảm ai, giảm như thế nào và giảm bao nhiêu là đủ? Đặc biệt, một câu hỏi được hầu hết mọi người băn khoăn là: liệu có xảy ra tình trạng người được việc thì bị giảm, còn “con ông cháu cha” thì vẫn ung dung “sáng vác ô đi, tối vác ô về”?
 
Trước hết, về đề xuất tinh giản 100.000 biên chế, hầu hết các ý kiến đều tỏ ý đồng tình bởi việc tinh giản biên chế, làm gọn nhẹ bộ máy đã trở thành một nhu cầu bức thiết. Ông Phạm Bích San, Liên hiệp các hội khoa học Việt Nam đánh giá, qua đề xuất cho thấy bản thân Bộ Nội vụ cũng đã thấy rằng “không thể nào đương đầu nổi với một số lượng người nhận tiền từ ngân sách nhà nước, không thể chịu đựng nổi với một bộ máy lớn như vậy được”.
 
Cùng quan điểm này, đại biểu Quốc hội Bùi Sĩ Lợi cũng nhận định, việc tinh giản biên chế là điều không thể không làm bởi xét về cơ cấu, số biên chế trong bộ máy nhà nước hiện nay đã quá lớn. Từ thực tế bộ con số biên chế đã tăng thêm 20% trong 5 thực hiện tinh giản, ông Bùi Sĩ Lợi thừa nhận tinh giản biên chế là một việc làm khó, tuy nhiên, nếu có sự đồng thuận cao, được chuẩn bị chu đáo và đặc biệt là công khai, minh bạch… thì vẫn có thể giảm được.
 
“Vấn đề giảm 100.000 hay bao nhiêu và cách giảm như thế nào thì cần phải có cơ sở khoa học bởi trên thực tế có nhiều nơi thừa nhưng vẫn có những chỗ thiếu người, nhất là những người làm được việc. Tuy nhiên, vẫn phải khẳng định là không thể không giảm vì xét về cơ cấu, bộ máy hiện nay đã quá lớn” - ông Bùi Sĩ Lợi nói.

Theo Bộ Nội vụ, số cán bộ đang hưởng lương ngân sách nhà nước năm 2012 là 400.000 người, chưa bao gồm Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Ngoài ra, còn khoảng 257.000 biên chế cấp xã.


Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Chu Sơn Hà, đoàn thành phố Hà Nội cho biết, chỉ qua giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng chống buôn lậu, đã thấy có sự chồng chéo giữa chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan. Vì vậy, muốn giảm biên chế thành công, cần phải xác định vị trí và việc làm của mỗi cơ quan.
 
“Thứ nhất, cần xác định rõ vị trí việc làm, trên cơ sở đó mới xác định xem tổng biên chế, con người làm những công việc đó cho phù hợp và hiệu quả là bao nhiêu thì đủ. Và so với thực tiễn thì thừa thiếu bao nhiêu, cần giảm bao nhiêu. Con số 100.000 cần phải xem thêm, có thể là hơn 100.000, cũng có thể dưới 100.000. Đề xuất 100.000 biên chế cần giảm hoàn toàn không cho người ta biết là dựa trên cơ sở khoa học nào, tại sao lại là 100.000 mà không phải nhiều hơn hay ít hơn, và giảm theo tiêu chí nào. Quan trọng nhất, thế nào là tiêu chí hiệu quả, thế nào là người cán bộ làm được việc là hoàn toàn không ai xác định được.” - đại biểu Chu Sơn Hà nói.
 
Không có vùng cấm

Trước những băn khoăn, thắc mắc nói trên, trả lời trên TTXVN, ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, khác với những lần tiến hành tinh giản biên chế trước đây chỉ đơn thuần là giảm cơ học và đưa ra chỉ tiêu tinh giản để phấn đấu, lần này, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu của tinh giản biên chế là nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, bảo đảm tính chuyên nghiệp của hoạt động công vụ.
 
“Mục tiêu của đề án là đưa ra khỏi biên chế những trường hợp năng lực, phẩm chất, sức khỏe yếu; hiệu quả, chất lượng công tác không đạt yêu cầu, để thay thế bằng những người có đủ phẩm chất và năng lực” - ông Trần Anh Tuấn nói.
 
Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho biết, trong Dự thảo, Bộ Nội vụ đã đưa ra một số tiêu chí để làm cơ sở đánh giá, phân loại công chức. Các bộ, ngành, địa phương trong cả nước cũng đang xây dựng danh mục các vị trí việc làm. Mỗi vị trí việc làm sẽ có một bản mô tả công việc và một khung năng lực mà công chức cần có để thực hiện tốt nhiệm vụ. “Đó sẽ là cơ sở, là căn cứ để xác định biên chế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị.” - Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói.
 
Về những ý kiến lo ngại “vùng cấm” trong tinh giản, ông Trần Anh Tuấn khẳng định: “Cán bộ, công chức, viên chức ở các vị trí lãnh đạo, quản lý cũng thuộc đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Do đó, khi tinh giản biên chế thì không có vùng cấm nào cả. Muốn tinh giản biên chế đạt kết quả, công tác đánh giá phân loại cán bộ, công chức, viên chức phải đúng, khách quan, công bằng.”

Như vậy, "khách quan", "minh bạch", "công bằng" là những điều kiện "nặng ký" đảm bảo cho sự thành công của mục tiêu tinh giảm 100.000 biên chế. Tuy nhiên, việc có "vùng cấm" hay không phụ thuộc vào sự công tâm và đặc biệt là bản lĩnh của cấp trên - người sẽ đánh giá năng lực của cấp dưới khi quyết định giữ lại hay tinh giản.


Mỹ Hạnh

Ý kiến bạn đọc