Giải quyết nhà "kỳ quái" ở con đường 1,3 tỷ 1 mét

18:19, 12/02/2014
|

(VnMedia) - Thống kê sơ bộ, chỉ trên đoạn đường mới mở dài hơn 500m, có 58 hộ không đủ điều kiện tồn tại hay xây nhà ở. Điều đó đặt ra một vấn đề là làm thế nào để không xảy ra tình trạng nhà siêu mỏng siêu méo trên con đường vừa được làm với chi phí 1 tỷ/1mét này.
 
1 tỷ 1 mét đường vẫn tràn lan nhà kỳ quái
 
Đoạn đường đắt nhất hành tinh, có chi phí cho mỗi mét đường vượt xa so với chi phí của con đường "hàng xóm" đã khiến người dân Thủ đô không khỏi thất vọng vì bộ mặt lem nhem của nó sau khi khánh thành.

Một ngôi nhà 4 mặt tiền đang nằm chỏng chơ giữa ngã 4 Ô Chợ Dừa; phía đối diện cũng có ngôi nhà hình thù chẳng giống ai. Dọc tuyến là vô số nhà đang đua nhau mọc lên cao với đủ mọi loại hình thù. Theo thống kê sơ bộ của UBND quận Đống Đa, chỉ trên một đoạn đường mới mở dài chưa tới 550m, sau khi GPMB mở đường, có tới 58 hộ không đủ điều kiện tồn tại cũng như xây dựng nhà ở.
 
Trong số này, chỉ có 20 trường hợp thuộc phường Ô Chợ Dừa đã làm xong thủ tục hợp khối, hợp thửa để tránh tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo. Số còn lại hoặc sẽ phải bị thu hồi cho mục đích công cộng, hoặc đang đề nghị cho tiếp tục tồn tại nhưng chỉ được phép xây 1 đến 2 tầng để kinh doanh chứ không để ở.
 
Tại cuộc làm việc với UBND quận sáng 11/2, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Khôi yêu cầu, để đảm bảo trật tự, an toàn và mỹ quan đô thị cho đoạn đường vành đai 1 quan trọng của Thủ đô, Sở GTVT cần nghiên cứu điều chỉnh lại tổ chức giao thông khu vực nút giao Xã Đàn – Ô Chợ Dừa trong khi chờ đợi phương án cải tạo nút và xây dựng cầu vượt.
 
Phó Chủ tịch Thành phố cũng yêu cầu UBND quận cần làm việc ngay với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đề xuất tên đường, đánh biển số nhà, đặc biệt tăng cường công tác thanh tra và quản lý trật tự xây dựng trên tuyến.
 
“Các đồng chí thanh tra phải thường xuyên giám sát để thực hiện đúng các ý kiến đã thống nhất về việc chống nhà siêu mỏng siêu méo, làm đẹp và chỉnh trang 2 bên tuyến đường, không để các trường hợp tự phát xây dựng trái phép và không phép” – ông Khôi nhấn mạnh.
 
Phó Chủ tịch Thành phố cũng yêu cầu UBND quận Đống Đa cần hoàn thành cấp phép xây dựng cho các trường hợp đủ điều kiện hợp khối xây dựng cũng như thu hồi những trường hợp không đủ điều kiện. Đặc biệt, cần công khai phương án kiến trúc những trường hợp được cấp phép và đảm bảo đồng cốt đường, kiên quyết dẹp bỏ tình trạng nhà siêu mỏng siêu méo, gây mất mỹ quan đô thị.

 Ảnh minh họa

Bộ mặt của con đường có chi phí cực "khủng" khiến người Thủ đô thất vọng


Tại sao cứ để mọc ra rồi mới cắt?
 
Những năm vừa qua, việc giải quyết dứt điểm tình trạng nhà siêu mỏng siêu méo tại Hà Nội được cho là một bài toán khó, làm đau đầu nhà chức trách và cũng là một “điểm đen” để dư luận mổ xẻ, chê trách. Giải thích cho tình trạng nhà siêu mỏng siêu méo, nhiều ý kiến của các nhà quản lý cho rằng đó là “do lịch sử để lại” nên khó giải quyết. Thế nhưng, trong khi lãnh đạo Thành phố liên tục đốc thúc, tìm mọi giải pháp để giải quyết “hậu quả lịch sử” thì tại những tuyến đường mới mở, nhà siêu mỏng siêu méo tiếp tục lộ diện, thách thức quyết tâm của chính quyền Thành phố.
 
Đơn cử như tuyến đường 32, tại nút giao thông Phạm Văn Đồng - Hồ Tùng Mậu, ngay khi tuyến đường sắp hoàn thành thì hàng chục ngôi nhà kỳ quái đã mọc lên cao 3 – 4 tầng. Hay trên đường Ngô Gia Tự, quận Long Biên, phố Trần Quốc Hoàn quận Cầu Giấy… và đặc biệt, mới đây, tuyến đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu vừa được thông xe đã có nguy cơ mọc lên hàng chục ngôi nhà siêu mỏng siêu méo và những ngôi nhà có hình thù kỳ quái khác.
 
Một câu hỏi được đặt ra là, nếu không muốn có những ngôi nhà siêu mỏng siêu méo tiếp tục mọc lên thì Thành phố phải có phương án đề phòng, giải quyết ngay từ khi có ý định mở đường, chứ không phải cứ loay hoay đi xử lý những ngôi nhà siêu mỏng siêu méo đang tồn tại, rồi lại để những ngôi nhà kỳ quái tiếp tục mọc lên và lại đi giải quyết. Nếu cứ như vậy thì Hà Nội không bao giờ thực hiện được lời hứa mà cách đây gần 4 năm - năm 2010, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Nguyễn Văn Hải và Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thái Bình đã nói, còn đại biểu Hội đồng nhân dân – Kiến trúc sư Trần Trọng Hanh thì “bật” lại rằng: “Các anh đừng có hứa rồi không làm được. Tôi ghi lại rồi đấy!”.
 
Việc làm thế nào để “chặn” ngay từ đầu các nhà siêu mỏng siêu méo không chỉ là giải pháp mà còn là sự quyết tâm của Thành phố. Năm 2014 được Hà Nội chọn là năm “Kỷ cương văn minh đô thị”. Một lần nữa, dư luận lại chờ đợi xem, liệu Thành phố có làm được như mục tiêu đề ra hay không, bởi ngay bên cạnh con đường mới này là đường Xã Đàn, mặc dù đã khánh thành vài năm nhưng đến nay vẫn tồn tại bộ mặt không hề tương xứng với cái tên vẫn quen được báo chí gọi là "đường đắt nhất hành tinh".

 Ảnh minh họa

  Phía trước ngôi nhà này chỉ còn khoảng vài chục cm đất

 Ảnh minh họa

Trong khi phần còn lại của ngôi nhà này chỉ là... một cái hành lang

 Ảnh minh họa

Trên con đường vừa được làm với chi phí tiền tỷ mỗi mét, nhiều ngôi nhà đã kịp thò ra những chiếc lồng xấu xí

 Ảnh minh họa

 Ngôi nhà hình thù kỳ dị, méo mó

 Ảnh minh họa

 Một khoảng không gian nhỏ xen kẹt giữa hai ngôi nhà cũng được ngăn thành mấy tầng

 Ảnh minh họa

 Những ngôi nhà sập xệ

 Ảnh minh họa

 Ngôi nhà 4 mặt tiền nằm chỏng chơ ngay ngã tư Ô Chọ Dừa, không biết sẽ được xử lý như thế nào.

 Ảnh minh họa

 Bên phía đường Xã Đàn, một con đường được  mệnh danh đắt nhất hành tinh, sau vài năm đưa vào sử dụng nhưng đến nay vẫn là một bộ mặt lem nhem


Xuân Hưng - (bài, ảnh)

Ý kiến bạn đọc