(VnMedia) - Bộ Xây dựng thừa nhận có một số cán bộ được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng đô thị tại cấp huyện, cấp xã lạm quyền trong việc áp dụng quy định tại Nghị định 180/2007…
Ngày 28/02, Bộ Xây dựng đã có công văn trả lời ý kiến cử tri thành phố Hải Dương gửi tới kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII về tình trạng lạm dụng trong việc cắt điện khi có vi phạm về trật tự xây dựng.
Theo phản ánh, cử tri cho rằng quy định áp dụng các biện pháp ngừng cung cấp điện đối với các trường hợp vi phạm trật tự đô thị trong Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 7/12/2007 của Chính phủ hiện nay đang bị các cơ quan có thẩm quyền lạm dụng, nhiều trường hợp vi phạm không tới mức bị xử lý hoặc gia đình người vi phạm vẫn đang sinh hoạt tại đó dẫn đến vi phạm về nhân quyền, đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi cho phù hợp.
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng giải thích rằng, Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 07/12/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị (sau đây gọi là Nghị định 180/2007/NĐ-CP) ra đời khi tình trạng vi phạm trật tự xây dựng tại các đô thị diễn ra mạnh mẽ do tốc độ đô thị hóa cao; nhiều vi phạm xảy ra như: xây dựng sai phép, xây dựng không phép; việc quy định trách nhiệm của các cấp quản lý về trật tự xây dựng còn chưa rõ ràng; hiện tượng dung túng, bao che cho hành vi vi phạm trật tự xây dựng đô thị diễn ra phổ biến.
“Nghị định 180/2007/NĐ-CP được ban hành đã góp phần giảm thiểu các hành vi vi phạm trật tự xây dựng tại các đô thị; chấn chỉnh công tác quy hoạch; quy định rõ về thẩm quyền, trách nhiệm, biện pháp xử lý đối với từng tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cấp phép và quản lý trật tự xây dựng đô thị khi để xảy ra tình trạng xây dựng không phép, xây dựng sai phép, xây dựng sai quy hoạch” – Bộ Xây dựng khẳng định.
Theo Bộ Xây dựng, Điều 23, Nghị định 180/2007/NĐ-CP quy định rõ trình tự, thủ tục xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị: trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản ngừng thi công xây dựng mà chủ đầu tư không ngừng thi công xây dựng để thực hiện các nội dung trong biên bản thì Chủ tịch UBND cấp xã ban hành quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình, buộc chủ đầu tư thực hiện các nội dung trong biên bản ngừng thi công xây dựng.
Hết thời hạn 24 giờ, kể từ thời điểm ban hành quyết định đình chỉ thi công xây dựng công trình của UBND cấp xã thì người có thẩm quyền ký kết hợp đồng dịch vụ cung cấp điện, nước và các dịch vụ liên quan ngừng cung cấp các dịch vụ đối với công trình xây dựng vi phạm.
“Tuy nhiên, tại một số địa phương, một số cán bộ được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng đô thị tại cấp huyện, cấp xã do trình độ, năng lực còn hạn chế dẫn đến tình trạng lạm quyền trong việc áp dụng một số quy định của Nghị định, thực hiện chưa đúng tinh thần của Nghị định để xảy ra tình trạng như cử tri đã phản ánh. Việc để xảy ra sự việc này, trách nhiệm thuộc về các cấp chính quyền địa phương.” – Bộ Xây dựng thừa nhận.
Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay, Luật Xây dựng (sửa đổi) đang được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII. Bộ Xây dựng đã lên chương trình sửa đổi Nghị định 180/2007/NĐ-CP trong chương trình công tác xây dựng pháp luật năm 2014 của Bộ cho phù hợp với tinh thần và những nội dung quy định mới của Luật Xây dựng (sửa đổi).
“Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu vấn đề này khi dự thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị định 180/2007/NĐ-CP sửa đổi.” – Công văn của Bộ Xây dựng khẳng định.
Xuân Hưng
Ý kiến bạn đọc