Do các trường ĐH, đặc biệt ở các tỉnh thiếu giáo viên trầm trọng dẫn đến tình trạng nhiều trường ĐH phải đi mượn giảng viên.
Giảng viên và sinh viên Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng trong một tiết học. |
Quy mô đào tạo ĐH liên tục tăng trong những năm qua khiến đội ngũ giảng viên dù được tuyển dụng liên tục vẫn rơi vào tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng, đặc biệt là ở các trường ĐH nhỏ, mới thành lập.
Lao đao vì thiếu người dạy
Tại hội nghị tổng kết 20 năm phát triển mô hình giáo dục ĐH, CĐ ngoài công lập, GS Trần Phương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, đã khiến không ít người bị “sốc” vì phát biểu thẳng thắn rằng các tỉnh không đủ trình độ để phát triển trường ĐH do không có giảng viên. Theo GS Trần Phương, những người tốt nghiệp ĐH và thạc sĩ trở lên phần lớn đều ở Hà Nội, chiếm khoảng 40% và TP HCM chiếm khoảng 25%; các tỉnh, thành khác chiếm phần còn lại, như vậy các tỉnh làm sao có đủ giảng viên?
Không có giảng viên thì khó có chất lượng giáo dục dẫn đến không có sinh viên theo học, chính vì vậy một số trường ở tỉnh hiện đang lao đao tìm giảng viên. GS Trần Phương nêu thực tế chủ tịch HĐQT một trường ĐH ở Nam Định đã phải lên tận Hà Nội để “cầu cứu” ông cho mượn một số thầy cô giáo của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ để về trường giảng dạy. “Tôi đồng ý cho các trường mượn giảng viên và vài trưởng khoa nhưng họ chỉ đứng tên để qua mặt Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) mà thôi. Bộ cứ thấy tên trưởng khoa là tiến sĩ thì cho phép mở ngành, mở trường... nhưng mấy ông tiến sĩ đó ngồi dạy ở Hà Nội đã hết thời gian, làm sao mà về Nam Định?” - GS Phương nói.
Hiệu trưởng một trường ĐH công lập mới được nâng cấp cho biết các trường công lập gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển giảng viên vì vướng quy định về mức lương, quy trình tuyển dụng lại phức tạp, một số trường lại quản lý thời gian theo kiểu hành chính khiến giảng viên cảm thấy gò bó. “Phần lớn người trẻ năng động và có trình độ ít khi lựa chọn làm giảng viên mà thích ra ngoài làm việc không chỉ do thu nhập cao hơn mà còn vì môi trường thoải mái hơn. Thu nhập trung bình của một giảng viên hiện chỉ khoảng 4 triệu đồng/tháng nên khó tuyển” - vị hiệu trưởng này cho biết.
Chiều giảng viên để giữ chân
Không chỉ những trường tỉnh mới thiếu giảng viên mà ngay cả các trường tốp đầu, việc tuyển giảng viên cũng không dễ. GS Ngô Thế Chi, Giám đốc Học viện Tài chính, cho hay hằng năm, trường đều phải tuyển mới từ 30-40 giảng viên. Số giảng viên tuyển mới của Trường ĐH Mỏ địa chất cũng lên đến 60-70 người. GS Chi cho biết thêm nguồn tuyển chủ yếu của trường là giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên của các trường ĐH khác, đối tượng thứ hai là sinh viên tốt nghiệp ĐH từ khá trở lên. “Chúng tôi phải tuyển cả sinh viên mới tốt nghiệp để đào tạo lên vì nếu không thì không đủ giảng viên” - GS Chi nói.
Để giữ chân các giảng viên trẻ, Học viện Tài chính đã dành cho họ nhiều chính sách ưu đãi như đi học thạc sĩ được hỗ trợ 50% học phí, học tiến sĩ được hỗ trợ 100% học phí. Giảng viên là tiến sĩ trở lên được giao chủ nhiệm ít nhất 1 đề tài/năm; ngoài ra, các giảng viên còn được tạo điều kiện cho đi giảng dạy tại các trường ngoài, nói chuyện tại các doanh nghiệp để có thêm thu nhập.
Trường ĐH Mỏ địa chất cũng phải tìm nhiều cách để giữ giảng viên. “Những năm trước, chúng tôi rất khó khăn trong việc giữ giảng viên ở lại trường, giờ tình trạng này đã được cải thiện. Chúng tôi cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho giảng viên để họ thấy thu nhập ở các doanh nghiệp hiện nay có khi không ổn định bằng ở trường. Trường còn dành nhiều ưu đãi cho giảng viên, đặc biệt là các giảng viên trẻ, như học bổng đào tạo tiến sĩ ở cả trong và nước ngoài, hỗ trợ hoàn toàn kinh phí học ngoại ngữ khi lấy được chứng chỉ ngoại ngữ” - ông Lê Trọng Thắng, trưởng phòng đào tạo nhà trường, cho hay.
Tạo điều kiện nuôi dưỡng đam mê
GS Vũ Minh Giang - chuyên gia cao cấp, nguyên Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội - cho biết từ 5-6 năm nay, tiêu chuẩn giảng viên của trường phải là tiến sĩ nhưng trên thực tế, những sinh viên xuất sắc hoặc có bằng thạc sĩ vẫn được tuyển để tạo nguồn. Tương tự, nhiều trường ĐH khác, ĐHQG Hà Nội cũng dành nhiều ưu đãi cho các giảng viên để giữ chân họ lâu dài. “Tiến sĩ về trường chúng tôi được hưởng nhiều quyền lợi như được nhận những đề tài nghiên cứu tốt, được tạo điều kiện làm việc trong môi trường lý tưởng cũng như có được nguồn kinh phí để nuôi niềm đam mê của mình” - ông Giang chia sẻ.
Ý kiến bạn đọc