“Đặt tên quận là Bắc và Nam Từ Liêm để tri ân cha, ông”

16:13, 02/12/2013
|

(VnMedia) - Bí thư Huyện ủy Từ Liêm Lê Văn Thư cho rằng, tên Từ Liêm đã xuất hiện ở vùng đất này từ hàng ngàn năm trước. Do vậy, để tri ân các thế hệ cha, ông và những lớp người đi trước và cũng là để cái tên “Từ Liêm” không bao giờ phai nhạt trong tâm trí của các thế hệ con, cháu sau này, huyện này chọn đặt tên cho hai quận mới là Bắc và Nam Từ Liêm.

>>Chi tiết lập 23 phường mới của hai quận Từ Liêm

>>Hà Nội thêm 2 quận mới Bắc và Nam Từ Liêm

Theo Bí thư Huyện ủy Từ Liêm Lê Văn Thư, việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập 2 quận và 23 phường mới là sự kiện trọng đại của toàn thể nhân dân và cán bộ của huyện Từ Liêm. Đây là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với công lao đóng góp của bao nhiêu thế hệ nhân dân, cán bộ của huyện các thời kỳ và sự nghiệp xây dựng huyện; là dấu mốc hết sức quan trọng để Từ Liêm phát triển ở một tầm cao mới. Đồng thời, cũng minh chứng một cách hết sức sinh động về sự đúng đắn của đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo; sự quan tâm sâu sắc của Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội đối với huyện Từ Liêm.
 
Bí thư Huyện ủy Từ Liêm cho biết, từ năm 2006, Từ Liêm đã tiến hành xây dựng Đề án tách huyện thành 2 đơn vị hành chính mới. Tuy nhiên, năm 2008, Hà Nội tiến hành điều chỉnh địa giới hành chính và sau đó là chuẩn bị cho việc đón chào sự kiện lịch sử “1000 năm Thăng Long - Hà Nội” nên đề án tách huyện tạm ngừng triển khai. 

 Ảnh minh họa

 Trụ sở HĐND - UBND huyện Từ Liêm.

 
Đến năm 2011, việc điều chỉnh địa giới hành chính của huyện Từ Liêm để thành lập quận mới, các phường mới tiếp tục được triển khai. Thời kỳ này, huyện Từ Liêm đã hoàn thành việc phê duyệt quy hoạch “Nông thôn mới” các xã của huyện cũng đã xác lập định hướng cho sự phát triển của huyện nhiều năm sau. Và sau những chặng đường dài lao động, phấn đấu tới nay, Từ Liêm đã có đầy đủ các điều kiện chín muồi để Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh thành 2 quận và 23 phường.
 
Theo Bí thư Huyện ủy, Từ Liêm là vùng đất cổ giàu truyền thống văn hóa và cách mạng, luôn gắn với truyền thống Thăng Long - Hà Nội. Theo sử sách ghi lại thì “Từ” có nghĩa là “Người trên thương yêu người dưới” hay “Tình thương chung” hoặc “Xưng mẹ là Từ”, còn “Liêm” có nghĩa là “trong sạch”, “ngay thẳng”, hay “không tham của người”. Tên Từ Liêm đã xuất hiện ở vùng đất này từ hàng ngàn năm trước.
 
“Do vậy, để tri ân các thế hệ cha, ông và những lớp người đi trước; cũng là để cái tên “Từ Liêm” không bao giờ phai nhạt trong tâm trí của các thế hệ con, cháu sau này. Đề án điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập 2 quận và 23 phường đã xác định tên 2 quận là: “Bắc Từ Liêm” và “Nam Từ Liêm”, cũng như đã xác định tên các phường mới đều được gắn với tên truyền thống của các xã, thị trấn hiện nay”, ông Thư nói.

 Ảnh minh họa

 Bản đồ điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm.


Theo Đề án điều chỉnh địa giới hành chính, huyện Từ Liêm sẽ tách thành 2 quận và 23 phường. Đáng chú ý không chỉ có tên 2 quận mới trùng nhau mà nhiều phường mới trong hai quận này cũng trùng tên nhau.

Cụ thể, quận Bắc Từ Liêm bao gồm phần đất ở phía bắc của huyện với dân số hơn 319.000 người, diện tích hơn 4.335 ha, mật độ dân số 7.377 người/km2.

Phía bắc của "Bắc Từ Liêm" giáp huyện Đông Anh, phía nam giáp quận "Nam Từ Liêm"; phía đông giáp quận Cầu Giấy, Tây Hồ; phía tây giáp huyện Hoài Đức, Đan Phương. Trụ sở của quận rộng khoảng 20 ha, ở khu đất nông nghiệp xã Minh Khai.

Sau khi lập quận mới, các xã sẽ được tách ra làm 13 phường: Thượng Cát; Tây Tựu; Liên Mạc; Thụy Phương; Đông Ngạc 1; Đông Ngạc 2; Xuân Đỉnh 1; Xuân Đỉnh 2; Phú Diễn 1; Phú Diễn 2; Minh Khai; Cổ Nhuế 1; Cổ Nhuế 2.

Còn quận "Nam Từ Liêm" có dân số hơn 233.000 người, diện tích hơn 3.227 ha, mật độ dân số 7.234 người/km2. Phía bắc giáp quận "Bắc Từ Liêm", phía nam giáp quận Hà Đông, phía đông giáp quận Cầu Giấy và Thanh Xuân, phía tây giáp huyện Hoài Đức. Trụ sở làm việc sẽ sử dụng toàn bộ khu liên cơ quan rộng 4 ha của huyện Từ Liêm đang sử dụng.

Quận "Nam Từ Liêm" sẽ bao gồm toàn bộ diện tích trong địa giới hành chính xã Mễ Trì, Mỹ Đình, Trung Văn, Tây Mỗ, Đại Mỗ và phần lớn diện tích tự nhiên xã Xuân Phương (phía nam quốc lộ 32) và phần đất thị trấn Cầu Diễn (phía nam quốc lộ 32).

Dự kiến, "Nam Từ Liêm" sẽ có 10 phường: Mễ Trì; Trung Văn; Tây Mỗ; Đại Mỗ; Phú Đô; Mỹ Đình 1; Mỹ Đình 2; Cầu Diễn; Xuân Phương 1; Xuân Phương 2.


Xuân Tùng

Ý kiến bạn đọc