(VnMedia) - Nhiều người đã từng nghe về tác dụng của sừng tê giác, nhưng điều này chưa từng được chứng minh. Trong khi đó, tác hại của sừng tê giác đối với cơ thể thì đã được nghiên cứu một cách rất khoa học như gây liệt dương, bệnh gan…
Dùng nhiều sừng tê giác lạnh có thể gây mất năng lượng tự nhiên, mất hỏa tự nhiên trong người và gây liệt dương - ảnh minh họa |
Y học cổ truyền xuất hiện từ nhiều nghìn năm trước, khi chưa có Tây y và chưa có khả năng nghiên cứu, sản xuất thuốc như hiện nay. Người ta phải tìm nguồn dược liệu trực tiếp từ cây cỏ, thú vật. Tuy nhiên, những lời đồn đại về sừng tê giác như chữa được ung thư, giải rượu ... đều chỉ mới xuất hiện trong khoảng 10 năm gần đây, và chỉ có ở Việt Nam. Điều này khiến cho người ta đặt ra câu hỏi: Chẳng lẽ người Việt Nam mới phát hiện ra khả năng kỳ diệu đó?
Theo Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam, có nhiều nghiên cứu nhưng cho đến nay, chưa từng tìm ra được tác dụng chữa hay phòng ngừa ung thư của sừng tê giác.
Trong khi đó, rất nhiều trường hợp dùng sừng tê giác để chữa ung thư nhưng vẫn tử vong nhanh chóng. Trớ trêu thay, nhiều người do dùng sừng tê giác với liệu lượng cao hoặc lâu ngày gây ngộ độc gan, khiến men gan tăng cao và lúc này lại phải điều trị bằng tây y.
Điều đáng lo ngại, theo bác sĩ Nguyễn Hữu Trường là, các phản ứng dị ứng và nhiễm độc do các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên như sừng tê giác, mật gấu, cao hổ... thường khá nặng và diễn biến dai dẳng, ít đáp ứng với điều trị.
Sừng Tê giác ở Việt Nam hiện có giá cực kỳ đắt, tuy nhiên, nhiều người sẵn sàng bỏ tiền ra mua về sử dụng chỉ để… giảm sốt, điều mà nếu không muốn dùng thuốc tây y, họ có thể dùng các loại cây cỏ rất đơn giản. Điều này cho thấy, việc sử dụng sừng tê giác đôi khi chỉ là thể hiện mình là người lắm tiền, nhiều của và “sành điệu”, trong khi ngược lại, nó đang chứng minh rằng đó là những người thiếu hiểu biết.
“Trong các sách về Đông dược sừng tê giác được xếp vào loại thuốc thanh nhiệt lương huyết, vị đắng, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc; dùng chữa ôn bệnh sốt cao, hôn mê nói nhảm, chữa các chứng xuất huyết. Các hội chứng này hiện đã có quá nhiều thuốc đặc hiệu.” – Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nói.
Theo Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, sừng tê giác có khả năng giảm sốt nếu dùng ở liều lượng vô cùng lớn. Còn đối với việc chữa bệnh, từ lâu, các chuyên gia đã biết rằng giả dược có thể gây ra những thay đổi sinh lý ở những người bệnh mong chờ một kết quả tốt hơn và hình ảnh từ não cho thấy não phản ứng với giả dược theo cùng cách dùng các loại thuốc thật. Tuy nhiên, giả dược chỉ hiệu quả nhất với những bệnh có liên quan đến cảm giác đau chứ không có tác dụng đối với bệnh ung thư.
Gần đây, giáo sư Nguyễn Lân Dũng có đưa ra một thông tin có lẽ sẽ gây sốc cho nhiều “đại gia” lắm tiền nhiều của, đó là sừng tên giác có thể gây… liệt dương. Khẳng định thông tin này là hoàn toàn chính xác, lương y Trần Văn Quảng cho biết, sừng tê giác tính lạnh, nam giới thuộc nhiệt tính (tính nóng), vì vậy khi uống sừng tê giác cùng rượu, nóng lạnh xung khắc nhau có thể dẫn đến tắc tử. “Trường hợp nhẹ, dùng nhiều sừng tê giác lạnh có thể gây mất năng lượng tự nhiên, mất hỏa tự nhiên trong người và gây liệt dương.” – lương y Trần Văn Quảng cảnh báo.
Một minh chứng nữa cho sự “vô dụng” của sừng tê giác, đó là: Từ đầu năm 2013 tới nay, khoảng 600 con tê giác bị bắn trộm ở Nam Phi để lấy sừng và Việt Nam được cho là nơi tiêu thụ nhiều sừng tê giác nhất thế giới. Nếu sừng tê giác thật sự có tác dụng chữa ung thư thì với số lượng sừng tê giác được tiêu thụ nhiều như vậy, có lẽ đã có rất nhiều người Việt Nam khỏi bệnh ung thư. Tuy nhiên, trên thực tế, chưa từng có bệnh nhân nào được chữa khỏi nhờ sừng tê giác được công khai danh tính.
Những lời khuyên của giáo sư Nguyễn Lân Dũng về sức khỏe: - Phòng và chữa ung thư: ăn uống sạch, hạn chế hút thuốc, uống rượu, khám bệnh thường xuyên - Khi uống rượu: ăn lót dạ trước khi uống rượu, nếu bị say có thể uống nước chanh muối, nước đậu xanh, nước ép củ cải, nước rau cần.... sẽ giải rượu hiệu quả - Chữa liệt dương: ăn uống, sinh hoạt điều độ, tập thể dục thể thao, có thể đi khám nam khoa để điều trị nhanh và chính xác khi có vấn đề - Tuyệt đối tránh dùng các sản phẩm từ động vật hoang dã vì sức khoẻ của chính mình. |
Mỹ Hạnh
Ý kiến bạn đọc