Ông Văn với ông Văn

20:27, 23/10/2013
|

Có lẽ cả nước ta, không ai là không biết một bí danh hoạt động quen thuộc nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Văn. Còn trong giới văn nghệ, anh em thân thiết cũng thường gọi nhạc sĩ - thi sĩ - họa sĩ Văn Cao là Văn. Nhưng câu chuyện tình bạn vong niên giữa hai ông Văn - chắc còn ít người biết - dù ai cũng biết ông Văn (Đại tướng) rất yêu nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc.


Ảnh minh họa

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhạc sĩ Văn Cao. (Ảnh chụp tại nhà nhạc sĩ Văn Cao ngày 5 Tết Nhâm Thân - 1992. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Tôi không thật tường tận về thời gian bắt đầu tình bạn này, nhưng chỉ biết từ khi tôi được làm “đệ tử” Văn Cao vào mùa đông 1982 thì tình bạn của hai ông hình như cũng chỉ bắt đầu vào thời gian trước đó không lâu, có vẻ vào thời có cuộc vận động sáng tác quốc ca mới chăng?

Văn Cao kể với tôi rằng ông Văn không đồng tình với chuyện này: “Ông ấy quý mình vì mình là người viết “Tiến quân ca” - bản hành khúc cho Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân thành lập ngày 22.12.1944 do ông ấy làm chỉ huy”.

Ông ấy tả lại khung cảnh cả đội chào cờ và hát “Tiến quân ca” vào buổi chiều sau Hội nghị Tân Trào, trước khi vào một trận đánh, thật cảm động. Và “Tiến quân ca” - theo ông Võ Nguyên Giáp - đã đồng hành với mọi hy sinh, làm nên chiến thắng hôm nay cho dân tộc, nó đã trở thành của nhân dân.

Văn Cao kể tiếp rằng, Võ Nguyên Giáp cũng rất thích thú khi đội quân do ông ấy chỉ huy còn rất thô sơ, thì nhạc sĩ Văn Cao đã viết “Chiến sĩ Việt Nam” cho bộ binh và cả kỵ binh nữa, “Bắc Sơn” cho dân quân du kích, đồng thời khi chưa có lực lượng đã viết “Hải quân Việt Nam”, “Không quân Việt Nam”.

Văn Cao cũng viết về pháo binh qua đoạn hành khúc trong “Trường ca Sông Lô” và “Tiểu đoàn ca” qua “Hành khúc tiểu đoàn Lũng Vài”. Bây giờ thì đã có tất cả. Sau này, trải qua bao thăng trầm lịch sử, hai anh em, mỗi người một nỗi, đều phải “nhẫn” và “nhã” như nhau cả. Phải tránh mọi phiền phức mà xem “con tạo xoay vần đến đâu”.

Mùa thu năm 1983, Văn Cao được bầu trở lại vị trí Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, cuộc vận động sáng tác quốc ca mới cũng dần dà thu hẹp và chấm dứt. Một chương trình nhạc Văn Cao được trình diễn tại 51 Trần Hưng Đạo - Hà Nội. Lần đầu tiên sau bao năm im lặng, những “Thiên thai”, “Trương Chi”, “Suối mơ”, “Buồn tàn thu”... được hát trở lại vào dịp kỷ niệm 60 năm ngày sinh nhạc sĩ.

Cùng lúc ấy, Văn Cao lại hoàn thành được một tác phẩm hội họa. Đó là chân dung học giả Đặng Thai Mai (người cùng dạy tư thục Thăng Long với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và sau trở thành bố vợ của ông) bằng sơn dầu. Văn Cao nói, ông Văn nghe những sự phục diễn lại những bài hát lãng mạn của mình, ông ấy cười mủm mỉm và nói: “Cũng còn phải từ từ xem sao”.

Quả nhiên, mọi việc vẫn còn nhiều bất cập. Ai mà có thể giải thích được vì sao trong lễ kỷ niệm 30 năm Chiến thắng Điện Biên (1954-1984), tên người góp phần chủ yếu tạo nên chiến thắng lẫy lừng đó bị lờ đi trong những diễn văn, thậm chí còn bị dỡ bỏ khỏi một bài thơ nổi tiếng được rất nhiều người thuộc.

Văn Cao trong dịp đó vừa uống rượu với tôi, vừa thủng thẳng: “Ông này có một sức chịu đựng còn rất lớn. “Tiến về Hà Nội” của mình được hát suốt ngày đêm. Còn ông ấy...”.

Mãi tới năm 1988, sau triền miên những “đêm nhạc Văn Cao”, tôi mới có dịp được bắt tay vị Đại tướng của mình (lúc ấy tôi còn trong quân ngũ). Tôi cúi đầu kính cẩn: “Kính chào chú Văn” (ông ít hơn bố tôi 2 tuổi). Văn Cao khẽ giới thiệu: “Cậu này là người thu thập thơ Văn Cao để in thành tập Lá”. Đại tướng cười: “Tốt quá!”.

Tôi nói sơ về bố tôi và kể rằng vợ tôi học cùng với con trai Đại tướng - anh Võ Điện Biên - một cách bẽn lẽn. Không bẽn lẽn sao được khi đứng giữa hai quả núi quá lớn.

Đại tướng chăm chú nghe với một phong thái thật bình dị. Hóa ra, tầm vóc của vĩ nhân là tầm vóc chinh phục người khác bằng ứng xử tự nhiên, nhẹ nhàng thoát khỏi những vinh quang mà cuộc đời đã khoác lên mình. Cả cay đắng nữa…

Những lần tình cờ sau được chiêm ngưỡng hai ông Văn đàm đạo, tôi càng thấy kính trọng hai ông. Mùa đông 1993, tôi được vinh dự làm MC cho chương trình “Văn Cao - một đồng hành tuổi trẻ” tại Cung Văn hóa Thanh niên Hà Nội (đầu phố Tăng Bạt Hổ) nhân kỷ niệm 70 năm sinh nhật Văn Cao.

Ngay từ mở đầu, tôi đã có lời đề nghị: “Xin hai ông Văn hãy ngồi cạnh nhau để cho tuổi trẻ chiêm ngưỡng”. Cả nhạc sĩ Văn Cao và Đại tướng đều cười và ngồi xích lại cạnh nhau. Và đêm ấy, tôi mới chính thức được chụp ảnh cùng hai ông Văn qua ống kính của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán.

Từ ngày Văn Cao ra đi, tôi chẳng còn dịp nào được tình cờ gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp như hồi Văn Cao còn sống. Nhưng gần đây, qua anh Hùng (con cả Trung tướng Phạm Kiệt) thường xuyên vào Viện 108 thăm ông, tôi cũng biết rõ về tình hình sức khỏe của ông. Với người đã sống qua một thế kỷ như ông, chuyện quy tiên là chuyện một sớm, một chiều.

Trong trường ca “Lòng chảo” viết về Điện Biên và người lính, tôi có viết riêng một đoạn chân dung ông. Giờ khi ông đã vĩnh viễn rời xa đồng bào của mình, tôi đã tách chân dung ra và làm thêm một đoạn cuối để kính viếng anh linh ông với cái tên: “Một huyền thoại thời đại” (Bài thơ in trên Báo Sức khỏe và Đời sống số ra ngày 10.10.2013). Trong huyền thoại Võ Nguyên Giáp, chắc hẳn không thể thiếu huyền thoại tình bạn vong niên giữa ông và Văn Cao - huyền thoại “ông Văn với ông Văn”.


(theo LĐ)

Ý kiến bạn đọc