Vĩnh biệt người Anh Cả của Quân đội ta: Nhà báo Võ Nguyên Giáp với tờ "Hồn Trẻ"

07:48, 23/10/2013
|

Có một vĩ nhân trước đây từng là sinh viên Luật Trường Đại học Đông Dương, nhà giáo dạy môn lịch sử, nhà báo xuất sắc được quân đội ta, nhân dân ta biết ơn và kính trọng, đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà quân sự, nhà chiến lược với những kỳ tích lớn lao mang tầm thời đại được ghi trong Bộ từ điển bách khoa Quân sự thế giới. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, nhà báo Võ Nguyên Giáp đã sử dụng báo chí như một vũ khí tuyên truyền giác ngộ giới học sinh, sinh viên, thanh niên, hướng dẫn họ theo cách mạng.



Ảnh minh họa

“Nhà báo”- Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên một cung đường vận tải chiến lược Tây Trường Sơn - Mùa khô năm 1972 - 1973. Ảnh tư liệu.

Tình hình thế giới vào những năm 1936-1939 có nhiều chuyển biến thuận lợi cho cách mạng Việt Nam: Ở Pháp, Mặt trận Dân chủ thắng thế trong cuộc bầu cử Quốc hội đã lập ra “Chính phủ Bình Dân” - một chính phủ đã thi hành chính sách mềm mỏng đối với các nước thuộc địa. Lúc ấy, thầy Văn (Võ Nguyên Giáp) đang dạy học ở Trường Tư thục Thăng Long (Hà Nội) đã có ý định làm thủ tục xin thành lập một tờ báo thì phát hiện ra tờ báo Hồn Trẻ đứng trước nguy cơ phá sản, thầy Văn bàn bạc với đồng nghiệp góp vốn mua lại tờ báo này. Chỉ sau một thời gian ngắn, thủ tục đã nhanh chóng được hoàn tất.

Ngày 6/6/1936, bộ mới báo Hồn Trẻ ra số đầu tiên. Trên trang nhất nêu rõ phương châm của tờ báo, in bằng chữ to, đóng khung một cách trang trọng: “Làm báo khác với làm giàu. Lấy danh nghĩa của nghệ thuật mà lợi dụng cái đẹp buồn bã, âm thầm, yếu ớt, suy vong mà ru ngủ bạn đầu xanh, đó không phải là việc làm của người cầm bút có lương tâm”. Dưới đó đăng bài kêu gọi người Pháp thực hiện chính sách dân chủ ở Đông Dương: Ân xá chính trị phạm theo đường lối của Mặt trận Bình dân Pháp. Tờ báo đáp ứng nhu cầu của nhân dân ta, được nhiều tầng lớp hưởng ứng, tìm đọc. Những số sau dù có tăng thêm số lượng nhưng cũng chưa thỏa mãn nhu cầu của người đọc. Đặc biệt là sau khi báo Hồn Trẻ in bài xã luận có đoạn: “Đối với Chính phủ, Hồn Trẻ yêu cầu điều này trước đã: Chính phủ cho báo Hồn Trẻ được như các báo chí Pháp xuất bản ở Đông Dương, hưởng cái chế độ của đạo chỉ dụ ngày 4/10/1927”. Nghĩa là hưởng tự do ngôn luận.
 
Nhằm mục đích cổ vũ quần chúng cùng đứng lên đấu tranh cho dân chủ tự do, trên cơ sở pháp lý, báo Hồn Trẻ còn đăng một loạt những bài đề cập đến đòi hỏi về cuộc sống của các tầng lớp nhân dân như: Tình cảnh và hy vọng của Đông Dương, tình cảnh hy vọng của toàn thể dân chúng…
 
Với bút danh “Hải Thanh” và nhiều bút danh khác, Võ Nguyên Giáp cùng Trần Huy Liệu, Hải Triều đã phản ảnh nguyện vọng của nhân dân. Đúng như một bài báo đã đăng tải trên báo số 3 ra ngày 20/6/1936: “Hồn Trẻ do một nhóm người biết ưa hoạt động, phấn đấu tiến thủ, không hề lợi dụng văn chương mà nịnh hót kẻ quyền thế để đưa mình đến cõi giàu sang”. Dưới chế độ thực dân lúc bấy giờ, những lời tâm huyết này quả là đáng quý và rất dũng cảm. Điều này cho thấy, ngòi bút của Võ Nguyên Giáp luôn ở tư thế tấn công.
 
Là một thầy giáo có trình độ lại rất nhạy cảm với thời cuộc, Võ Nguyên Giáp dự đoán được: Với những bài viết như thế, tờ Hồn Trẻ không thể tồn tại được lâu, nên ông đã có ý tưởng chuẩn bị cho ra tờ báo in bằng tiếng Pháp. Quả vậy, khi tờ Hồn Trẻ tập mới bị đình bản, thì ngay sau đó không lâu, tờ báo tiếng Pháp Letravail do Võ Nguyên Giáp làm chủ bút được ra mắt bạn đọc.
 
Tờ báo bằng tiếng Pháp này ra đời cho thấy, Võ Nguyên Giáp không chỉ có duyên với báo chí mà còn thể hiện nhận thức đúng đắn của ông về vai trò của báo chí như một vũ khí tuyên truyền, đấu tranh có hiệu quả mạnh mẽ. Thực tế cho thấy: Ngay từ khi còn là học sinh Trường Quốc học, hưởng ứng phong trào chống thực dân của công nhân và nông dân, ông đã khởi xướng phong trào bãi khóa vào những năm 1927, 1928… Lúc ấy, Võ nguyên Giáp đã viết bài báo bằng tiếng Pháp với tiêu đề: “Đả đảo tên bạo chúa ở Trường Quốc học” và được in trên tờ An Nam xuất bản ở Sài Gòn do nhà luật sư yêu nước Phan Văn Trường làm chủ nhiệm.
 
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, kể cả sau khi đất nước thống nhất, tuy bận trăm công nghìn việc nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn viết nhiều bài báo cổ vũ, động viên quân dân ta vượt qua khó khăn gian khổ để hoàn thành mọi nhiệm vụ.


(theo QĐND)

Ý kiến bạn đọc