Đồng Hới sẽ có đường mang tên Võ Nguyên Giáp

12:45, 23/10/2013
|

(VnMedia)Sau Hà Nội và TPHCM lên phương án đặt tên đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp; sáng nay, đại diện UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, tỉnh này cũng đang giao thành phố Đồng Hới chọn đường đặt tên Đại tướng.

>>“Xây bảo tàng tên Đại tướng là rất xứng đáng” 

>>Mộ phần của Đại tướng được bảo vệ như thế nào?
 

Trao đổi với VnMedia sáng nay (23/10), ông Trương An Ninh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, sau khi Đại tướng từ trần, lãnh đạo UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo và giao UBND thành phố Đồng Hới xây dựng phương án đặt tên đường mang tên Đại tướng tại thành phố Đồng Hới, trình lãnh đạo tỉnh phê duyệt trong kỳ họp HĐND cuối năm.
 
“Tuyến đường được chọn để đặt tên Đại tướng phải đủ lớn và rộng để xứng tầm với công lao và những đóng góp của Đại tướng. Hiện UBND thành phố Đồng Hới đang xây dựng phương án trình HĐND phê duyệt vào kỳ họp tới”, ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình nói.
 
Theo những người dân Đồng Hới, trước đây, vào những năm 1950, đoạn quốc lộ 1A chạy qua trung tâm Đồng Hới, nay là các đoạn đường Quang Trung, Hùng Vương và Lý Thường Kiệt đã từng được đặt tên Võ Nguyên Giáp. Khi đó, đường Võ Nguyên Giáp cũng là con đường tập trung nhiều cơ quan như Bưu điện, Sở nông nghiệp, văn phòng tỉnh...
 
Sau đó, chiến tranh phá hoại của Mỹ nổ ra, Đồng Hới bị đánh phá nặng nề. Vì thế, từ đó cho đến năm 1990, ở Đồng Hới không còn có tên đường phố nào nữa. Khi Quảng Bình tách ra từ tỉnh Bình Trị Thiên (1989), Đồng Hới mới lại có tên đường phố, sau khi nơi đây được xây dựng thành tỉnh lỵ nhưng từ đó đến nay, con đường Võ Nguyên Giáp đã không còn. 
 
Trước đó, sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, lãnh đạo UBND Hà Nội đã giao các đơn vị liên quan lên phương án xây dựng đường Võ Nguyên Giáp. Một trong những phương án được một số người đề xuất chọn đường từ cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài để đặt tên Võ Nguyên Giáp.

 Ảnh minh họa

 Người dân về viếng mộ Đại tướng ở Vũng Chùa (Quảng Bình) những ngày sau lễ an táng. Ảnh: Xuân Tùng


Tuy nhiên, nhà sử học Dương Trung Quốc thì cho rằng, nên gắn tên Đại tướng và đường Điện Biên Phủ là một. Vì không gian đường này rất đẹp, đi thẳng ra Ba Đình, nằm trong khu vực có các đường phố mang tên những vị tướng yêu nước trong lịch sử.

“Còn đường ra sân bay Nội Bài, chúng tôi kiến nghị nên đặt tên là đường Cách mạng tháng Tám – con đường từ chiến khu về. Cách mạng tháng Tám là ở Thủ đô mà đến giờ Hà Nội vẫn chưa có con đường nào mang tên này trong khi ở Huế, TPHCM đều có đường mang tên này rồi”, ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh.
 
Cũng liên quan đến vấn đề này, mới đây nhất, ngày 21/10 vừa qua, Văn phòng UBND TPHCM cũng đã thống nhất chủ trương trình HĐND TP xem xét đặt tên đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay gọi là Chủ tịch nước) Võ Chí Công tại kỳ họp lần thứ 12 khóa 8 vào cuối năm nay.

Hiện lãnh đạo UBND TP đang giao Sở VH-TT-DL phối hợp Sở Giao thông vận tải và các đơn vị có liên quan rà soát, tập hợp tài liệu và đề xuất các phương án đặt tên đường (tuyến đường, lý trình cụ thể, có đề xuất phương án chọn).

Trong một diễn biến khác, những ngày qua, mỗi ngày vẫn có hàng nghìn người vẫn tìm đến Vũng Chùa (Quảng Bình) nơi Đại tướng yên nghỉ, thắp hương tưởng nhớ.

Theo các chiến sỹ Biên phòng được giao nhiệm vụ canh giữ nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bình quân mỗi ngày có trên 1.000 người từ khắp nơi đổ về Vũng Chùa - Đảo Yến (Quảng Trạch - Quảng Bình) viếng mộ Đại tướng.

Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã tuyển chọn 25 cán bộ chiến sỹ túc trực ngày đêm bên mộ Đại tướng. Khách đến sẽ được hướng dẫn vào bàn đăng ký và lần lượt lên viếng mộ Đại tướng. Những người đến viếng mộ Đại tướng chỉ được phép mang theo hoa tươi. Tại ngã rẽ vào khu mộ Đại tướng, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Quảng Trạch cũng cử một tốp 3 chiến sỹ thường xuyên túc trực, hướng dẫn nhân dân đi đúng đường.

Lúc 18h9 phút ngày 4/10, Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh tối cao Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp đã qua đời tại Viện Quân y 108 khi ông vừa bước sang tuổi 103. Sau khi qua đời, thi hài của Đại tướng đã được chuyển từ khu chăm sóc đặc biệt nơi chữa bệnh trước kia đến nhà lạnh trong sự nghiêm cẩn của những người lính bồng súng.

Biết tin Đại tướng mất, những ngày sau đó, hàng chục nghìn người dân đã về ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu (Hà Nội) - nơi Đại tướng ở để tiễn biệt. Sau khi được Đảng, Chính phủ, Nhà nước tổ chức trọng thể lễ truy điệu vào sáng 13/10, thi hài Đại tướng đã được máy bay đưa về Quảng Bình để an táng.

Tại buổi lễ an táng chiều 13/10, hàng trăm nghìn người dân Quảng Bình và các tỉnh trong cả nước đã tập trung về Vũng Chùa tiễn biệt Đại tướng về với đất mẹ. 


Xuân Tùng

Ý kiến bạn đọc