Không quy định Hội đồng Hiến pháp vào Dự thảo

17:10, 23/10/2013
|

(VnMedia) - Trên cơ sở nghiên cứu ý kiến của nhân dân, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đề nghị Quốc hội không bổ sung quy định Hội đồng Hiến pháp vào Dự thảo.
 
Dự thảo Hiến pháp trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 có 2 phương án về cơ chế bảo vệ Hiến pháp. Theo đó, Phương án 1 là tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành, tăng cường trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan khác của Nhà nước trong việc bảo vệ Hiến pháp; Phương án 2 đề nghị cùng với việc tiếp tục khẳng định và hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành, Dự thảo đề xuất việc thành lập Hội đồng Hiến pháp với chức năng chuyên trách bảo vệ Hiến pháp.
 
Qua thảo luận, các ý kiến cho rằng, việc bảo vệ Hiến pháp là một yêu cầu của Nhà nước pháp quyền, phù hợp với nguyên tắc kiểm soát quyền lực đã được xác định trong Cương lĩnh và các nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ X, XI. Trong quá trình xây dựng và lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, nhiều ý kiến nhân dân, của một số cơ quan, tổ chức hữu quan và ý kiến của nhiều chuyên gia tán thành về quy định Hội đồng Hiến pháp trong Dự thảo nhưng cần cân nhắc một số nội dung cụ thể về thẩm quyền, về tổ chức và hoạt động của cơ quan này, nhất là mối quan hệ giữa Hội đồng Hiến pháp với các cơ quan khác của Nhà nước trong việc bảo vệ Hiến pháp.
 
Tại kỳ họp thứ 5, kết quả xin ý kiến đại biểu Quốc hội bằng phiếu thì bên cạnh các ý kiến tán thành với phương án 2 thành lập Hội đồng Hiến pháp, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với phương án 1 là tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu quả của cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành mà không thành lập Hội đồng Hiến pháp .
 
Trên cơ sở nghiên cứu ý kiến của nhân dân, ý kiến của đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhận thấy, việc thành lập Hội đồng Hiến pháp là vấn đề mới, lại đang còn có nhiều ý kiến khác nhau, nên trong điều kiện hiện nay ở nước ta, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành, trong đó, tăng cường trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, nhất là Ủy ban pháp luật của Quốc hội và các cơ quan khác của Nhà nước trong việc bảo vệ Hiến pháp là phù hợp.
 
Vì vậy, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đề nghị Quốc hội không bổ sung quy định Hội đồng Hiến pháp vào Dự thảo.

 Ảnh minh họa

 
Chính quyền địa phương phải phù hợp

Liên quan đến Chương IX quy định về chính quyền địa phương, trước đó, trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Ủy ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp đã trình Quốc hội 2 phương án về chính quyền địa phương.
 
Theo đó, Phương án 1 quy định một cách khái quát để tạo cơ sở hiến định cho việc đổi mới căn bản mô hình tổ chức chính quyền địa phương; Phương án 2 giữ các quy định hiện hành của Hiến pháp năm 1992 về các đơn vị hành chính và mô hình chính quyền địa phương của nước ta.

Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, qua tổng hợp ý kiến, đa số ý kiến nhân dân, đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan tán thành với sự cần thiết phải đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương để thể chế hóa các nghị quyết của Đảng và đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Tuy nhiên, theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội thì cả 2 phương án mà Dự thảo đưa ra đều chưa phù hợp với yêu cầu đó.
 
Theo đó, phương án 1 thì chưa làm rõ được mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo; còn Phương án 2 thì không đáp ứng được yêu cầu đổi mới tổ chức chính quyền địa phương theo nghị quyết của Đảng và thực tiễn đặt ra.
 
Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của nhân dân, ý kiến của đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan, Ủy ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý chế định chính quyền địa phương theo hướng, tiếp tục giữ quy định về các đơn vị hành chính tại Điều 118 của Hiến pháp năm 1992 nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ và ổn định trong cả nước; bổ sung quy định về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt như Dự thảo.
 
Đồng thời, Ủy ban Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp đề nghị Quốc hội cho quy định về tổ chức chính quyền địa phương tại Điều 111 như sau: “Chính quyền địa phương tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt” và “Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân được thành lập để thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương trong phạm vi được phân cấp, phân quyền do luật định.”


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc