Mở rộng cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ thành 6 làn xe

10:40, 26/09/2013
|

(VnMedia) Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa đồng ý với đề xuất của Bộ Giao thông vận tải về việc triển khai dự án nâng cấp, mở rộng đường Pháp Vân-Cầu Giẽ thành cao tốc 6 làn xe, nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông tăng cao từ Hà Nội đi các tỉnh phía Nam.

>>
1.500 tỷ nâng cấp tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ thành cao tốc
 
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về đề xuất của Bộ Giao thông vận tải việc nâng cấp đường Pháp Vân – Cầu Giẽ.
 
Theo văn bản trên, Phó Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc việc triển khai theo phương án 1 như đề nghị của Bộ Giao thông vận tải (Giai đoạn 1 thi công cải tạo đường cũ với quy mô 4 làn xe; Giai đoạn 2 thi công mở rộng đủ 6 làn xe) việc nâng cấp, mở rộng cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (Hà Nội).
 
Phó Thủ tướng đồng ý giao Nexco liên doanh với nhà đầu tư trong nước thực hiện dự án. Đồng thời, giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức triển khai dự án theo đúng quy định hiện hành.

 Ảnh minh họa

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ sẽ được nâng cấp, mở rộng thành 6 làn xe thay vì 4 làn như hiện nay.

Theo phương án được Bộ Giao thông vận tải đề xuất, giai đoạn 1 của dự án sẽ giữ nguyên hiện trạng, cải tạo toàn bộ trắc dọc, mặt đường theo tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h. Mặt bằng giai đoạn I nằm hoàn toàn trong diện tích đã được giải phóng trước đây, trừ vị trí các trạm thu phí.
 
Giai đoạn 2 của dự án sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng, mở rộng đường cao tốc thành 6 làn xe cơ giới và xây dựng đường gom song hành hai bên với quy mô đường cấp VI đồng bằng.
 
Theo dự kiến, giai đoạn 1 sẽ bắt đầu thi công từ quý 4/2013 đến quý 4/2014 và khai thác thu phí hoàn vốn từ quý 1/2015.

Cao tốc
Pháp Vân - Cầu Giẽ dài 28km, được Bộ Giao thông vận tải đầu tư, đưa vào khai thác từ năm 2002 với quy mô là đường cấp I đồng bằng, 4 làn xe. Đây là tuyến giao thông huyết mạch cửa ngõ phía Nam Thủ đô và là đoạn đầu tiên của đường cao tốc Bắc - Nam nhánh phía Đông có vai trò kết nối các trung tâm kinh tế trọng điểm, các đầu mối giao thông quan trọng, nên ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế- xã hội của Hà Nội và các vùng lân cận. Sau 10 năm khai thác, tuyến đường đã xuống cấp, ảnh hưởng nhiều đến khả năng khai thác, cũng như tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.

Vạn Xuân

Ý kiến bạn đọc