(VnMedia) - Gần 1000 lượt xe các tỉnh vào bến mỗi ngày không cần xin phép Sở GTVT Hà Nội; Đơn vị khai thác chỉ quan tâm lợi nhuận; Xe ngoại tỉnh của các bến khác vô tư vượt tuyến; có lệnh xuất bến nhưng vẫn chây ì; bến nhỏ nhưng lượng xe cực lớn... trong khi đó, Sở GTVT Hà Nội không kịp thời báo cáo Thành phố để tìm biện pháp giải quyết... là vài trong số rất nhiều “điểm đen” của bến xe Mỹ Đình.
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh vừa chính thức thừa nhận hàng loạt tồn tại ở bến xe Mỹ Đình, trong đó có nhiều điều khó tin nhưng đã vô tư diễn ra ngay tại bến xe lớn nhất Thủ đô này.
Bến nhỏ, xe nhiều, quản lý kém
Theo tổng hợp chính thức, đến nay, lượng xe xuất bến tại bến xe Mỹ Đình là 1233 lượt xe/ngày, trong đó ngày thường là vào khoảng hơn 900 xe, còn những dịp Lễ, Tết thì số lượng tăng rất cao. Điều đáng nói là trong số đó, cả Tổng Cục Đường bộ Việt Nam và Sở GTVT Hà Nội chỉ chấp thuận khoảng hơn 400 lượt xe xuất bến mỗi ngày, trong khi đó, Sở GTVT các tỉnh, thành phố chấp thuận 1133 xe với lượt xe xuất bến bình quân lên đến 881 lượt xe/ngày.
Nhận xét về thực trạng này, ông Nguyễn Hoàng Linh phân tích: Trước năm 2010, theo một số Quyết định của Bộ GTVT thì Sở GTVT các tỉnh bạn được phép chấp thuận xe ra vào bến xe Mỹ Đình mà không cần có ý kiến của Sở GTVT Hà Nội, chỉ cần có ý kiến của đơn vị khai thác bến xe. Trong khi đó, doanh nghiệp khai thác bến xe lại chưa trú trọng vào việc quản lý mà chỉ quan tâm đến việc kinh doanh lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Một thực tế khác là trong khi doanh nghiệp khai thác bến xe chấp thuận cho hàng nghìn lượt xe các tỉnh vào bến thì mặt bằng bến xe Mỹ Đình lại rất hạn chế. Theo quy hoạch của Thành phố thì bễn xe Mỹ Đình sẽ có quy mô là 3,5ha được triển khai xây dựng nhằm chuyển rời bến xe Kim Mã và một phần hỗ trợ cho bến xe Gia Lâm và bến xe Giáp Bát. Tuy nhiên, hiện nay quy mô bến chỉ đạt 1,98ha.
Theo ông Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh, sự ùn tắc trong bến xe còn do công tác điều hành, tổ chức sắp xếp xe trong bến chưa khoa học và xe dù thì lại tự do vào bến. Trong khi đó, từ cuối năm 2009, khi bến xe Mỹ Đình hạn chế tăng xe thì các xe từ các tỉnh phía Nam tại Giáp Bát, Nước Ngầm, Yên Nghĩa chạy vượt tuyến để đến khu vực bến xe Mỹ Đình đón khách, từ đó hình thành thêm các xe dù, bến cóc ở khu vực quanh bến xe.
Có một thực tế rất lộn xộn tại bến xe Mỹ Đình, đó là các xe không thực hiện đúng phương án chạy xe nhưng đơn vị khai thác bến xe không kiểm tra nghiêm dẫn đến tình trạng nhiều xe đến bến sớm hơn phương án chạy xe gây ra hiện tượng xe đến bến nhiều hơn số vị trí có trong bến, từ đó ùn tắc tại đường vào bến. Ngoài ra, nhiều xe không chấp hành lệnh khi xuất bến, chây ỳ... dẫn đến ùn tắc tại đường ra.
Bến nhỏ, xe vào nhiều trong khi sự quản lý bị buông lỏng đã dẫn đến sự lộn xộn của bến xe Mỹ Đình gây bức xúc trong dư luận - ảnh: soha |
Sự buông lỏng quản lý cũng khiến nhiều trường hợp các đơn vị vận tải tỉnh ngoài khi thay xe khai thác nhưng không trả sổ nhật trình, phù hiệu xe chạy tuyến cố định của xe cũ nên các xe bị thay vẫn sử dụng sổ nhật trình và phù hiệu tuyến cố định để đến hoạt động tại khu vực bến xe Mỹ Đình dẫn đến tăng lượng xe gây ùn tắc.
Đặc biệt gây bức xúc là hiện tượng các xe dù tự hình thành các bến cóc ở ngay bãi xe sau bến xe, tại ngõ 52 phố Phạm Hùng, bãi xe của công ty Mai Trang ngay cạnh Cục Đăng kiểm Việt Nam... với diện tích lên đến trên 10.000 m2.
Điều đáng nói là trước những tồn tại vô cùng lộn xộn như trên thì Sở GTVT, đơn vị quản lý nhà nước về giao thông của Hà Nội lại không thường xuyên rà soát biểu đồ, tần suất chạy xe của các đơn vị để điều chỉnh cho phù hợp với hoạt động của bến xe; không quyết liệt trong việc đôn đốc, chỉ đạo Thanh tra GTVT kiểm tra hoạt động của bến xe dẫn đến tình trạng bến xe hoạt động lộn xộn, xe không có “nốt” vẫn cho vào bến hoạt động.
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cũng thừa nhận Sở này đã không kịp thời báo cáo UBND Thành phố để đôn đốc Tổng công ty vận tải Hà Nội thực hiện mở rộng bến xe Mỹ Đình, đảm bảo diện tích theo Quy hoạch.
Nghịch lý: Giao thông phát triển, bến xe... vỡ
Tuy nhiên, ngoài việc “thanh minh” rằng do xe các tỉnh vào bến không phải xin phép Sở GTVT Hà Nội thì ông Linh cũng cho rằng, do điều kiện kinh doanh vận tải hành khách đơn giản nên các doanh nghiệp phát triển nhanh. Đặc biệt, ông Linh cũng phân tích, cùng với sự phát triển kinh tế, giao lưu thuận tiện, nhu cầu đi lại tăng; sự gia tăng dân số nhanh chóng tại một số khu vực xung quanh các bến xe, nơi có tốc độ phát triển đô thị nhanh nhất Thành phố và cũng là nơi tập trung đông các trường Đại học, Cao Đẳng của Hà Nội cũng là nguyên nhân gây nên hiện tượng “vỡ trận” bến xe Mỹ Đình.
Thêm vào đó, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cũng phân tích một thực tế là tốc độ phát triển của cơ sở hạ tầng giao thông như cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì nối với đường cao tốc trên cao Hà Nội được đưa vào hoạt động, các tuyến quốc lộ 1A, quốc lộ 1B, quốc lộ 18 kéo dài (đoạn Bắc Ninh - Hà Nội), Quốc lộ 6, Quốc lộ 32 được nâng cấp, mở rộng và đi vào hoạt động nên hoạt động vận tải hành khách từ các tỉnh về Hà Nội và ngược lại được thuận lợi cũng khiến xe tại các tỉnh đổ về khu vực bến xe Mỹ Đình nhiều hơn.
Với những hoạt động phức tạp như vậy nhưng các lực lượng chức năng mặc dù đã kiểm tra xử lý các vi phạm về trật tự đô thị, vi phạm trong hoạt động vận tải, giải tỏa một số “bến cóc” khu vực quanh bến, xử lý xe khách vi phạm các quy định về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô... nhưng thực hiện không triệt để nên đã dẫn đến những thực tế khó tin vẫn đang hàng ngày diễn ra tại bến xe lớn nhất Thủ đô nói trên.
Ý kiến bạn đọc