Nghĩ trước khi ăn: 20.000 trẻ chết đói mỗi ngày!

18:27, 15/05/2013
|

(VnMedia) - Trong khi hàng ngày có rất nhiều người đang lãng phí thực phẩm thì trên thế giới, cứ 7 người có 1 người bị đói thường xuyên và hơn 20.000 trẻ em dưới 5 tuổi chết đói mỗi ngày…

 

Lãng phí thực phẩm là điều mà người ta rất dễ bắt gặp tại các nước châu Á, trong đó có Việt Nam . Đến bất cứ nhà hàng, quán ăn, một buổi tiệc lớn hay một bữa ăn nhỏ ngay tại gia đình, người ta cũng dễ dàng bắt gặp cảnh tượng thức ăn thừa bày la liệt trên bàn và sau đó, nó được xử lý bằng cách cho vào… sọt rác.

 

Đa số người Việt khi nhìn thấy các bữa ăn thừa như vậy cũng đều tỏ ý tiếc rẻ, nhưng họ cũng đồng thời sẵn sàng gọi rất nhiều đồ ăn đãi khách chỉ vì sĩ diện. “Gọi đồ ăn ít có thể khiến khách không dám ăn, vì vậy, biết là thừa vẫn phải gọi nhiều để khỏi mang tiếng” là suy nghĩ của nhiều người Việt. Tuy nhiên, có lẽ họ sẽ nghĩ lại nếu biết rằng, mỗi năm, thế giới lãng phí 1,3 tỷ tấn thực phẩm (tương đương với một phần ba sản lượng toàn cầu, trong khi đó, trên thế giới cứ 7 người thì có 1 người bị đói và hơn 20.000 trẻ em dưới 5 tuổi bị chết đói mỗi ngày.

 

Không chỉ mất cân bằng quá lớn trong lối sống ảnh hưởng nghiêm trọng Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, lãng phí lương thực cũng chính là lãng phí các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đồng thời gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Lãng phí thực phẩm đồng nghĩa với việc lãng phí các chất hóa học được sử dụng như phân bón và thuốc trừ sâu, nhiên liệu trong quá trình vận chuyển, nhiefu thực phẩm bị thối rữa, phát thải khí metan.

 

“Thế giới hiện nay có 7 tỷ người và sẽ lên tới 9 tỷ người vào năm 2050. Lãng phí thực phẩm không chỉ tác động đến kinh tế và môi trường mà còn là vấn đề đạo đức” - Tổng thư ký Liên hợp quốc kiêm Giám đốc điều hành UNEP Achim Seiner nói.

 

Ông Achim Seiner cũng phân tích rằng, bên cạnh việc lãng phí các chi phí đầu vào như đất, nước, phân bón và sức lao động… chất thải thực phẩm cũng tạo ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính. “Chúng tôi kêu gọi mọi người trên toàn thế giới cùng nỗ lực để nâng cao nhận thức và hành động thực tế ở gia đình, trên trang trại, trong các siêu thị, ở căng tin, trong khách sạn hoặc bất cứ nơi nào thực phẩm được tiêu thụ hằng ngày trong cuộc sống” - Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh.

 

Trong khi đó, ông José Graziano da Silva, Tổng Giám đốc Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Quốc tế FAO thì nói rằng, trong các khu vực công nghiệp, gần một nửa số thực phẩm bị lãng phí, khoảng 300 triệu tấn thức ăn bị nhà sản xuất, hệ thống bán lẻ và người tiêu dùng vứt bỏ hằng năm vẫn có thể sử dụng được. “Sự lãng phí này còn nhiều hơn tổng sản lượng lương thực của châu Phi cận Sahara, đủ để nuôi sống khoảng 870 triệu người đói trên toàn thế giới” - ông José Graziano da Silva nói.
 

 Ảnh minh họa

 Trong khi nhiều người tiêu thụ thực phẩm một cách lãng phí thì trên thế giới, mỗi ngày có 20.000 trẻ dưới 5 tuổi chết đói


Ăn chay: Cứu mình, cứu trái đất

 

“Ăn chay, sống xanh, cứu trái đất” là chủ đề của một hội thi nấu ăn chay sẽ được tổ chức tại Huế để hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới năm nay. Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến, ăn chay không chỉ có ý nghĩa tâm linh, văn hóa ẩm thực và sức khỏe mà còn có ý nghĩa tốt đối với môi trường.

 

“Khi chuyển từ tiêu thụ thực phẩm dạng hạt sang dạng thực phẩm dạng đạm động vật, chúng ta sẽ làm tiêu tốn năng lượng thêm gấp nhiều lần. Nếu chúng ta càng ngày càng thích tiêu thụ các loại thực phẩm dạng đạm và những thứ đặc sản của đạm thì sẽ dẫn đến những hành động ảnh hưởng nhiều đến môi trường qua việc tiêu tốn năng lượng cũng qua việc sử dụng nhiều đất đai… để cung cấp nhu cầu theo tháp năng lượng”.

 

Tuy nhiên, ông Tuyến giải thích rằng, nói như vậy không có nghĩ là khuyên người dân ăn ít đạm đi, mà là nên sử dụng cân bằng và tiết kiệm. Ông Tuyến cũng nhấn mạnh về khía cạnh sức khỏe khi tiêu thụ đạm động vật, liên quan đến các loại bệnh tật.

 

Ngày Môi trường Thế giới năm nay được Liên hiệp quốc chọn là với chủ đề “Hãy nghĩ về môi trường trước khi tiêu thụ thực phẩm” nhằm khuyến khích mọi người hãy chú ý hơn đến những ảnh hưởng tới môi trường từ việc lựa chọn thực phẩm, tránh lãng phí thực phẩm và lựa chọn những loại thực phẩm ít ảnh hưởng đến môi trường.

 

Tại Việt Nam, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức các hoạt động quốc gia kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới năm 2013 từ ngày 4 ngày 5/6 tại thành phố Huế.

 

Tổ chức Y tế thế giới đã ước tính, đến năm 2015 có khoảng 2,3 tỷ người trên thế giới sẽ thừa cân và 700 triệu người sẽ bị béo phì, 374 triệu người trên toàn thế giới mắc bệnh tiểu đường và hơn 80% trong số này sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Đến năm 2030 số ca tử vong vì bệnh tiểu đường sẽ tăng gấp đôi. Với xu hướng trên, việc lên kế hoạch và chuẩn bị bữa ăn hợp lý của mỗi cá nhân và gia đình sẽ vừa giúp duy trì sức khỏe tốt, đồng thời giúp giảm chất thải trong quá trình tiêu dùng.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc