Sửa đổi Hiến pháp 1992:: Cần hiến định rõ quyền biểu quyết của dân

20:08, 13/03/2013
|

(VnMedia) - Góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội cho rằng, Điều 30 trong Dự thảo đã không hiến định được quyền của dân được biểu quyết cái gì và khi nào...

Phân tích về Điều 6 trong Dự thảo, ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội đánh giá, hiến định nhân dân thể hiện quyền lực nhà nước bằng hình thức dân chủ trực tiếp là bước tiến dân chủ rất quan trọng của Dự thảo Hiến pháp sửa đổi so với các Hiến pháp 1959, 1980 và 1992, được thể hiện cụ thể trong nhiều điều của bản dự thảo sửa đổi. Điều đó khẳng định nhất quán chủ trương nhà nước của dân, do dân, vì dân và mọi quyền lực thuộc về nhân dân.

 

Tuy nhiên, theo ông Nam, trong khi bản Hiến pháp năm 1992 hiến định dân chủ đại diện thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp là đúng thì bản Dự thảo lần này lại có bổ sung ý “và thông qua các cơ quan khác của nhà nước”. “Như vậy thì không rõ cơ quan nhà nước là cơ quan nào, có phải do nhân dân bầu ra không?” - ông Nam đặt câu hỏi và cho rằng, cần phân biệt đại diện quyền lực khác với tổ chức thực hiện quyền lực, bởi các cơ quan nhà nước không phải do nhân dân bầu ra để thực hiện quyền lực của nhân dân do cơ quan đại diện trao.

 

“Do vậy, cần sửa đổi Điều 6 theo hướng “nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND” - ông Nam đề nghị.

 

Tương tự, đối với Điều 30, ông Nam cho rằng, Dự thảo không hiến định được quyền của dân được biểu quyết cái gì và khi nào. Dự thảo để nhà nước quyết định việc trưng cầu, nhưng không hiến định được cụ thể. Ông Nam đề nghị cần viết lại Điều 30 là: “Công dân có quyền biểu quyết những vấn đề hệ trọng của đất nước nếu được 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội nhất trí”. Theo ông Nam , hiến định như vậy sẽ rõ hơn, quyền dân chủ được nhất quán và dễ thực hiện.

 Ảnh minh họa

 Ông Nguyễn Hoài Nam - ảnh: Xuân Hưng

 

Cần hiến định chính quyền địa phương bao gồm HĐND và UBND

 

Góp ý về chương IX (chính quyền địa phương), ông Nam cho rằng còn nhiều nội dung chưa rõ. “Tuy sau này sẽ có Luật cụ thể hóa, nhưng cũng như thiết chế về Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ cũng sẽ có Luật, do vậy Hiến pháp cần hiến định những nguyên tắc, định hướng lớn về chính quyền địa phương, một cấu thành quan trọng của nhà nước ta, nhất quán quan điểm nhà nước của dân, do dân, vì dân và mọi quyền lực thuộc về nhân dân như Điều 2 của Dự thảo sửa đổi đã nêu.

 

“Bản Dự thảo sửa đổi có điểm mới là không quy định cụ thể về nhiệm vụ quyền hạn của HĐND và UBND, để mở việc thành lập HĐND và UBND sẽ do luật định. Nhưng nếu không hiến định chính quyền địa phương bao gồm HĐND và UBND hoặc nơi không tổ chức HĐND và để nhân dân bầu trực tiếp UBND thì có thể là bước lùi về dân chủ so với các Hiến pháp trước đây. UBND không hiến định do HĐND bầu ra thì làm sao là cơ quan chấp hành của HĐND và nếu không tổ chức HĐND thì UBND cùng cấp không còn là cơ quan chấp hành mà chỉ là cơ quan hành chính. Điều này lại mâu thuẫn ngay Khoản 2 Điều 116” – ông Nam phân tích.

 

Theo ông Nam, tuy không quy định cụ thể về nhiệm vụ quyền hạn của HĐND và UBND nhưng Hiến pháp cũng cần định hướng rõ chức năng, vai trò, tổ chức và nhiệm vụ trọng yếu của HĐND để làm cơ sở cụ thể hóa trong Luật định và quan trọng là không làm mất đi quyền làm chủ của nhân dân thông qua cơ quan đại diện…

 

Ông Nguyễn Hoài Nam đề nghị viết Điều 116 như sau: “HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên; Hội đồng nhân dân có Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các ban, số lượng Phó Chủ tịch và thành viên các ban; phê chuẩn các chức danh do HĐND cấp dưới bầu ra do luật định; HĐND quyết định các biện pháp đảm bảo thi hành Hiến pháp và pháp luật ở địa phương, các vấn đề quan trọng của địa phương và giám sát việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan nhà nước tại địa phương”.

 

Ông Nam cũng đề nghị thêm một điều với nội dung: “UBND là cơ quan chấp hành của HĐND, do HĐND bầu ra và là cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương; UBND có Chủ tịch, Phó Chủ tịch và một số ủy viên, số lượng các Phó Chủ tịch, ủy viên và phê chuẩn các chức danh của UBND do HĐND cấp dưới bầu ra do luật định; Chủ tịch UBND và các thành viên UBND chịu trách nhiệm tập thể về hoạt động của UBND và chịu trách nhiệm cá nhân về việc thực hiện nhiệm vụ được giao trước HĐND và cơ quan hành chính nhà nước cấp trên”.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc