Gắn kết với Hội đồng nhân dân

06:50, 13/03/2013
|

Vào khoảng thời gian từ cuối năm 1997 đến đầu năm 1999, tôi được phân công làm Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam. Một trong những trăn trở của tôi khi đó là có biện pháp gì, giải pháp gì để góp phần giảm bớt tính hình thức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND thông qua hai chức năng là giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương.

Tôi theo đuổi trăn trở ấy khi về làm ĐBQH chuyên trách Khóa X nhiệm kỳ 1997 – 2002. Khi đó hoạt động của Quốc hội đã khá sôi nổi, nhất là những phiên họp thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, về dự án thủy điện Sơn La, dự án Khu lọc hóa dầu Dung Quất ở Quảng Ngãi và hoạt động giám sát của Quốc hội trong những phiên chất vấn và trả lời chất vấn được phát thanh, truyền hình trực tiếp được nhân dân cả nước rất quan tâm. Tuy nhiên, điều trăn trở đó tôi chưa có điều kiện thực hiện vì khi làm ĐBQH chuyên trách Khóa X, tôi được UBTVQH phân công làm công tác dân nguyện. Phải đến Quốc hội Khóa XI (2002 - 2007), khi có quyết định thành lập Ban Công tác đại biểu, tôi được UBTVQH phân công làm Phó trưởng Ban giúp việc cho Trưởng Ban là đồng chí Trương Quang Được khi đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Quốc hội. Một trong những nhiệm vụ mà Trưởng Ban Công tác đại biểu giao cho tôi là bám sát hoạt động của HĐND, góp phần tăng cường mối quan hệ gắn kết giữa Quốc hội với HĐND và chuẩn bị xây dựng dự thảo Quy chế hoạt động của HĐND thay cho Quy chế hoạt động của HĐND năm 1996 do có nhiều quy định không còn phù hợp.

Tôi phấn khởi nhận nhiệm vụ rồi cùng đồng chí Nguyễn Văn Nhận, Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu, đồng chí Trịnh Sao Mai, Phó Vụ trưởng và các đồng chí chuyên viên: Nguyễn Hải Long, Phan Văn Ngọc, Nguyễn Thanh Hải dành nhiều thời gian đi cơ sở. Chúng tôi về làm việc và dự họp HĐND ở nhiều tỉnh từ Tây Bắc, Việt Bắc, đồng bằng sông Hồng đến các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, Nam Bộ để xem cách tổ chức hoạt động của HĐND và trao đổi, lắng nghe ý kiến nguyện vọng của đại biểu HĐND. Khi đó, có một thực tế mà cả chúng tôi và các đồng chí trong Thường trực HĐND ở nhiều tỉnh đều phải thừa nhận là tính hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện hai chức năng của HĐND còn nhiều hạn chế, không ít hoạt động của HĐND còn mang tính hình thức. Nguyên nhân của những hạn chế trên là do phương thức lãnh đạo của các cấp ủy với cơ quan dân cử chưa được quan tâm đúng mức, chưa thực sự đổi mới; cách tổ chức điều hành của Thường trực HĐND tại các kỳ họp HĐND ở nhiều nơi còn lúng túng, bị động, phụ thuộc; trách nhiệm của đại biểu HĐND chưa được đề cao do chưa được cung cấp đầy đủ thông tin và tâm lý nể nang, ngại va chạm. Về phương thức lãnh đạo, phổ biến vẫn theo khuôn mẫu là trước mỗi kỳ họp HĐND thì cấp ủy cùng cấp họp để thảo luận cho ý kiến về các chỉ tiêu kinh tế - xã hội và những nội dung quan trọng sẽ được thông qua tại kỳ họp HĐND. Phương thức lãnh đạo như vậy dẫn đến hệ quả là Thường trực HĐND chủ tọa kỳ họp phải tập trung chỉ đạo để HĐND biểu quyết thông qua các chỉ tiêu kinh tế - xã hội và những nội dung quan trọng mà cấp ủy đã cho ý kiến nên thời gian để nghe báo cáo, tờ trình thì dài, còn thời gian để đại biểu HĐND thảo luận lại ngắn. Trong bầu không khí kỳ họp như vậy nên đại biểu HĐND cũng nhanh chóng giơ tay biểu quyết thông qua các chỉ tiêu kinh tế - xã hội và những vấn đề quan trọng ở địa phương, rất hiếm thấy những ý kiến phản biện sâu sắc. Chúng tôi đã dự kỳ họp HĐND một tỉnh và chứng kiến chỉ trong một buổi làm việc khoảng 4 tiếng đồng hồ mà HĐND tỉnh đó thông qua tới 15 nghị quyết. Chuyện tương tự như trên cũng diễn ra ở nhiều tỉnh mà chúng tôi đến dự họp. Cách thông qua nghị quyết một cách nhanh chóng như vậy thật khó tránh khỏi tình trạng nghị quyết khi được ban hành lại xa rời thực tế nên khi tổ chức thực hiện thường nảy sinh nhiều vướng mắc, gây bức xúc trong dân; khiếu kiện cũng nảy sinh từ đó.
 
Chúng tôi đem những nội dung thu nhận được từ thực tế làm việc với HĐND nhiều tỉnh về báo cáo với đồng chí Trưởng Ban Công tác đại biểu và nhận được ý kiến chỉ đạo: Nên bàn bạc với Thường trực HĐND ở những tỉnh đăng cai các cuộc gặp mặt của Thường trực HĐND các tỉnh trong khu vực, chọn những vấn đề còn vướng mắc, hạn chế trong việc thực hiện hai chức năng của HĐND làm chủ đề các cuộc hội thảo để tìm ra giải pháp khắc phục. Rất mừng là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Trưởng Ban Công tác đại biểu lại đánh trúng tâm lý, nguyện vọng của Thường trực HĐND nhiều tỉnh, nên được Thường trực HĐND hưởng ứng rất nhiệt tình. Vì vậy, các cuộc gặp mặt của Thường trực HĐND các khu vực từ chỗ gặp mặt động viên nhau là chính đã chuyển mạnh sang các cuộc hội thảo, trao đổi kinh nghiệm sôi nổi nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND. Nơi thì tổ chức hội thảo “đổi mới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng với HĐND cùng cấp”, nơi thì hội thảo “quy trình xây dựng và thông qua nghị quyết; quy trình tiến hành một cuộc giám sát ”. Nơi lại hội thảo về “kinh nghiệm điều hành của Chủ tọa kỳ họp khi thảo luận tình hình kinh tế - xã hội” sao cho sôi nổi, tránh xuôi chiều, trùng lặp; điều hành các cuộc chất vấn và trả lời chất vấn có trọng tâm, trọng điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân. Thường trực HĐND tỉnh Đồng Nai còn có sáng kiến thành lập các ban của HĐND xã, phường để tăng cường giám sát từ cơ sở…
 
Từ diễn đàn Quốc hội, không khí đổi mới và dân chủ đã tác động tích cực đến các kỳ họp của HĐND trong cả nước nên các cuộc hội thảo của Thường trực HĐND các khu vực ngày càng thiết thực và hiệu quả. Đồng chí Trương Quang Được, Phó chủ tịch Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu đã dành thời gian đi dự một số cuộc hội thảo của Thường trực HĐND và phát biểu nhiều nội dung sâu sắc, thiết thực. Trong không khí gắn kết giữa Quốc hội và HĐND, chúng tôi cũng kiến nghị đồng chí Trưởng Ban Công tác đại biểu và UBTVQH cho phép mở rộng số lượng và đối tượng đại biểu HĐND về dự các kỳ họp Quốc hội. Ngoài Thường trực HĐND gồm Chủ tịch, Phó chủ tịch, Ủy viên Thường trực, các tỉnh được đăng ký để các Trưởng Ban của HĐND tỉnh lần lượt được dự kỳ họp Quốc hội. Căn cứ vào chương trình làm việc của mỗi kỳ họp Quốc hội, Ban Công tác đại biểu đã thông báo sớm các nội dung và thời gian Quốc hội làm việc để Thường trực HĐND các tỉnh sắp xếp thời gian đăng kí dự kỳ họp phù hợp với nhu cầu công tác của mình. Thông qua những lần được dự các kỳ họp Quốc hội đã giúp nhiều đồng chí trong Thường trực và Trưởng Ban HĐND tỉnh thu nhận thêm nhiều thông tin kiến thức, kinh nghiệm giúp ích thiết thực cho hoạt động HĐND. Về phía chúng tôi, những cán bộ của Ban Công tác đại biểu và Vụ Công tác đại biểu được gần gũi, gắn bó với hoạt động của HĐND đã giúp chúng tôi có thêm kiến thức và tài liệu phong phú để xây dựng dự thảo Quy chế hoạt động của HĐND năm 2005. Trong quá trình xây dựng dự thảo Quy chế, chúng tôi đã tổ chức lấy ý kiến của Thường trực HĐND nhiều tỉnh ở các vùng miền. Vì vậy, khi Quy chế hoạt động của HĐND năm 2005 được UBTVQH ban hành (Nghị quyết số 753/2005/NQUBTVQH11 ngày 02 tháng 4 năm 2005), đã được HĐND các cấp đón nhận, hoan nghênh. Có Thường trực HĐND tỉnh đã hào hứng đánh giá Quy chế hoạt động của HĐND năm 2005 có nhiều nội dung mới phù hợp với thực tiễn, là “cẩm nang” để HĐND hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Thường trực HĐND nhiều tỉnh đã đặt mua thêm Quy chế hoạt động của HĐND năm 2005 làm tài liệu cho các đại biểu HĐND trong tỉnh, tổng số lượng phát hành đã lên đến trên 10 vạn quyển.
 
Với Ban Công tác đại biểu, việc xây dựng dự thảo Quy chế hoạt động của HĐND năm 2005 có chất lượng đã trở thành một điểm nhấn trong thành tích của Ban về công tác tham mưu phục vụ UBTVQH và Quốc hội Khóa XI. Với tôi, đó cũng là một kỷ niệm đáng nhớ vì đã được đóng góp một phần nhỏ bé công sức của mình vào thành tích chung của Ban Công tác đại biểu.
 
Tôi xin cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện và sự cộng tác nhiệt tình của các đồng chí Lãnh đạo Ban và tập thể cán bộ, công chức trong Ban đã dành cho cá nhân tôi trong thời gian công tác tại Ban. Nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Ban Công tác đại biểu, tôi xin kính chúc các đồng chí Lãnh đạo Ban Công tác đại biểu và cán bộ, công chức trong hai đơn vị giúp việc cho Ban luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và ngày càng có nhiều thành tích mới trong công việc, giúp củng cố và phát huy hơn nữa vị thế của Ban Công tác đại biểu trong giai đoạn mới.


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc