“Phạt xe không chính chủ chỉ làm khổ công an”

12:38, 12/03/2013
|

(VnMedia)Trao đổi với VnMedia sáng 12/3, sau khi Bộ Giao thông đề xuất rút quy định xử phạt xe không chính chủ, Chủ tịch Hiệp hội Ô tô Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, quy định phạt xe không chính chủ chỉ làm khổ ngành công an mà thôi.

>>Phạt xe không chính chủ: Giao thông đòi bỏ, công an... giữ!
>>
Bộ trưởng Bộ Giao thông: 'Không thể phạt dân đội mũ rởm được'
 

- Sau một thời gian ồn ào, Bộ Giao thông  vừa đề nghị bỏ quy định xử phạt xe không chính chủ ra khỏi Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính vi phạm giao thông đường bộ, đường sắt nhưng đại diện ngành công an lại cho rằng nên giữ lại. Quan điểm của ông về việc này thế nào?.
 
- Chủ tịch Hiệp hội Ôtô Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi đồng ý với quan điểm của Bộ Giao thông vận tải về việc rút quy định xử phạt xe không sang tên đổi chủ ra khỏi Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.
 
Theo tôi, việc đưa nội dung này vào dự thảo nghị định xử phạt chỉ làm khổ ngành công an thôi. Nghị định là xử phạt hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông cho nên việc chưa sang tên đổi chủ không liên quan đến an toàn giao thông.
 
Hành vi này cần xử phạt nhưng không nên đưa vào quy định này. Đưa vào dân vừa bức xúc, công an thì khổ. Ngành công an đã đối đầu với nhiều vấn đề của xã hội rồi nay lại thêm vấn đề này thì chỉ khổ ngành công an quá nên tôi đồng ý với đề xuất của ngành giao thông.
 
- Tuy nhiên, đại diện lãnh đạo ngành công an lại cho rằng, việc xử phạt hành vi không sang tên đổi chủ sẽ giúp thống nhất trong quản lý và sẽ dễ điều tra những vụ mất xe hơn. Ông nói sao về điều này?.
 
Việc đó thuộc về phạm vi điều chỉnh của luật khác. Tôi đồng ý là phải phạt hành vi không sang tên đổi chủ nhưng không đưa vào Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.
 
Chuyện không sang tên đổi chủ là việc của xã hội và các ngành khác phải giải quyết, chứ không thuộc phạm vi điều chỉnh của các nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
 
Tôi xin nhắc lại việc không sang tên đổi chủ không liên quan đến an toàn giao thông và tôi đồng ý với đề xuất rút quy định này ra khỏi Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Còn hành vi trên nếu cần xử phạt thì nên đưa vào chuyển quyền tài sản hoặc phí và lệ phí chứ không nên đưa vào Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.
 
Việc xác định xe không sang tên đổi chủ thì Hội đồng nhân dân làm sao xác định được. Luật Dân sự người ta còn có quy định hợp đồng ủy quyền cho nên rất khó xác minh. Không lẽ bây giờ người ta đi ra đường phải mang theo giấy chứng nhận, giấy ủy quyền à?. Làm như thế thêm rối xã hội ra.

 Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Ô tô Việt Nam cho rằng, quy định xử phạt xe không chính chủ chỉ làm khổ công an.


 - Thưa ông, ngoài việc đề xuất rút quy định xử phạt xe không chính chủ, Bộ Giao thông đề xuất bổ sung thêm hành vi đội mũ bảo hiểm không đủ 3 lớp: Vỏ, xốp bảo vệ và quai đeo thì bị phạt như hành vi không đội mũ và đội nhưng không cài quai. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?.
 
Theo quan điểm của tôi, mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn thuộc trách nhiệm của nhà sản xuất và Bộ Khoa học Công nghệ kiểm định việc này. Còn bán ra thị trường thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý thị trường chứ không nên đưa vào Nghị định về vấn đề xử phạt người đội mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn.
 
Nếu đưa vào nghị định, lúc đó công an làm gì để xác định mũ đủ tiêu chuẩn hay không đủ tiêu chuẩn? (cười..). Theo tôi không nên đưa quy định trên vào trong dự thảo nghị định mà nên tăng cường xử phạt những cơ sở sản xuất không đủ tiêu chuẩn và phạt ngay đơn vị quản lý thị trường. Anh để mũ rởm, không đảm bảo chất lượng bán nhiều thì phạt anh đó.
 
Còn người dân làm sao người ta biết được mũ nào đủ tiêu chuẩn, mũ nào không đủ tiêu chuẩn. Hay công an làm sao khẳng định được mũ này đủ tiêu chuẩn, mũ này không đủ tiêu chuẩn. Công an thì chỉ xử phạt vi phạm hành chính thôi chứ không lẽ lại biến họ thành cán bộ kiểm định mũ bảo hiểm được. Và nếu cứ làm thế sẽ trở thành đôi co giữa công an và người dân.

-Thưa ông, lập luận của ngành giao thông khi đề xuất như vậy thì cho rằng "3 lớp mũ có thể phân biệt bằng mắt thường". Ông nói sao về điều này?.
 
Cái 3 lớp như đề xuất của Bộ Giao thông chẳng có ý nghĩa gì. Chất lượng mũ không phải đủ ba lớp. Mũ giả cũng có đủ 3 lớp chứ. Vẫn có vỏ ngoài, lớp lót bên trong và quai… nhưng đồ rởm vẫn là rởm chứ. Cho nên việc có đủ 3 lớp hay không không chứng minh được có đủ chất lượng hay kém chất lượng. Cho nên nói xử phạt mũ bảo hiểm không đủ 3 lớp là vô duyên.
 
Hiện nay chúng ta đang động viên người dân đội mũ bảo hiểm chất lượng cho nên chuyện 3 lớp không giải quyết được việc gì. Không chứng minh được chất lượng lại rắc rối. Theo tôi cái gì rắc rối thì nên bỏ đi không dễ gây rối lòng dân.

 Ảnh minh họa

 Cảnh sát giao thông Hà Nội cho người vi phạm giao thông đọc luật để xử phạt lỗi vi phạm. Ảnh: Xuân Tùng


 - Ngoài 2 nội dung trên, trong Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt đang được lấy ý kiến, ông còn quan tâm đến nội dung nào?.
 
Còn một vấn đề nữa dư luận, báo chí chưa nói đến, đó là phạt chủ doanh nghiệp. Tôi tán thành việc phạt chủ doanh nghiệp nhưng không phải phạt tất cả hành vi. Ví dụ như việc xe chở quá tải thì không thể phạt chủ doanh nghiệp được. Cái này phải phạt người điều khiển doanh nghiệp.
 
Tôi tán thành phạt chủ doanh nghiệp nhưng chỉ phạt trong 2 hành vi: Một là cho lái xe điều khiển xe không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Hai là, để lái xe lao động quá thời gian quy định của luật pháp thì anh có thể phạt chủ doanh nghiệp. Còn xe chở quá tải, xe vào đường cấm, ngược chiều… nếu anh phạt chủ doanh nghiệp thì vô duyên. Chủ doanh nghiệp không thể lại phải chịu hành vi dân sự như vậy được. Hành vi này người điều khiển doanh nghiệp phải trực tiếp chịu trách nhiệm.
 
Chủ doanh nghiệp ở nhà thì làm sao điều khiển được lái xe chở quá tải từ 5-10 người. Phạt như vậy là vô duyên. Tất nhiên chủ doanh nghiệp có trách nhiệm giáo dục nhưng không thể nào theo từng lái xe để quản từng hành vi được.
 
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!.


Xuân Tùng - (Thực hiện)

Ý kiến bạn đọc