(VnMedia) - Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) dự kiến, việc giải quyết các trường hợp xe không chính chủ sẽ được thực hiện đến hết ngày 30/6/2013.
>>Phạt xe không chính chủ: Chờ thông tư
Theo quy định của Nghị định 71 của Chính phủ có hiệu lực từ 10/11/2012, xe máy, ô tô mua đi bán lại không sang tên đổi chủ sẽ bị phạt từ 800.000 đồng – 10.000.000 đồng. Tuy nhiên, sau khi Nghị định có hiệu lực, nhiều chủ xe đã lên tiếng phản ứng với quy định trên do những khó khăn trong việc sang tên đổi chủ.
Để tạo thuận lợi cho người dân sang tên đổi chủ phương tiện, Chính phủ đã yêu cầu chưa xử phạt hành vi này mà phải chờ Bộ Công an ban hành thông tư mới về việc đăng ký sang tên đổi chủ, sau đó mới tiến hành xử phạt.
Liên quan đến vấn đề này, Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) cho biết, đang lấy ý kiến các cơ quan liên quan về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 36/2010 về đăng ký xe.
Theo đánh giá của đơn vị này, khoản 3 điều 6 Thông tư 36 về trách nhiệm của chủ xe quy định trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày làm giấy tờ mua bán, cho, tặng, thừa kế xe, người mua hoặc bán xe phải làm thủ tục sang tên, di chuyển, thay đổi đăng ký xe.
Việc quy định thời hạn làm thủ tục chuyển quyền sở hữu xe nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đồng thời giúp các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ phương tiện đã được Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) quy định từ khi ban hành Thông tư 03 ngày 24/7/1995 kèm theo chế tài xử phạt vi phạm.
Thủ tục, hồ sơ chuyển quyền sở hữu phương tiện cũng đã được Bộ Công an đơn giản hóa theo Đề án 30 của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính. Người mua xe chỉ cần có chứng từ chuyển nhượng của chủ xe theo quy định, nộp lệ phí trước bạ và kê khai Giấy khai (theo mẫu do Cơ quan đăng ký xe phát miễn phí hoặc in từ mạng Internet) là được làm thủ tục chuyển quyền sở hữu.
Tuy nhiên, pháp luật quy định xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu đã qua mua bán, cho, tặng vẫn không đăng ký chủ sở hữu mới là do: Để hạn chế phương tiện đã áp dụng mỗi người chỉ được đăng ký sở hữu một phương tiện; có giai đoạn thành phố Hà Nội không cho đăng ký xe tại 4 quận nội thành; mức lệ phí trước bạ tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội cao gấp nhiều lần so với địa phương khác...Vì vậy, để có phương tiện đi lại, tiết kiệm chi phí do việc nộp lệ phí trước bạ, nhiều người dân nhờ người thân đứng tên đăng ký hộ.
Mặt khác, có nhiều chủ xe đã chết, đi công tác nước ngoài, thay đổi nơi ở… khiến người đang sử dụng xe không thể liên hệ để bổ sung chứng từ chuyển nhượng dẫn đến thiếu hoặc không có chứng từ và không thể sang tên, thay đổi đăng ký.
Cảnh sát giao thông Hà Nội xử phạt các trường hợp vi phạm giao thông. Ảnh: Tùng Nguyễn |
Đến ngày 10/11, khi triển khai thực hiện Nghị định 71 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, số xe được làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tăng cao nhưng vẫn còn một số lượng lớn xe không chính chủ không thể làm thủ tục do đã mua bán trao tay, không có chứng từ chuyển nhượng theo quy định.
Tổng cục VII cho rằng, để tạo điều kiện cho người dân đi làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, đồng thời giúp cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ phương tiện, truy tìm phương tiện liên quan các vụ án, xử lý các trường hợp không chấp hành quy định chuyển quyền sở hữu, cần thiết phải tháo gỡ vướng mắc về chứng từ chuyển nhượng đối với trường hợp xe mua bán qua nhiều chủ.
Mất giấy tờ phải làm cam kết
Theo dự thảo, trường hợp người đang sử dụng xe (sau đây gọi là chủ xe) không có chứng từ chuyển nhượng sẽ phải có đơn cam kết chịu trách nhiệm về nguồn gốc hợp pháp của xe và có xác nhận của công an xã, phường, thị trấn về địa chỉ nơi cư trú của chủ xe (thay cho chứng từ chuyển nhượng xe). Trường hợp mất giấy đăng ký hoặc biển số xe phải trình bày rõ lý do trong đơn cam kết.
Cơ quan đăng ký xe sẽ tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ có đơn cam kết và các thủ tục khác đúng quy định thì cấp giấy đăng ký tạm thời (theo biển số cũ) và đóng dấu “không được chuyển nhượng xe” vào giấy đăng ký tạm để quản lý, đồng thời gửi thông báo việc tiếp nhận hồ sơ sang tên xe cho chủ xe đứng tên trong đăng ký xe biết và niêm yết tại trụ sở cơ quan đăng ký xe. Sau 30 ngày từ ngày gửi thông báo, nếu không có khiếu kiện, tranh chấp thì cấp giấy đăng ký xe cho chủ xe.
Trường hợp có chứng từ chuyển nhượng của chủ xe đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và chứng từ chuyển nhượng của người bán cuối cùng thì chủ xe phải có đơn cam kết chịu trách nhiệm về nguồn gốc hợp pháp của xe và có xác nhận của công an xã, phường, thị trấn về địa chỉ nơi cư trú của người đang sử dụng xe.
Nếu thấy đáp ứng yêu cầu, cơ quan đăng ký xe sẽ tiếp nhận và làm thủ tục sang tên. Trường hợp chủ xe bị mất giấy đăng ký hoặc biển số xe phải thực hiện theo quy định tại điều 22 Thông tư số 37/2010 về quy trình đăng ký xe.
Trường hợp làm thủ tục sang tên, di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác thiếu hoặc không có chứng từ chuyển nhượng theo quy định thì chủ xe phải đến cơ quan đăng ký xe ghi trong giấy đăng ký để làm thủ tục sang tên, di chuyển. Theo dự kiến của Tổng cục VII, việc giải quyết các trường hợp nêu trên chỉ được áp dụng đến hết ngày 30/6/2013.
Ý kiến bạn đọc