Biệt thự Pháp: Những kỷ niệm một thời...

06:37, 25/08/2012
|

(VnMedia) - Những câu chuyện về một thời Hà Nội bao giờ cũng có một sự cuốn hút đối với những người yêu cái thành phố vốn nhỏ bé nhưng vô cùng thân thương này, đặc biệt là chuyện về những ngôi biệt thự đã tồn tại cả trăm năm qua giữa lòng Hà Nội…


>>"Đột nhập" ngôi biệt thự "độc" nhất Hà Nội
>>Biệt thự cổ: Giá 1m2 bằng căn hộ tập thể
>>Huy động nguồn lực bảo tồn phố cổ
>>Cơ hội cho người giàu mua biệt thự cổ ở Hà Nội
 

Những hào hoa cũ...

Có lẽ bị hồi ức của chị chủ quán nước trước cửa ngôi biệt thự 164 Triệu Việt Vương “quyến rũ”, những kỷ niệm một thời gắn liền với những ngôi biệt thự được KTS Trần Huy Ánh, một người sinh ra tại Hà Nội, được may mắn lớn lên trong một ngôi biệt thự Pháp trên phố Bà Triệu, từng chứng kiến nhiều sự kiện, nhiều đổi thay xung quanh những ngôi biệt thự bí ẩn, và trên hết, là người yêu Hà Nội tha thiết, chia sẻ với tác giả…

 

"Hà Nội có nghìn năm lịch sử, nhưng hình hài như bây giờ thì cũng chỉ trên trăm năm thôi. Ngay cái phố Triệu Việt Vương, đầu thế kỷ 20 vẫn là ruộng thôn Giáo Phường, phường Phục Cổ - tên phố cũ là Rue Chanceaulme, lèo tèo mấy nhà sát phố Nguyễn Du, bấy giờ phần lớn nhà 1 tầng mái lá. Đến năm 1918, có trận cháy lớn thì lệnh cấm làm nhà tranh triệt để nhà gạch mới xây nhiều nhưng còn hoang vu lắm.
 

Năm 1927, phố Triệu Việt Vương dài 500m, có 990 dân. Cho tận đến năm 1935 -1938 khu trường Thể dục Edep (sau năm 1954 làm nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, giờ là tòa nhà Vincom) và các phố mở mang thì khu cuối phố Triệu Việt Vương mới được xây dựng.

 

Sau khủng hoảng kinh tế 1929-1931 cho đến trước 1941 (bắt đầu thế chiến II), đoạn phố này xây dựng nhiều. Lý do là kinh tế phát triển nhanh, lại thêm loạn lạc Trung Quốc, nhiều Hoa kiều giàu có dạt sang Việt Nam làm ăn... nhu cầu thuê nhà tăng nhanh. Khu phố này có quy hoạch, công ty Địa ốc làm đường, cống thoát nước, trồng cây. Các chủ thầu mua đất làm nhà bán.

 

Người có tiền trên phố cổ tậu nhà cho con cái ở hay đến tối đóng cửa hiệu, đi xe kéo tay về đây ăn cơm tối, nghỉ ngơi thoáng đãng. Con cái Tây học đi làm công chức cũng thích ở tiện nghi hiện đại. Không phải bây giờ mới có chuyện mua nhà trả góp. Công chức bậc trung lương kha khá hồi ầy đã mua nhà trả góp nếu có bảo lãnh của các ông chủ trả lương.

 

Nhà cửa khu vực cuối phố đoạn từ ngã tư Tô Hiến Thành đến Đoàn Trần Nghiệp có nhiều cái giống nhau: thửa đất 6m x 25m, nhà mái bằng xây gạch, lùi vào 2m là hiên phòng khách phía ngoài, phòng ăn phía trong, sân sau và bếp, vệ sinh tầng 1. Cầu thang giữa lên 2 buồng ngủ phía trên. Khu phố này gọi là phố mới cho người Việt do đã có “xí máy” và ít người Pháp ở.

 

Mỗi khu phố Hà Nội trong 100 năm hình thành mang theo dấu ấn của các chủ thầu xây dựng nhà cửa tại khu phố ấy. Những tên tuổi như cô Tư Hồng, ông Năm Diệm, ông Cả Lễ, Lý Thu, quản Tuynh, nhà thầu Lê Minh Châu, bà Cả Mọc.... ảnh hưởng đến từng khu phố mà họ mua đất rẻ xây cả dãy nhà để bán hay cho thuê, đồng thời xây cho mình một ngôi nhà đặc biệt giữa khu vực ấy…


 Ảnh minh họa

 Giữa dãy nhà xây đều 2 tầng giống nhau, nhưng cuối phố Triệu Việt Vương, ngôi nhà 3 tầng cao bổng lên...

 

Và những kỷ niệm gắn bó một thời...

Nhà 164 phố Triệu Việt Vương cũng như vây. Giữa dãy nhà xây đều 2 tầng giống nhau, nhưng cuối phố Triệu Việt Vương, ngôi nhà 3 tầng cao bổng lên, tum thang có tầng thượng nên chiều cao gây sự chú ý đặc biệt. Kiến trúc thì nửa tây nửa ta: lối lên cầu thang bên phải, gara ô bên trái, thường tầng 1 dành cho nơi ở lái xe, anh bếp, vú em. Sân nhỏ phía trong có nhà bếp và nhà tắm, xí máy. Tầng 2 dẫn lên phòng khách lớn, phòng ăn, dãy nhà phụ tầng 2. Tầng 3 là phòng ngủ lớn cho gia đình con cái. Đặc biệt có nhà xí máy tầng 3 - tân tiến thời ấy.

 

Những năm 1945-1946, bà tôi, cha mẹ tôi và chị cả tôi (khi ấy mới 4-5 tuổi) ở nhà thuê cuối phố này. Cha tôi là viên chức Sở Bưu điện, lương 40 đồng thì tiền thuê căn nhà 1 tầng cuối phố cũng hết nửa lương. Bà tôi có cửa hiệu buôn trên thị xã Vĩnh Yên trợ giúp nhiều.

 

Những năm 1941-1946, Hà Nội sôi sục nhiều sự kiện: chiến tranh Trung - Nhật, Nhật -Pháp bắn nhau rồi Cách mạng tháng Tám, cha tôi cũng hào hứng tham gia công chức cứu quốc rồi là anh phụ trách nhiếu nhi cứu quốc khu phố Triệu Việt Vương... Khu phố này cũng khá phức tạp, nhiều tổ chức Quốc dân Đảng tụ tập (nghe nói ngôi nhà 164 cũng là trụ sở của họ). Cha tôi kể chuyện có hôm họ xông vào nhà, trói người vào ghế, bịt mắt dọa giết để lấy tiền vàng... nghe chuyện cũng khiếp.

 

Toàn quốc kháng chiến, nhiều nhà khép cửa đi tản cư. Đội tự vệ Bưu Điện được lệnh rút khỏi Bưu điện bờ Hồ. Sau 9 năm kháng chiến, cha tôi làm việc ở Bưu Điện liên khu 10 về Hà Nội tiếp quản ngành Bưu Điện.

 

Ngày trở về của mẹ và các anh các chị tôi cũng nhanh lắm. Đêm ngày 9/10/1954, thuyền xuôi từ Vú Ẻn đã cập bến sông Hồng nhưng vì cha tôi bận nhiệm vụ nên đến tối mới đón được nhau, mừng mừng, tủi tủi... Cả nhà lũ lượt ngội trên xích lô, ông xe gò lưng ra đạp, cha tôi chạy theo đẩy trợ lực. Cả nhà tôi băng qua đường phố Hà Nội tối ngày 10/10 để tiếp quản Thủ đô giải phóng như thế đấy.

 

Những người đến ở nhà 164 phố Triệu Việt Vương cũng cùng cảnh ngộ thôi. Chủ nhà bỏ vào Nam , Ủy ban Quân quản thấy nhà vô chủ thì chia các cơ quan đóng làm trụ sở. Tầng 2 ngôi nhà đến giờ vẫn do Ban chỉ huy quân sự thành phố quản lý. Chủ nhân mới của ngôi biệt thự điệu đàng sau ngày tiếp quản 1954 là các anh bộ đội bình dị, mỗi anh một góc với chiếc ba lô... dần dà các anh đưa vợ ở quê ra, sinh con đẻ cái, mỗi anh giờ đã một gia đình căn buồng chia ra cho đủ một hộ. Có vài gia đình vốn ở phố Thể Giao cũng đi thuê nhà nay được chuyển về do nhà cũ làm nơi ở cho cán bộ tập kết. Một nhà một chủ giờ đây có trên 10 hộ với công tơ điện chi chít lắp ở mặt tiền ngôi nhà.


 Ảnh minh họa

Giới KTS nói đến bảo tồn thì nổi gai ốc vì... ngượng ngùng…

 
Những năm đầu giải phóng, ngôi nhà vẫn giữ được vẻ kiêu sa bên ngoài, che đi cái thiếu ăn thiếu mặc thời bao cấp. Ai cũng gói ghém gọn gàng trong căn buồng mười mấy mét vuông ghi trong hợp đồng thuê nhà. Sân chung phân công quét dọn. Nhà vệ sinh tầng 3 phải xách từng xô nước lên đổ mỗi lần sử dụng... nhưng nó vẫn dùng tốt đến tận bây giờ. Nhà vệ sinh tầng 1 thì cũng hoạt động tối đa công suất, nhà bếp cho một gia đình thì cả chục nhà chia nhau mỗi người một góc.

 

Sau những năm 1980, phong trào cơi nới nở rộng. Sân chung chia năm xẻ bẩy, nơi làm buồng tắm nơi làm nhà bếp, ban công biến mất hoàn toàn. Sân chung chỉ còn một lối đi nhỏ. Nhưng ai cũng bằng lòng với cái riêng không chung đụng. Những chủ nhân bình dân đã hợp lý hóa cái không gian xa hoa xưa cũ một cách bình lặng, đồng thuận hiếm thấy.


Ngày hôm nay nghe thấy có chuyện bảo tồn biệt thự... nghe thì hay nhưng thấy buồn cười. Biệt thự do nhà giàu xây, chia cho cả chục người nghèo ở, nay bảo tồn cái giàu hay bảo tồn cái nghèo?

Đại gia thời nay mấy ai quan tâm đến thẩm mỹ đô thị, di sản văn hóa để bỏ cả triệu đô la, đàm phán với cả chục gia đình để phục hồi lại biệt thự có giá trị kiến trúc cho thành phố.... Cái sáng kiến này nghe cũ như phong trào bảo tồn 36 phố phường cách đây mấy chục năm, có đến 16 đoàn nghiên cứu quốc tế, hàng trăm cuộc họp hội thảo... có cả Ban bảo tồn phố cổ ra đời ầm ỹ, rồi giải tán không kèn không trống... Giới KTS nói đến bảo tồn thì nổi gai ốc vì... ngượng ngùng…


Tuệ Khanh - (ghi)

Ý kiến bạn đọc