(VnMedia) - Bức xúc với cách đi lại của các phương tiện đang tham gia giao thông tại Thủ đô, một số người dân trong đó có cả người nước ngoài đã đứng giữa đường dùng điếu cày phân làn và chặn đầu các phương tiện đi ngược chiều ép phải đi đúng làn đường. Vì sao họ lại có những hành động như vậy. Phải chăng văn hóa giao thông ở Thủ đô đang báo động đỏ?.
>>>Một "ông Tây" bắt lỗi người Hà Nội vi phạm luật giao thông
Không phải bây giờ câu chuyện văn hóa giao thông ở Thủ đô mới được đề cập. Từ nhiều năm nay, mặc dù các cơ quan chức năng không ngừng tuyên truyền các biện pháp để nâng cao văn hóa giao thông, thậm chí tăng mức xử phạt cao gấp đôi để răn đe. Tuy nhiên, những vi phạm về giao thông trên nhiều tuyến đường của Thủ đô hiện nay vẫn nhan nhản.
Với mong muốn góp phần tuyên truyền văn hóa giao thông đến đông đảo bạn đọc, giảm thiểu những hình ảnh thiếu văn hóa giao thông ở Thủ đô, từ số này VnMedia sẽ mở chuyên đề chuyên viết về văn hóa giao thông và những hình ảnh thiếu ý thức khi tham gia giao thông. Chúng tôi rất mong nhận được ý kiến đóng góp, bài viết của bạn đọc, các chuyên gia… để chuyên đề thêm phong phú.
Những cách phân làn không giống ai ở Thủ đô
Câu chuyện thiếu ý thức khi tham gia giao thông ở Thủ đô có lẽ bộc lộ rõ nhất sau những hình ảnh của một vị khách tây đứng giữa đường chặn các xe máy đi ngược chiều tại nút giao thông Trần Bình Trọng - Trần Nhân Tông chiều 2/7 vừa qua.
Buổi chiều hôm đó, khi tham gia giao thông qua nút ngã tư này, bức xúc trước việc có quá nhiều người điều khiển xe máy thản nhiên đi vào đường ngược chiều, một vị khách tây đã ra đứng dưới lòng đường làm “cảnh sát giao thông” bất đắc dĩ, yêu cầu người vi phạm đi đúng đường.
Vị khách tây bắt lỗi vi phạm giao thông của người Thủ đô trên phố Trần Nhân Tông - Trần Bình Trọng. Ảnh: Phan Hải Yến |
Những hình ảnh về ông tây bắt lỗi vi phạm giao thông của người Thủ đô sau đó được báo chí đăng tải đã tạo ra dư luận phẫn nộ với những người xem. Sau khi đọc bài báo, nhiều bạn đọc VnMedia đã bày tỏ những ý kiến phản đối những người vi phạm giao thông một cách hết sức thất vọng.
"Đọc bài báo và ngắm các ảnh của Quỳnh Giang trong bài "Một ông tây bắt lỗi người Hà Nội vi phạm giao thông" sao mà thấy đau lòng thay cho những người dân "Thủ đô Hà Nội". Cho đến thế kỷ 21 rồi mà những kiểu người như vậy, vẫn phải nhờ "ông Tây khai hóa văn minh". Thật là quá buồn", bạn đọc Vũ Linh người Việt ở Pháp đau xót.
Bạn đọc này ngỡ ngàng đặt câu hỏi, chẳng lẽ người tham gia giao thông ngang nhiên coi thường luật pháp đến vậy mà không bị kết tội hay sao?. Theo bạn Linh, những người vi phạm luật pháp này rất nguy hại cho xã hội và cần nghiêm trị thẳng tay, nhất là trong hoàn cảnh đang trong thời gian vận động "an toàn giao thông" được đặt ra.
Cùng chứng kiến hành động tốt của ông khách tây qua báo chí, bạn Đinh Trung Kiên ở Nghệ An viết: "Tôi thấy buồn vì ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân quá kém. Tự dưng rơi nước mắt, tôi không hiểu vì sao. Cám ơn ông "tây".
Sự thiếu ý thức của người tham gia giao thông ở Thủ đô còn bộc lộ rõ nét ở việc một thanh niên cầm điếu cày phân làn giao thông giữa dòng xe cộ như mắc cửi của Thủ đô.
Buổi trưa hôm đó, 17/10/2011, bức xúc với cảnh đi lại lộn xộn, chen lấn ngang ngược của một số người điều khiển phương tiện giao thông, gây tắc đường, một thanh niên đầu trọc, mặc quần đùi áo cộc, tay lăm lăm cầm điếu cày hăm dọa người tham gia giao thông đi không đúng làn đường.
Nam thanh niên cầm điều cày phân làn giao thông trên phố Trương Định. |
Sau đó, thanh niên đầu trọc này đi lại tuyến đường, dùng điếu cày chỉ thẳng vào mặt những người đi lại không nguyên tắc. Bằng cách phân làn bằng điếu cày, thanh niên đầu trọc đã lập được trật tự giao thông trên tuyến đường. Clip kết thúc trong hình ảnh trong cảnh người tham gia giao thông sợ sệt phải quay đầu xe đi hướng khác.
Mới đây, trước màn bắt lỗi vi phạm giao thông của vị khách tây, chiều 7/5/2012, bức xúc trước cảnh đi lại lộn xộn trên phố Lê Duẩn, một người đàn ông đã mang xe máy, xe đạp và bàn ghế ra ngăn giữa đường để làm dải phân cách. Biện pháp này tuy có phần phản cảm nhưng lại khiến không xe nào đi lấn làn đường của nhau và vì thế giao thông cũng thông thoáng hơn.
Chính ý thức của người tham gia giao thông quá kém đã khiến những người dân dù bình thường nhất hay một vị khách tây vãng lai bức xúc và buộc họ phải "hành động". Đáng tiếc những vi phạm giao thông kiểu như vậy lại đang diễn ra nhan nhản trên khắp các tuyến đường của Thủ đô 1000 năm văn hiến, văn minh và hiện đại...
Còn nữa....
Ý kiến bạn đọc