(VnMedia) - Tầng lớp cao trong xã hội hiện nay không phải là nhóm địa chủ, quí tộc (những nhóm có dòng dõi trí thức) như ngày xưa mà là những nhóm tích tụ được nhiều tài sản..... Sẽ thật là kinh hoàng nếu "tầng lớp cao" trong xã hội chúng ta lại toàn là những người sống bằng nghề buôn bán “xác thịt” - TS Đỗ Thị Vân Anh, nhà Xã hội học, Đại học Công Đoàn trao đổi với VnMedia.
>>Phút nói thật của người mẫu bán dâm 1000 USD
- Thời gian gần đây, cơ quan công an liên tiếp phát hiện và bắt giữ nhiều hoa hậu, diễn viên, người mẫu bán dâm. Dưới góc độ xã hội học, bà giải thích như thế nào về hiện tượng này?.
Việc hoa hậu, diễn viên hay người mẫu bán dâm tôi không ngạc nhiên, điều làm tôi ngạc nhiên là sao dạo này cơ quan công an lại sẵn sàng phanh phui những sự việc mà họ đã biết từ lâu như vậy? Bởi trên thực tế, việc một số người trong giới showbiz bán dâm không mới, không sốc mà thậm chí có dấu hiệu càng ngày càng gia tăng.
Nếu đánh giá theo góc độ thuần phong mỹ tục của người Việt Nam xưa: sắc đẹp là vô giá, trí tuệ cũng là vô giá và phẩm hạnh của con người lại càng vô giá. Nhưng với xã hội công nghiệp hóa, hiện đại hóa như hiện nay thì tất cả đã có thể định giá được. Đến cả những cái tưởng như là trừu tượng nhất là “sắc đẹp” cũng đã định giá ở mức tối thiểu (đối với các cô gái đứng đường) và mức tối đa (đối với một số hoa hậu, diễn viên hay người mẫu).
Khi sắc đẹp đã được định giá như vậy thì trí tuệ hay phẩm hạnh của những cô gái đó cũng đã được xã hội cân, đong, đo, đếm và định giá rõ ràng bằng cán cân tri thức của họ.
Câu chuyện về những “người đẹp” bán dâm thực chất xuất phát từ nhu cầu của hai phía: bên cầu và bên cung. Việc tìm kiếm sắc đẹp và mua sắc đẹp đã trở thành một nhu cầu tất yếu của các đại gia, đó là một giá trị sống mới trong xã hội hiện đại. Khi đã thành công và có quyền lực trong xã hội, các đại gia tự cho mình quyền được thưởng thức tất cả các sơn hào hải vị: càng độc, càng đẹp, càng hiếm, càng cao cấp càng tốt.
Còn những người đẹp trong giới showbiz, ngoài vấn đề kinh tế, bản thân họ cũng mong muốn được quan hệ với các đại gia. Bản chất xã hội là có sự phân tầng thành các tầng lớp khác nhau và ai cũng mong muốn được vươn lên tầng lớp cao hơn. Nếu được các đại gia “ân sủng” thì là một bước đổi đời với các người mẫu để vươn lên một tầng lớp cao trong xã hội.
Và hai nhu cầu đó đã tìm đến nhau để rồi tạo ra một câu chuyện đáng buồn là: “bán dâm” đã trở thành một nghề khá thịnh hành của một số hoa hậu, diễn viên hay người mẫu. Họ đã mở rộng loại hình kinh doanh của mình cho phù hợp với kinh tế thị trường, khi mà xã hội đang khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Việc bán “sắc đẹp” trước đây thường được “phơi bày” trên sàn catwalk, tại các event thì giờ đây lại được mua bán “tế nhị” trong “phòng the”.
Việt Nam đang trong quá trình phân tầng nhanh và rõ rệt. Nhưng cách phân tầng của xã hội hiện đại chúng ta không giống với xã hội truyền thống. Tầng lớp cao trong xã hội hiện nay không phải là nhóm địa chủ, quí tộc (những nhóm có dòng dõi trí thức) như ngày xưa mà là những nhóm tích tụ được nhiều tài sản. Điển hình là những cô người mẫu tuy trí tuệ hạn chế nhưng vì họ đẹp, họ chân dài, họ có khối tài sản khổng lồ, luôn khoác lên mình những món hàng hiệu cũng được xếp vào nhóm tầng lớp cao, đẳng cấp trong xã hội.
Chỉ trong thời gian khoảng nửa tháng cơ quan công an đã khám phá hai vụ người mẫu và hoa hậu bán dâm cho đại gia. |
- Rất nhiều người mẫu, diễn viên, hoa khôi khi bị bắt giữ đều trả lời một cách rất ngây ngô về con đường đến với nghề bán dâm như: cần tiền để mua ô tô, xây nhà và ăn tiêu.. nên dẫn thân vào con đường bán dâm. Quan điểm của bà về việc này thế nào?.
Có lẽ sẽ không đúng nếu nói họ ngây ngô mà ngược lại họ là người có "tài", có "năng lực". Bản chất cuộc sống con người là câu chuyện mưu sinh và họ đã sống tốt, sống vương giả với nghề “bán dâm” này. Cho nên trong cuộc nghiên cứu của Bộ Lao động Thương binh Xã hội vừa qua đã có công bố “động trời”: thu nhập của gái mại dâm là cao nhất trong các ngành nghề ở nước ta.
Trong khi giới giảng viên đại học đa phần hình thức bề ngoài không đến nỗi tệ lắm, với trình độ tiến sĩ thì thu nhập cũng chỉ có 4,5 triệu/tháng. Đôi khi tôi vẫn nghĩ là giá như xã hội trả lương cho giới nữ trí thức cao hơn thì biết đâu sẽ tạo ra động lực cho những người mẫu chân dài nâng cao kiến thức của mình để khỏi có những câu trả lời thể hiện trình độ văn hóa thấp như thế?
Tuy nhiên, có một thực tế xã hội mà chúng ta phải đối mặt, đó là hai chữ “cạm bẫy”. Sống “đẳng cấp” đang là một “cạm bẫy” vô hình đối với những người đẹp không kiểm soát được nhu cầu và sự ham muốn của mình.
Điều này làm tôi lo ngại. Về nguyên tắc, xã hội lành mạnh là xã hội phải được dẫn dắt bởi những người tinh hoa: những người có thu nhập cao, văn hóa cao và trí tuệ cao. Nhưng xã hội chúng ta đang có một số đại gia “không đúng” khi sẵn sàng trả tiền cao cho những người mà nếu họ trở thành tầng lớp cao trong xã hội thì thật là nguy hiểm. Khi đó, hệ giá trị xã hội sẽ đi xuống. Sẽ thật là kinh hoàng nếu tầng lớp cao trong xã hội chúng ta lại toàn là những người sống bằng nghề buôn bán “xác thịt”.
- Bà có cho rằng, sóng ngầm hoạt động mại dâm trong giới người mẫu, hoa khôi là rất lớn và những vụ vừa bị phát hiện chỉ là bề nổi của tảng băng chìm?.
Tôi nghĩ chuyện này đối với thế hệ @ là “bình thường như cân đường hộp sữa”. Bản thân câu chuyện này cũng đang phổ biến trên thế giới và điều này càng chứng tỏ Việt Nam cũng đang đi theo xu hướng trên thế giới. Chỉ khác biệt là những người đẹp và hoa hậu trên Thế giới chưa thấy có ai có câu trả lời “ngây ngô” và làm tốn nhiều giấy mực của báo chí như các người đẹp trong giới showbiz của Việt Nam.
Nhưng với tư cách là người cùng giới, tôi thấy thương cho những cô gái này. Họ thiệt thòi vì không có “trí tuệ” nên họ phải dùng “sắc đẹp” để kiếm sống. Nhưng “sắc đẹp” rồi sẽ tàn phai, chỉ có “trí tuệ” là ở lại. Xã hội đã dán nhãn “chân dài óc ngắn” cho những người mẫu, hoa hậu này rồi nên tất cả những hệ lụy mà các cô phải gánh chịu là rất lớn.
|
Tú bà Mỹ Xuân, hoa hậu Nam Mê Kông cũng vừa bị cơ quan công an bắt. |
Tất cả những búa rìu dư luận, tổn hại về sức khỏe thể chất cũng như tinh thần là những cái họ phải đánh đổi với những gói tiền “kếch xù” kia. Nếu như những cuộc trao đổi tình tiền này mà bền vững, lâu dài thì tốt, nhưng trên thực tế nghề “bán dâm” của những người đẹp cao cấp này với giá “ngất trời” kia chỉ có thể diễn ra trong 5 năm. Còn những hậu quả sau này để lại ở các cô thì có kiếm tiền 50 năm cũng không bù đắp lại được.
Điều tôi thấy thật bất công ở đây là khi sự việc “bán dâm” bị phanh phui, tất cả chỉ tập trung vào phân tích, mổ xẻ, đánh giá về các cô người mẫu, hoa hậu. Còn đối tác của các cô là ai? Tại sao công an chỉ bắt các cô đó mà không bắt “partner” của họ? Hay vì các đại gia giàu có, thành đạt và đại tài nên họ đã “hô biến” không để lại dấu vết?
- Nhìn vào các cuộc thi dành cho người mẫu, hoa hậu hiện nay, rất nhiều cuộc thi mà ở đó người thi chỉ cần có ngoại hình đẹp, có dáng cao, biết đi lại trên sân khấu, qua vài khâu lăng xê là đã có thể đăng quang... Bà nhìn nhận thế nào về các cuộc thi này?.
Xã hội chúng ta đã có những biến đổi lớn lao. Điều đó thể hiện là càng ngày càng có nhiều cuộc thi dành cho người đẹp. Chính vì quá nhiều cuộc thi diễn ra trong thời gian ngắn nên chất lượng không cao là điều tất yếu. Mặt khác, liệu xã hội chúng ta có cao hơn những gì người mẫu, hoa hậu đang có hay không? Và người mẫu, hoa hậu có cần những gì cao hơn những cái họ đang có không? Vì bằng chứng là mặc dù xã hội có chỉ trích họ thì họ vẫn đang rất đắt hàng và thu nhập rất cao.
Đó chính là điểm yếu của xã hội Việt Nam. Bài toán xã hội đang bế tắc và chưa có lời giải bởi chưa biết ai là người có trách nhiệm phải đào tạo, cung cấp một kiến thức trung bình tối thiểu cho những người mẫu để họ có thể phân biệt những gì nên làm và không nên làm. Trách nhiệm này của ai đây? Gia đình? Nhà trường? Xã hội? Hay là bản thân họ? Theo tôi, có lẽ phải là tất cả.
- Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!.
Ý kiến bạn đọc