(VnMedia) - Liên quan đến đề xuất hạn chế tốc độ xe khách chạy ban đêm của Hiệp hội vận tải Hà Nội, Tổng Cục đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT). Tại văn bản trên, Tổng Cục đường bộ Việt Nam nêu rõ quan điểm, không nhất trí với đề xuất này.
Văn bản do Phó Tổng cục trưởng Phạm Quang Vinh ký nêu rõ, chưa có cơ sở để khẳng định tai nạn do xe chạy ban đêm lớn hơn xe chạy ban ngày. Trong những năm qua, việc tổ chức các chuyến xe khách chạy ban đêm mang lại hiệu quả rất lớn trên các tuyến có cự ly từ 300km đến 500 km, bao gồm cả các tuyến đường núi, đèo dốc như Hà Nội đi Sơn La, Điện Biên … Xe chạy đêm tiết kiệm thời gian và chi phí cho hành khách đi xe.
Trong điều kiện nước ta hiện nay là nước đang phát triển, cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, đòi hỏi phải khai thác hiệu quả các tuyến đường bộ và giảm ùn tắc giao thông. Vì thế, nếu cấm các xe khách chạy đêm sẽ lãng phí một khoảng thời gian khai thác các tuyến đường, trong khi đó các chuyến xe chạy đêm sẽ chuyển sang chạy ban ngày làm mật độ giao thông trên các tuyến đường bộ tăng cao, dẫn đến ùn tắc và có nguy cơ gây tai nạn giao thông. Mặt khác, việc cấm các xe khách chạy đêm sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu của người dân khi có nhu cầu đi lại vào ban đêm, gây bức xúc xã hội.
Đối với đề xuất giảm tốc độ tối đa cho phép đối với xe ô tô chạy ban đêm, Tổng Cục đường bộ cũng cho rằng: Pháp luật Việt Nam đã có quy định về tốc độ cho phép tối đa áp dụng cho từng loại phương tiện cụ thể trên các đoạn đường cụ thể, không quy định ban đêm hay ban ngày.
Trên các tuyến đường bộ đã có biển hạn chế tốc độ tại các khu đông dân cư, các khu vực có nguy cơ mất ATGT như đèo, dốc v.v… Nếu các phương tiện lưu thông ban đêm đúng tốc độ hiện hành cho phép thì còn an toàn và thuận lợi hơn khi lưu thông ban ngày trên cùng một tuyến đường.
Hiện trường một vụ tai nạn giao thông làm nhiều người chết và bị thương do xe khách chạy ban đêm. |
Từ lập luận trên, Tổng Cục đường bộ Việt Nam khẳng định, không đồng ý đề xuất này. Thay vào đó, đề nghị tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát vào ban đêm (huy động tối đa mọi lực lượng quản lý nhà nước như Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự, Thanh tra giao thông đường bộ) để thực hiện nhiệm vụ.
Để hạn chế các vụ tai nạn giao thông vào ban đêm do nguyên nhân lái xe ngủ gật, Tổng Cục đường bộ Việt Nam đề nghị: Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát tốc độ xe khách qua việc kiểm soát thiết bị theo dõi hành trình, phạt nguội các chủ phương tiện vi phạm quy định về tốc độ; Yêu cầu các chủ phương tiện xe khách chạy đêm phải bố trí tối thiểu 02 lái xe chính (kể cả tuyến ngắn).
Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước liên tục xảy ra các vụ tai nạn xe khách thương tâm vào ban đêm làm chết và bị thương nhiều người. Gần đây nhất, đêm 17/5 vừa qua, khi qua cầu Sêrêpôk rên quốc lộ 14 ( thuộc địa bàn tỉnh Đăk Lăk), xe khách chở gần 60 người đã lao vào thành cầu rồi văng xuống sông. 34 người thiệt mạng, hàng chục người bị thương.
Trước tình trạng đó, mới đây, Hiệp hội Vận tải Hà Nội đã đề xuất xe trên 16 chỗ ngồi chạy trên quốc lộ, tỉnh lộ (trừ đường cao tốc) từ 21h đến 4h sáng cần hạn chế tốc độ, tối đa 60 km/h. Tại khu vực núi cao, đèo dốc, Hiệp hội kiến nghị cấm xe khách lưu hành ban đêm từ 21h đến 4h sáng, đồng thời hạn chế xe khách chạy đường dài hơn 300 km xuất bến sau 21h và nghiên cứu có biện pháp quản lý phương tiện vận tải hàng hóa.
Hiệp hội cũng đề nghị Bộ Công an ngoài việc lập các trạm kiểm soát, cần tăng cường nhiều hơn tổ tuần tra lưu động, đặc biệt vào ban đêm, để cảnh báo, cảnh giới cho lái xe thực hiện quy định và cắt giấc buồn ngủ của lái xe.
Ý kiến bạn đọc