(VnMedia) - Chiều 6/2, sau một tuần tổ chức đổi giờ học, giờ làm để hạn chế ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô, Sở Giao thông vận tải đã tổ chức cuộc họp ghi nhận ý kiến của các ngành liên quan. Tại cuộc họp, ngành giáo dục cho rằng việc đổi giờ làm ảnh hưởng tới tâm lý học sinh và “xin” được kết thúc giờ học trước 18h.
>>>Nhiều phố ùn tắc trở lại ngày sinh viên tựu trường
Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội, những ngày đầu thực hiện đổi giờ học, không xảy ra tình trạng ùn tắc ở các tuyến đường trước đây hay tắc nghẽn. Tuy nhiên, vào giờ cao điểm buổi chiều thường xuất hiện một số điểm tắc mới, trái với quy luật trước đó như ở đường Trúc Khê, Phan Đình Phùng, Nguyễn Trường Tộ...
Tại các tuyến đường trên, do ở gần trường tiểu học, THCS vì phụ huynh tụ tập trước cổng trường đón con vào cùng một thời điểm, gây ùn tắc.
Cùng quan điểm, đại diện lãnh đạo công an các quận Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm cho hay các điểm ùn tắc đã giảm tải, đường thông thoáng hơn, tuy nhiên để đánh giá khách quan thì cần thời gian lâu dài.
Theo Phó Trưởng Công an huyện Từ Liêm Phạm Ngọc Kim, gần một tuần qua giao thông có vẻ thông thoáng hơn nhưng nguyên nhân phần lớn là do hạ tầng cơ sở, con đường 32 đã hoạt động tốt cả hai chiều.
"Sinh viên hiện nay vẫn chưa lên hết, công nhân thì mới trở lại 30 - 40% so với trước tết. Vì vậy để đánh giá việc đổi giờ có hiệu quả giảm ùn tắc giao thông hay không là còn quá vội", ông Kim nói.
Dù đổi giờ thì đường phố Hà Nội vẫn ùn tắc trong các khung giờ cao điểm. Ảnh: Ngọc Lân |
Theo ông Mai Sỹ Nhật, Trưởng Phòng Quản lý công tác học sinh - sinh viên (Sở GD&ĐT Hà Nội), sau 5 ngày thực hiện đổi giờ, Sở đã có đoàn kiểm tra và phát hiện những ảnh hưởng của việc này đến các trường.
Trước hết, ở các trường tiểu học và mầm non, giờ lao động của giáo viên tăng lên do ngoài giờ dạy còn phát sinh thêm giờ đón và trông học sinh lúc sáng sớm và sau tan học. Ở THCS là hiện tượng lộn xộn do thời gian giữa hai ca sáng chiều quá ngắn (chỉ 15 phút). Còn với bậc THPT tan lúc 19h là quá muộn, các trường không thể duy trì giờ học dưới cờ như quy định. Ngoài ra, các khoản chi phí cũng tăng lên do phải thắp sáng, nước sạch, bảo vệ...
"Nhiều người cho rằng các cháu về muộn có thể tắm rửa ngay rồi đi ngủ và làm bài tập vào sáng hôm sau, nhưng riêng việc về muộn đã ảnh hưởng đến tâm sinh lý của học sinh, làm giảm hiệu quả tiếp thu và đảo lộn sinh họat của các em", ông Nhật nói.
Vị Trưởng phòng quản lý học sinh Sở Giáo dục đào tạo cho hay, ở những vùng ngoại thành như Từ Liêm, Thanh Trì, học sinh phải đi xe đạp qua quãng đường vắng không đèn đường rất nguy hiểm. Giáo viên cũng chịu tác động bởi rất nhiều người phải nuôi con nhỏ, họ không biết tìm đâu chỗ gửi con cho đến 7h tối.
"Dù những khó khăn đã nhìn thấy rõ, nhưng chúng tôi nghiêm cấm các trường không được thu thêm một khoản nào hết. Ngành giáo dục Thủ đô vẫn sẽ thực hiện nghiêm chỉnh việc đổi giờ học, cùng với thành phố giải quyết bài toán ùn tắc giao thông", ông Nhật khẳng định.
Nhiều trường "xin" kết thúc giờ học trước 18h
Tham dự hội nghị, đại diện các trường đại học cũng cho rằng sẽ cố gắng để thực hiện nghiêm túc quy định của thành phố song "xin được kết thúc ca chiều lúc 18h".
Nhiều học sinh phải đi học từ tờ mờ sáng do thành phố đổi giờ. |
Đại diện Trường đại học Kinh doanh Công nghệ cho biết, hiện nay 90% cơ sở vật chất cố định của trường đang sử dụng thông qua việc sắp xếp lịch học 3 ca mỗi ngày. Điều này nhằm đảm bảo tiền lương cho giáo viên và khấu hao tài sản cố định. Nếu như thực hiện đúng quyết định tan học ca chiều vào 19h, trường không thể xếp lịch 3 ca và chi phí đào tạo mỗi sinh viên tăng khoảng 30% so với hiện tại.
"Chúng tôi xin áp dụng điểm 5 đối với những đơn vị làm việc theo ca, xin được kết thúc buổi học chiều lúc 18h để kịp học ca thứ 3", vị đại diện Trường đại học Kinh doanh Công nghệ nói.
Tại hội nghị, đại diện Học viện Ngân hàng cũng góp ý, thời gian áp dụng quyết định đổi giờ học, giờ làm của thành phố mới áp dụng được 5 ngày là chưa đủ để đánh giá. Nếu xem đây là chủ trương đúng và cứ thế thực hiện thì không được bởi đối tượng ảnh hưởng nhiều nhất là học sinh THPT.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, sau 5 ngày thực hiện đổi giờ học, giờ làm, các tuyến xe buýt đã tăng được 700 lượt nhờ đường thông thoáng hơn. Sở đã tăng thêm 6 xe buýt tăng cường và 7 xe buýt nhanh. Mỗi ngày, xe buýt vận chuyển thêm hàng nghìn lượt khách và không còn tình trạng chen chúc trên xe giờ cao điểm.
"Hiện tại ở các tuyến đường xa đã tăng chuyến buýt đến 23h mới kết thúc. Đối với những trường có ca học tan muộn mà không còn xe buýt có thể gọi điện đến trung tâm điều hành vận tải hành khách công cộng yêu cầu có xe đến đón học sinh. Khi mọi việc đi vào ổn định thì sẽ cho mở thêm tuyến ở quãng đường đó", Giám đốc Sở giao thông nói.
Trước đó, ngày 1/2, 10 quận nội thành và 2 huyện Từ Liêm, Thanh Trì bắt đầu thực hiện đổi giờ học, giờ làm. Theo đó, các trường ĐH, CĐ, THCC, dạy nghề, THPT bắt đầu học từ trước 7h, kết thúc sau 19h. Các trường mầm non, tiểu học, THCS học từ 8h và kết thúc vào 17h (phải bố trí người tiếp nhận học sinh từ 7h30 và quản lý học sinh đến 17h30).
Ý kiến bạn đọc