Chen chân lễ chùa đầu năm

07:33, 25/01/2012
|

(VnMedia) - Lễ chùa ngày đầu năm là tục lệ có từ lâu đời của người Việt. Cứ mỗi độ xuân về, trong những ngày đầu của năm mới, dù ở nông thôn hay thành thị thì việc đi chùa lễ và xin lộc là điều mà rất nhiều người làm. Họ đến chùa không chỉ để cầu may hay gột bỏ những ưu phiền, mà còn để tìm về với cội nguồn dân tộc. Đây là nét văn hóa đáng trân trọng.

 

Đi lễ chùa ngày đầu năm cũng là dịp để mỗi người bày tỏ lòng thành, hướng về cõi tâm linh để thấy lòng mình thanh thản.

 

Tuy nhiên, điều đó chỉ thực sự có ý nghĩa khi được thực hiện trong một không gian yên bình, tĩnh lặng. Việc có quá nhiều người tập trung đến các chùa, đặc biệt là ở Hà Nội trong những ngày đầu năm đã khiến không khí ở nơi đây trở nên ngột ngạt bởi sự quá tải.


Chiều mồng 2 Tết, các chùa ở Hà Nội đông đặc người đến lễ chùa, xin lộc đầu năm. Người nọ chen chân người kia khiến khó ai có thể thanh thản hướng lòng mình về cõi tâm linh. Chưa kể miệng khấn, nhưng đầu còn... lo giữ ví hay điện thoại để khỏi bị mất cắp. Nếu không cẩn thận, cầu may chưa thấy đầu, rất dễ có thể trở thành nạn nhân của những tay "thợ hai  ngón".

Chị Hương (Nghi Tàm, Quảng Bá), một phật tử đứng lễ ngay phía cổng chùa vọng vào cho biết, chị không thể chen chân vào trong nên đã chọn cách trở ra, đứng bái vọng vào. "Tôi đã cố vào trong đứng để lễ, nhưng cứ vừa khấn được một câu thì lại có người huých vào sườn, rồi khấn thêm câu nữa lại có người gạt mình để lấy lối ra. Cứ như thế, tôi không thể nào tĩnh tâm mà cầu với khấn gì được cả. Chưa kể, miệng thì khấn mà tay cứ phải khư khư giữ cái ví, bên trong có cả tiền và điện thoại. Khấn kiểu ấy thì còn gì là thành tâm được nữa. Thôi thì đứng ngòai bái vọng vào còn hơn".
 

VnMedia ghi lại một số hình ảnh tại Chùa Ngọc Hà (Hà Nội), chiều mồng 2 Tết:

 Ảnh minh họa

Ngay từ ngòai cổng chùa đã thấy cảnh người đi lễ tấp nập. Nhiều người ngồi xếp hàng chờ đến lượt viết sớ cầu may

 Ảnh minh họa

Các hàng bán đồ lễ rất đắt hàng. Những cành lộc được rất nhiều ngừơi đi lễ lựa chọn để sau khi thắp hương lễ phật còn có thể mang lộc về cắm lên bàn thờ lấy may

Ảnh minh họa

 Nhưng khi vào đến sân chùa, nhiều người đã cảm thấy e ngại bởi có quá đông người đang đứng chen chân vì không thể vào trong lễ phật

 Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Bên trong không còn một chỗ trống. Mặc dù mọi người đều có ý thức, không ai nói to hay làm mất trật tự, tuy nhiên vì có quá đông người lễ nên sự đi lại, kẻ ra người vào rất lộn xộn. Khó có thể tĩnh tâm lễ phật, cầu an bởi luôn luôn có người rẽ lối, thậm chí gạt người lấy lối đi, làm cắt dòng suy tư. Không thể khấn thầm, nhiều người đành khấn rất to.

 Ảnh minh họa

 Các bàn đặt đồ lễ lúc nào cũng hết chỗ. Người này vừa nhấc lễ ra để xin lộc thì ngay lập tức người khác chờ bên cạnh đặt ngay vào chỗ trống. Trong khi đó, các hòm công đức cũng bị đồ lễ che kín nên các phật tử không thể bỏ tiền vào hòm công đức. Nhiều người phải cố công nhét tiền qua khe hở bên cạnh hòm. 

 Ảnh minh họa

 Không thể chen chân vào trong chùa lễ Phật, nhiều người chọn cách đứng ngòai cửa "lễ vọng" vào trong

 Ảnh minh họa

 Thậm chí, nhiều người đã đứng ngay từ ngòai cổng chùa để lễ vọng vào

 Ảnh minh họa

 Ngay cả nơi dâng tiền công đức cúng nhà chùa cũng chật cứng người đứng đợi viết giấy chứng nhận

 Ảnh minh họa

Nhà chùa luôn nhắc nhở các phật tử không thắp hương, bởi trong chùa lúc nào cũng đã có hương do chùa thắp sẵn, nhưng nhiều người vẫn cố thắp, thậm chí thắp cả nắm hương rất to. 

 Ảnh minh họa

 Vì vậy, hương chỉ vừa kịp thắp là lại có người đi nhổ lên để bỏ ra từng rổ như thế này

 Ảnh minh họa

 Lò hóa mã lúc nào cũng đỏ rực lửa bởi nhiều phât tử đã mang tiền vàng mã vào chùa lễ.

 Ảnh minh họa

 Năm nay, mặc dù Thành phố đã có cả một chương trình tuyên truyền về việc không ném tiền, giắt tiền lẻ ở những nơi không đúng nơi quy định, nhưng tại chùa Hà, tiền lẻ được giắt ở khắp mọi nơi. Không những ở tất cả các ban bệ trong chùa mà cả ở những hốc cây, hòn non bộ như thế này

 Ảnh minh họa

 Tiền bay cả xuống khe nước

 Ảnh minh họa

... và còn bị vứt ở khắp nơi như thế này. Nếu không nhìn tận mắt, PV có lẽ cũng không thể tin đây là những tờ tiền thật, có in hình Quốc huy và ảnh Lãnh tụ.

 Ảnh minh họa

 Nhà Chùa đã phải dùng cả những chiếc rá như thế này để "hứng" tiền của các phật tử

 Ảnh minh họa
  Có một nơi cũng đông không kém, mặc dù nó chẳng liên quan gì tới việc cúng lễ đầu năm. Đó là các quầy bán sổ số. Nhiều người sau khi lễ chùa đã tranh thủ mua hàng tập vé số với hy vọng gặp được may mắn đầu năm.
 Ảnh minh họa

Có rất nhiều hàng sổ số như thế này xung quanh khu vực Chùa Hà, kể cả phía bên trong cổng Chùa. Họ đều có vẻ làm ăn rất phát đạt vì quầy nào cũng thấy tấp nập người mua.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc