Mới: Buôn lậu "đội lốt" cán bộ

07:22, 09/10/2015
|

(VnMedia) - Hiện nay, trên cả nước tình trạng buôn lậu ngày càng tăng và tinh vi hơn. Đặc biệt trong đó có những trường hợp là người thực hiện công vụ có chức quyền. Đề nghị có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ và xử lý hiệu quả, nghiêm khắc hơn.

Cán bộ hải quan tiếp tay cho buôn lậu yến, cán bộ nhà nước tiếp tay cho buôn lậu xăng dầu, cán bộ tiếp tay cho buôn lậu thuốc lá... những thông tin không phải là lạ xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng gần đây. Để kiểm chứng về độ nóng của thông tin, chỉ cần gõ từ khóa "cán bộ buôn lậu", trong 0,50 giây bạn sẽ nhận được hơn 500 nghìn kết quả. Để ngăn chặn tình trạng này, rất nhiều biện pháp cứng rắn đã được đưa ra. Hình thức xử lý cao nhất là lĩnh án tù cũng không ít cán bộ phải nhận khi vướng vào hành vi vi phạm pháp luật này. Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu vẫn tăng và ngày càng tinh vi hơn.

Theo nhận định của Bộ Công an, thời gian qua, thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng đấu tranh quyết liệt với tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại và đã đạt được những kết quả tích cực.

Thông tin mới nhất từ Bộ Công an cho thấy, trong 06 tháng đầu năm 2015, lực lượng Công an đã phát hiện, xử lý 1.467 vụ buôn lậu (tăng 10,3%), 298 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả (tăng 17,79%), 3.534 vụ sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm (tăng 20,33% so với cùng kỳ năm 2014), góp phần chống thất thu thuế, ổn định thị trường, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước phát triển; kịp thời phát hiện và kiến nghị khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực liên quan.

buonlau
Các cán bộ hải quan tiếp ta cho buôn lậu ra hầu tòa.

Tuy nhiên, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp trên cả tuyến đường bộ, đường biển, đường không và các địa bàn trọng điểm phía Bắc, miền Trung, Tây Nam bộ; gây thất thu ngân sách, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất trong nước và chủ trương, chính sách quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Để tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, Bộ Công an cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình buôn lậu, gian lận thương mại để tham mưu Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chủ trương, quyết sách phù hợp, đồng thời chỉ đạo các ngành, các cấp tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 41/NQ-CP, ngày 09/6/2015 của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

Phía Bộ Công an cũng cho biết, sẽ phối hợp với các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đầy đủ tác hại của nạn buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng cấm đối với nền kinh tế đất nước, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của Nhà nước và tích cực tham gia, hỗ trợ các lực lượng chức năng trong công tác này.

Bên cạnh đó, Bộ Công an cho biết sẽ tiếp tục mở các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, tập trung triệt phá các đường dây, băng nhóm buôn bán, vận chuyển hàng lậu trên các tuyến đường bộ, đường hàng không, đường biển; kịp thời phát hiện, điều tra làm rõ các vụ án buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng cấm. Chủ động phối hợp với ngành chức năng trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, trong đó phối hợp với ngành kiểm sát, Tòa án đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ buôn lậu, gian lận thương mại nhằm răn đe tội phạm.

Ngoài ra, ngành này cũng sẽ tiếp tục kiện toàn lực lượng đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu thuộc Công an các đơn vị, địa phương. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ để phát hiện và phòng ngừa vi phạm; xử lý kịp thời, nghiêm minh những tập thể, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm, bao che, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, kể cả xử lý trách nhiệm của người đứng đầu.

Mặt khác, Bộ Công an cũng nhấn mạnh rằng, sẽ phối hợp với các bộ, ngành chức năng rà soát, nghiên cứu đề xuất Chính phủ, Quốc hội xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu; kiến nghị khắc phục những sơ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật mà đối tượng có thể lợi dụng để buôn lậu; Tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là các nước có chung đường biên giới để đấu tranh có hiệu quả với các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả xuyên quốc gia.

Nhật Lâm


Ý kiến bạn đọc