Triệt phá xưởng sản xuất vũ khí tự chế: Cách nào hữu hiệu?

11:28, 07/10/2015
|

(VnMedia) - Trong thời gian qua, lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện, bắt giữ các xưởng sản xuất vũ khí tự chế. Người vi phạm cũng bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Nhưng, hiện tượng này vẫn diễn ra. Vì sao? 

Xưởng sản xuất vũ khí ngang nhiên tồn tại

Khoảng 19h40, ngày 30/9, lực lượng cảnh sát điều tra Tội phạm về ma túy (PC47) phối hợp với lực lượng Cảnh sát cơ động và hỗ trợ tư pháp (Công an tỉnh Quảng Ninh) kiểm tra, bắt giữ đối tượng Cao Đăng Sửu (còn gọi là Lâm "mèo", SN 1973, trú tại tổ 33, khu 4A, phường Hà Phong, TP Hạ Long). S
ửu đã có hành vi bắt giữ người trái pháp luật đối với anh Phạm Khánh Vũ (SN 1981, trú tại phường Cẩm Trung, TP Cẩm Phả, Quảng Ninh), tại nhà riêng.

  Ảnh minh họa

 Lô vũ khí được Công an Quảng Ninh phát hiện.


Căn cứ tài liệu điều tra, các lực lượng nghiệp vụ Công an tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành khám xét, phát hiện xưởng sản xuất súng, mìn của Cao Đăng Sửu, thu 21 quả mìn tự tạo; 10 khẩu súng tự chế các loại và  một lượng lớn báng súng; 36 viên đạn các loại; nhiều phôi để thiết kế súng ngắn tự tạo cùng máy móc, thiết bị dùng để sản xuất súng, đạn.

Mở rộng điều tra, cơ quan Công an ra quyết định tạm giữ hình sự đối tượng có liên quan là Bùi Văn Trang (SN 1985, trú tại tổ 34, khu 4A, phường Hà Phong, TP. Hạ Long). Tại cơ quan Công an, bước đầu, Cao Đăng Sửu khai nhận, bản thân thường xuyên sử dụng ma túy đá và mỗi lần "bếch đá" Sửu có sở thích là chế tạo súng các loại.

Đây không phải là vụ án đầu tiên cơ quan chức năng phát hiện một xưởng sản xuất vũ khí tự chế quy mô lớn. Trước đó, ngày 24/6, Phòng Cảnh sát điều tra (CSĐT) tội phạm về trật tự xã hội cũng đã phát hiện, làm rõ 1 ổ nhóm chuyên chế tạo, tàng trữ vũ khí quân dụng và vũ khí thô sơ.

Lực lượng phá án đã bắt giữ 2 đối tượng trong ổ nhóm tội phạm này, thu 5 khẩu súng các loại cùng nhiều đạn, dụng cụ để sửa chữa, chế tạo vũ khí.

Trước đó, tối 22/6, tổ công tác của phòng CSĐT phối hợp với Công an huyện Hoành Bồ kiểm tra, bắt quả tang Nguyễn Duy Thanh (SN 1967, trú tại tổ 5, khu 1, thị trấn Trới, Hoành Bồ, Quảng Ninh) đang sữa chữa, lắp ráp 1 khẩu súng quân sụng loại K54; 3 khẩu súng nòng dài, trong đó có 2 súng săn và một số dụng cụ dùng để sữa chữa súng.

Tiếp tục đấu tranh mở rộng, sáng 23/6, lực lượng CSĐT Công an tỉnh thực hiện lệnh khám xét nơi ở của Nguyễn Tiến Dũng (SN 1957, trú tại khu 4, phường Giếng Đáy, TP Hạ Long, Quảng Ninh) thu giữ tại nhà 1 khẩu súng tự chế, 8 viên đạn và một số vỏ đạn.

Vào thời điểm này năm 2014, một xưởng sản xuất vũ khí tự chế quy mô lớn chưa từng có cũng đã được phát hiện tại Thanh Hóa. Vào thời điểm đó, Công an TP Thanh Hóa đã bất ngờ đột kích 1 lò sản xuất súng tự chế cực lớn ở khu phố 6, thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa do Tạ Văn Bình (SN 1961) làm chủ, thu giữ hàng trăm kg đạn, nhiều súng và các thiết bị khác liên quan đến súng đạn.

Qua khám xét, lực lượng chức năng thu giữ gần 100 kg đạn chì, 37 kg đạn súng hơi, 3 kg thuốc nổ, 65 vỏ đạn các loại, 26 khẩu súng bắn đạn ria, 1 khẩu súng tự chế và nhiều dụng cụ, phương tiện dùng để đóng đạn, sửa chữa súng và đóng gói thuốc nổ khác.

Đây là cơ sở sản xuất, sửa chữa, buôn bán, tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ và đạn tự chế, tồn tại khá lâu, có nhiều công cụ để chế tạo súng tự chế, súng săn, súng hơi, đạn và máy xay vật liệu nổ để bán cho các đối tượng giang hồ, "cộm cán" trên địa bàn.

Quản lý cách nào?

Theo thông tin từ Bộ Công an, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ là một nội dung quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự của lực lượng Công an nhân dân, được tiến hành thường xuyên, liên tục.

Theo các quy định của nhà nước, cấm cá nhân sở hữu vũ khí (trừ vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo hoặc được gia truyền theo phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc); đồng thời, quy định cụ thể các trường hợp phải khai báo, giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho cơ quan Quân sự, Công an hoặc chính quyền địa phương. Kinh phí sử dụng trong công tác tiếp nhận thu gom, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được trích từ nguồn ngân sách nhà nước, đóng góp tự nguyện của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước, các nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật.

Thời gian tới, để tiếp tục tăng cường công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, nhất là đối với vũ khí tự chế, Bộ Công an sẽ tập trung thực hiện c hỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể trong việc đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; kịp thời phát hiện, cung cấp tin báo, tố giác tội phạm tàng trữ, sản xuất, mua bán, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Bên cạnh đó sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm và kịp thời có biện pháp khắc phục  những sơ hở thiếu sót trong quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ.

Bộ Công an cũng cho biết, sẽ tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về chế tạo, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho phù hợp. Bộ Công an đang phối hợp với Bộ Quốc phòng xây dựng thông tư liên ngành hướng dẫn thực hiện, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và sẽ tiếp tục nghiên cứu, xem xét đề xuất chính sách hỗ trợ trong việc quản lý, thu mua lại các loại vũ khí, vũ khí tự chế, công cụ hỗ trợ.

Nhật Lâm


Ý kiến bạn đọc