Nguyễn Văn Am đã tự xưng là chủ tịch Tập đoàn xây dựng Việt Nam - Cu Ba trực thuộc Bộ Xây dựng để lừa đảo. Đến thời điểm bị bắt giữ, đối tượng đã chiếm đoạt được 4,1 tỷ đồng.
Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Bình vừa khởi tố vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Nguyễn Văn Am (50 tuổi, trú tại huyện Khoái Châu, Hưng Yên), tự xưng là chủ tịch Tập đoàn xây dựng Việt Nam - Cuba (VIS), về hành vi trên.
Ảnh minh họa. |
Tại nơi ở của bị can Nguyễn Văn Am và các nghi phạm, cơ quan an ninh điều tra đã thu giữ 363 bộ hồ sơ và đơn của 341 xã thuộc 130 huyện của 32 tỉnh, thành phố gửi VIS đề nghị xin hỗ trợ nguồn vốn; 90 hồ sơ năng lực của các công ty gửi để xin được thi công các công trình; 17 bức ảnh, trong đó có một số ảnh Nguyễn Văn Am ghép ảnh mình với lãnh đạo cao cấp Đảng, Nhà nước; một thẻ phóng viên ban thời sự Đài truyền hình Việt Nam VTV3 mang tên Nguyễn Văn Am với chức danh phóng viên chính; danh sách 482 công trình đổi mới nông thôn...
Cơ quan điều tra cũng đã khám xét khẩn cấp đối với Phạm Uông (53 tuổi, trú tại huyện Gia Lộc, Hải Dương), Kim Thị Minh Nhuận (35 tuổi, trú tại huyện Gia Lâm, Hà Nội), Lê Trung Cường (57 tuổi, trú tại TP Thanh Hóa), Nguyễn Văn Vinh (67 tuổi, trú tại Gia Lâm, Hà Nội).
Bước đầu, cơ quan điều tra xác định từ đầu năm 2013, Nguyễn Văn Am đã tự xưng là chủ tịch Tập đoàn xây dựng Việt Nam - Cu Ba trực thuộc Bộ Xây dựng để lừa đảo. Lợi dụng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, Am đã liên hệ với một số đối tượng và trực tiếp đến nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước tuyên truyền về nguồn vốn phi Chính phủ hỗ trợ cho chương trình nông thôn mới.
Từ đó, Nguyễn Văn Am đã chỉ đạo các cá nhân liên quan đến vụ án gợi ý các công ty, doanh nghiệp, địa phương đóng phí quảng bá, tuyên truyền trên VTV để chiếm đoạt tài sản. Mức phí do các đối tượng đưa ra khá thấp, chỉ 5 triệu đồng một hạng mục, công trình.
Với chiêu bài này, Nguyễn Văn Am và các cá nhân liên quan đã lôi kéo được nhiều doanh nghiệp muốn thi công công trình nông thôn mới như trường học, trạm y tế, đường liên thôn... tham gia và đóng tiền.
Tính đến khi bị bắt, cơ quan an ninh điều tra xác định có 341 xã thuộc 32 tỉnh, thành phố đã bị lừa đảo bằng chiêu bài thu phí quảng bá truyền hình trên VTV với số tiền hơn 4,1 tỉ đồng. Riêng tại Quảng Bình đã có 11 đơn vị gồm 9 xã, 1 bệnh viện, 1 chùa tin vào dự án có thật nên đã thông qua các chân rết của Am, đóng cho bị can này 160 triệu đồng.
Hiện Cơ quan an ninh điều tra Công an Quảng Bình đang khẩn trương mở rộng, điều tra vụ án để nhanh đóng đưa ra xét xử trước pháp luật.
Ý kiến bạn đọc