(VnMedia)- Trong báo cáo gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định tỉnh này chưa ban hành một văn bản chỉ đạo, quyết định nào liên quan đến việc thanh lý, bán phát mại các xe ô tô trong vụ án Dũng "mặt sắt" như các phương tiện thông tin đại chúng đã nêu.
>> Làm rõ cá nhân “bảo kê” cho băng nhóm Hà Tuấn Dũng
>> Liên tiếp triệt phá nhiều băng nhóm "xã hội đen"
Thực hiện văn bản số 6836/VPCP-VI ngày 29/8/2015 của Văn phòng Chính phủ "về việc xử lý xe ô tô tịch thu trong vụ án Hà Tuấn Dũng (Quảng Ninh)", UBND tỉnh Quảng Ninh đã họp với các cơ quan chức năng: Công an tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Cục thi hành án dân sự tỉnh để xác định thông tin chính thức và đã có báo cáo gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vào chiều 31/8.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh, trong thời gian vừa qua, một số phương tiện thông tin báo chí đã có bài phản ảnh về vấn đề liên quan đến việc UBND tỉnh Quảng Ninh đã xử lý bán phát mại 144 xe ô tô tịch thu trong vụ án buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới xảy ra tại tỉnh Quảng Ninh do Hà Tuấn Dũng (Dũng "Mặt sắt") cầm đầu.
Tuy nhiên, UBND tỉnh Quảng Ninh báo cáo và khẳng định đến thời điểm hiện tại chưa tiếp nhận bất cứ hồ sơ, tài liệu nào do các cơ quan chức năng chuyển đến đề nghị xử lý, cũng như chưa ban hành một văn bản chỉ đạo, quyết định nào liên quan đến việc thanh lý, bán phát mại các xe ô tô trong vụ án Hà Tuấn Dũng như các phương tiện thông tin đại chúng đã nêu.
Dàn xe "khủng" của Dũng "mặt sắt". |
Liên quan đến thông tin trên, theo báo cáo của Cục thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ninh tại Văn bản số 674/BC-CTHA ngày 31/8/2015: Thực hiện Quyết định chuyển vật chứng số 386/VKSTC-V1A ngày 16/10/2014 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; trong các ngày 17,18 và 19/8/2015, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức tiếp nhận từ Cơ quan cảnh sát điều tra C45- Bộ Công an số vật chứng của vụ án "Vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới" gồm 56 chiếc xe ô tô; Việc tiếp nhận được tổ chức theo đúng quy định của pháp luật, hiện 56 chiếc ô tô trên đang được Cục THADS tỉnh Quảng Ninh ký hợp đồng trông coi, bảo quản tại mặt bằng thuộc khu công nghiệp Cái Lân, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh để chờ xử lý sau khi được cơ quan Tòa án quyết định.
Trước đó, hồi đầu tháng 5/2014, hàng trăm cảnh sát cơ động và cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) đồng loạt bắt giữ hàng chục người liên quan đường dây tạm nhập tái xuất hàng hoá trái phép trên địa bàn thành phố Móng Cái và huyện Hải Hà thuộc tỉnh Quảng Ninh.
Đường dây do một số thành phần "cộm cán" tại Móng Cái tổ chức, trong đó có "ông trùm" buôn lậu đường biên Hà Tuấn Dũng (39 tuổi, Dũng "mặt sắt"). Sau khi ổ nhóm tội phạm nguy hiểm tại Móng Cái và Quảng Ninh do em Phương “Linh hột” (tức Nguyễn Tiến Phương ) và Chung “Linh hột” (tức Nguyễn Tiến Chung) cầm đầu bị công an triệt phá, Dũng "Mặt sắt" trở thành “ông trùm” ở khu vực đường biên.
Dũng thu nạp nhiều đàn em, thành lập hàng loạt công ty, hất chân một số đối thủ cạnh tranh với mình và thao túng gần như toàn bộ hoạt động buôn bán, tạm nhập tái xuất tại vùng biên Móng Cái.
Băng nhóm của Dũng "mặt sắt" ngang nhiên hoạt động phạm tội theo kiểu “xã hội đen” trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, có sự móc nối với một số cán bộ thoái hóa, biến chất trong các cơ quan chức năng ở khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Dũng “mặt sắt” đã tổ chức các đối tượng có tiền án, tiền sự, lưu manh, côn đồ đứng ra thu tiền “bao biên” để buôn lậu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới trái phép.
Trong quá trình tranh giành việc “bảo kê” hàng hóa, Dũng “mặt sắt” còn tổ chức các đối tượng gây ra một số vụ án gây hoang mang, bất bình trong dư luận quần chúng nhân dân.
Ý kiến bạn đọc