(VnMedia)- Sáng 16/6, sân bay Tân Sơn Nhất đã mất tín hiệu không lưu trong 18 phút. Nguyên nhân của sự việc đang được làm rõ. Trong ngày 16/6, Cục Hàng không Việt Nam đã có chỉ đạo tăng cường công tác bảo đảm an toàn hàng không trước tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết tại các cảng hàng không, sân bay.
Theo thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, sáng ngày 16/6/2015, từ 7h47 đến 08h05 phút giờ Việt Nam, đã xảy ra hiện tượng can nhiễu trên tần số điều hành bay tại khu vực sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
Ảnh minh họa.
Khi có hiện tượng can nhiễu trên tần số điều hành bay xảy ra, ngay lập tức cơ sở điều hành bay đã thực hiện phương án dự phòng (cụ thể là sử dụng các tần số dự bị theo đúng quy trình), bảo đảm điều hành bay an toàn tuyệt đối.
Trong khoảng thời gian nêu trên, có 06 chuyến bay chờ và 01 chuyến chuyển hướng tới sân bay dự bị.
Từ thời điểm 08h05 phút giờ Việt Nam, cơ sở điều hành bay đã điều hành bình thường trên tần số chính tại khu vực sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
Hiện nay, các cơ quan chức năng của ngành Hàng không đang phối hợp với Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin truyền thông) để tìm hiểu nguyên nhân sự việc.
Ngay sau sự cố này, Cục Hàng không Việt Nam đã có chỉ đạo tăng cường công tác bảo đảm an toàn hàng không trước tình hình diễn biến phức tạp của thời tiết tại các cảng hàng không, sân bay.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, từ tháng 01/2015 đến nay, tình hình thời tiết tại các cảng hàng không, sân bay diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là hiện tượng giông, lốc gây uy hiếp an toàn đến hoạt động khai thác tại các cảng hàng không, sân bay. Để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các hoạt động bay, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các đơn vị: Tiếp tục triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 2690/CT-CHK ngày 25/7/2014 của Cục Hàng không Việt Nam về việc đảm bảo an toàn bay; Thực hiện nghiêm công tác trực ban theo Quy chế Trực ban phòng, chống thiên tai trong ngành hàng không dân dụng đã được Cục Hàng không Việt Nam ban hành tại Quyết định số 651/QĐ-CHK ngày 02/4/2015. Thực hiện công tác báo cáo theo quy định.
Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu, Thủ trưởng các đơn vị phải thực hiện phương án phòng, chống cho các công trình, đài, trạm: Tổ chức kiểm tra hệ thống chống sét, khắc phục kịp thời nếu có hư hỏng; Tổ chức chằng néo, neo buộc các công trình, đài, trạm theo phương án để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão, giông, lốc gây ra.
Bên cạnh đó, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu Tổng công ty Hàng không Việt Nam chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, trong điều kiện thời tiết xấu phải báo cáo ngay cấp có thẩm quyền để xin ý kiến và tổ chức neo đậu tàu bay theo đúng quy định. Đối với phương tiện, trang thiết bị hoạt động trong khu bay khi không phục vụ bay phải được tập kết đúng nơi quy định và phải được neo buộc, khi có bão, giông, lốc.
Cục Hàng không Việt Nam cũng yêu cầu Công ty Cổ phần hàng không VietJet Air, Công ty cổ phần hàng không Jetstar Pacific Airlines xây dựng phương án phòng, chống bão cho tàu bay. Tại các cảng hàng không, sân bay, nếu hãng hàng không không đủ nhân lực, phương tiện thực hiện công tác neo đậu tàu bay phòng, chống bão, giông, lốc thì phải ký hợp đồng với Công ty VAECO và cảng hàng không để thực hiện; Ngoài ra, đối với phương tiện, trang thiết bị hoạt động trong khu bay khi không phục vụ bay phải được tập kết đúng nơi quy định và phải được neo buộc, khi có bão, giông, lốc.
Mặt khác, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cần tổ chức kiểm tra, bảo dưỡng các hố neo, đậu tàu bay, nhà ga, các công trình đài trạm và kịp thời khắc phục khi có hư hỏng. Đối với phương tiện, trang thiết bị hoạt động trong khu bay khi không phục vụ bay phải được tập kết đúng nơi quy định và phải được neo buộc, khi có bão, giông, lốc. Đồng thời kiểm tra việc tuân thủ quy định này của các đơn vị có phương tiện, trang thiết bị hoạt động tại khu bay.
Cảng vụ hàng không khu vực chỉ đạo Đại diện Cảng vụ hàng không tại các cảng hàng không tăng cường kiểm tra việc tuân thủ các nội dung nêu trên của các đơn vị hoạt động tại cảng và có hình thức xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.
Ý kiến bạn đọc