(VnMedia) - Thời gian gần đây xuất hiện tình trạng ném đá lên xe ô tô gây thương tích và hoảng loạn cho người tham gia giao thông. Theo quan điểm của luật sư, cần thiết phải khởi tố những người có hành vi nguy hiểm này…
Ảnh minh họa
Gần đây nhất là vụ ném đá xe ô tô xảy ra ở huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận). Theo tài xế xe khách BKS 79B-00694 Phan Minh Tuấn cho biết, lúc 1 giờ 45 sáng nay 22/5, xe anh cùng xe khách BKS 79B-01235 và 1 xe khác của hãng Hà Linh chạy đến khu vực Ngã Hai thuộc xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) thì bất ngờ bị nhiều đối tượng dùng đá ném liên tiếp vào cả 3 xe làm vỡ nhiều cửa kính và bị thương 3 hành khách trên 3 xe này.
Xe ô tô của anh Tuấn bị nặng nhất, vỡ nguyên dàn kính cường lực bên hông phải. Ngay sau khi xe bị ném đá, anh Tuấn đã dừng xe cùng các tài xế xe khác đuổi theo giữ được 2 người đang bỏ chạy cùng chiếc xe máy, giao cho công an xã Hàm Mỹ xử lý.
Trước tình trạng trên, trao đổi với VnMedia , luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết: Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể và được pháp luật bảo vệ về tính mạng, sức khỏe. Hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của con người là hành vi nguy hiểm cho xã hội do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện, có lỗi, gây tổn hại đến quyền sống, quyền được bảo hộ về sức khỏe của con người.
Pháp luật bảo hộ quyền sở hữu tài sản của công dân, tổ chức. Hành vi cố ý xâm hại trực tiếp đến quyền sở hữu của người khác sẽ bị xử lý theo qui định của Pháp luật.
Hành vi của các đối tượng trong vụ việc này đã ném đá vào xe khách đang tham gia giao thông trên đường và gây hậu quả thiệt hại về tài sản của nhà xe và gây thương tích cho những hành khách ngồi trong xe. Hành vi này đã xâm phạm đến 02 khách thể được BLHS bảo vệ đó là quyền được bảo vệ về sức khỏe và quyền sở hữu tài sản.
Các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý. Các đối tượng buộc phải nhận thức hành vi dùng đá ném vào xe khách đi trên đường là hành vi nguy hiểm có thể dẫn tới gây thiệt hại cho sức khỏe hành khách trên xe và gây thiệt hại về tài sản của xe ô tô.
Hậu quả đến đâu các đối tượng phải bị xử lý tương ứng đến đó. Thiệt hại xảy ra là yếu tố bắt buộc trong cấu thành tội phạm cơ bản để làm căn xử lý các đối tượng. Nếu kết quả giám định của cơ quan chuyên môn định giá tài sản của ô tô bị thiệt hại trên 2 triệu đồng thì sẽ bị xử lý về hình sự.
Hành vi ném đá ngoài việc gây thiệt hại về tài sản cho xe ô tô mà còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe hành khách ngồi trên xe thì sẽ bị xử lý tương ứng về hành vi gây thiệt hại đến sức khỏe người khác.
Hành vi phạm tội của các đối tượng có dấu hiệu phạm tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác và tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Tội phạm và hình phạt được qui định tại Điều 104 BLHS và Điều 143 BLHS.
Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác 1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Có tổ chức; g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê; i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm; k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. 2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 3. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người, hoặc từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm. 4. Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân. Điều 143. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản 1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; c) Gây hậu quả nghiêm trọng; d) Để che giấu tội phạm khác; đ) Vì lý do công vụ của người bị hại; e) Tái phạm nguy hiểm. g) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. |
Khánh Công
Ý kiến bạn đọc