Bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng: Cách nào?

18:50, 06/04/2015
|

(VnMedia) - Sáng ngày 6/4, Ủy ban thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp lần thứ 37, cho ý kiến về dự án Luật an toàn thông tin. Một trong những điểm đáng chú ý của dự luật là quy định bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Sơn, trong thời gian qua, có rất nhiều các vụ việc phát tán thông tin cá nhân trái pháp luật phục vụ cho mục đích kinh doanh, thu lợi nhuận trên môi trường mạng, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính riêng tư, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, để hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng, Chương III của dự luật quy định nguyên tắc bảo vệ thông tin cá nhân, quy định cụ thể về các hành vi thu thập và sử dụng, cập nhật, sửa đổi và hủy bỏ thông tin cá nhân; biện pháp bảo đảm an toàn thông tin cá nhân; và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng.

Theo báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày thì bảo vệ thông tin dữ liệu cá nhân là một vấn đề phức tạp. Chính vì thế quy định về bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng phải là một nội dung cơ bản, quan trọng, còn quy định trong dự thảo Luật có dung lượng và nội hàm còn nhiều hạn chế.

Báo cáo thẩm tra cũng nêu dự thảo luật chưa chỉ ra được những hành vi bị nghiêm cấm trong việc thu thập, sử dụng thông tin cá nhân cũng như chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này. Các quy định liên quan tại dự luật thì có thể hiểu quy định này chỉ tập trung vào các việc bảo vệ các thông tin cá nhân trên mạng được nắm giữ và xử lý bởi các tổ chức, cá nhân với mục đích thương mại, kinh doanh. Còn đối với việc thu thập, sử dụng thông tin cá nhân nhằm các mục đích khác hoặc do các cơ quan nhà nước nắm giữ, xử lý lại chưa rõ cơ chế bảo vệ như thế nào.

Góp ý vào dự thảo luật, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cho rằng trong dự luật không nói ai có quyền tự vệ khi bị tấn công về thông tin. Hành vi bị cấm cần phải làm rõ thêm ngăn chặn trái pháp luật và ngăn chặn đúng pháp luật là thế nào. "Có cơ quan, tổ chức lợi dụng vấn đề này đã khai thác, nắm bắt thông tin của tổ chức khác thì bị xử lý sao"- ông Ksor Phước nói. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ hơn và nghiên cứu tính khả thi của dự luật để phù hợp với tinh thần Hiến pháp 2013 và các luật liên quan. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng bổ sung thêm, dự luật này có sự liên quan nhiều luật, đặc biệt là Bộ luật dân sự nên Ban soạn thảo cần nghiên cứu để quy định cho chặt chẽ.


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc