Nhiều người trẻ nghĩ "đập đá" không gây nghiện

16:14, 27/11/2014
|

(VnMedia) - Theo khảo sát mới nhất, có gần một nửa số người trong giới trẻ (học sinh, sinh viên) cho rằng ma túy đá (methaphetamine) không có khả năng gây nghiện...

Ảnh minh họa
Ảnh minh hoạ

Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) thống kê, hiện nay trên thế giới có hơn 200 triệu người nghiện các chất ma túy.

Tại nước ta, tính đến cuối 2014 có hơn 204.000 người nghiện, trong khi tỷ lệ tái nghiện vẫn ở mức cao tới 90%. Trung bình mỗi năm có thêm 7.000 người nghiện. Cùng với đó là thực trạng trẻ hóa đối tượng nghiện ma túy khi có tới 74% số người nghiện ở độ tuổi lao động (từ 18-35 tuổi), và 1% số người nghiện ma túy dưới 18 tuổi; tỷ lệ người sử dụng các chất dạng Amphetamine (ATS) thường gọi là ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng.

Mỗi năm ngân sách nhà nước phải chi khoảng 9 triệu đồng cho một người cai nghiện bắt buộc. Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc giảm cầu ma túy và hỗ trợ sau cai nghiện. Tuy nhiên, theo Bộ LĐTB&XH, công tác cai nghiện ma túy và hỗ trợ sau cai nghiện hiện chưa thực sự hiệu quả. Sự đa dạng, phức tạp của các loại ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp khiến công tác an ninh, pháp luật thêm nhiều khó khăn.

Một trong những nguyên nhân khiến đối tượng nghiện ma tuý bị trẻ hoá là do sự hiểu biết về ma tuý của giới trẻ còn thấp. Khảo sát mới đây của Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Tâm lý cho người nghiện ma tuý (PSD) cho thấy, gần một nửa số người trong giới trẻ (học sinh, sinh viên) cho rằng ma túy đá (methaphetamine) không có khả năng gây nghiện.

Nghiên cứu được thực hiện đối với học sinh các trường phổ thông và sinh viên các trường đại học tại 5 quận của Hà Nội.

Kết quả khảo sát cho thấy, hầu hết (gần 100%) học sinh, sinh viên đều nhận biết những chất gây nghiện bất hợp pháp như: thuốc phiện, heroin, cần sa. Tuy nhiên, đối với những loại ma tuy có tác hại trực tiếp đến hệ thần kinh của người sử dụng và ngày càng phổ biến, ít người tin rằng nó có khả năng gây nghiện.

Chỉ khoảng 56% người trẻ được hỏi cho rằng ma túy đá có khả năng gây nghiện. Trong khi đó, gần 1/4 số người trẻ nhận định rằng "sử dụng ma túy khiến tinh thần tỉnh táo, vui vẻ, lạc quan" và "sử dụng ma túy một lần không gây nghiện, không nguy hiểm".

Khả năng gây nghiện của một số chất khác như shisha, bóng cười cũng được ít học sinh, sinh viên biết đến. Theo khảo sát, gần 50% bạn trẻ thừa nhận mình không có kiến thức để nhận biết dấu hiệu người nghiện ma túy.

Từ thực tế khảo sát cho thấy, hiểu biết của học sinh sinh viên về tác hại của ma túy vẫn chưa cao. Sự nhận diện về các chất gây nghiện của chưa được giới trẻ nhận thức đầy đủ, đặc biệt là đối với loại ma túy trá hình xuất hiện ngày càng nhiều như shisha, bóng cười,...

Một trong những nguyên nhân khiến sự hiểu biết của giới trẻ về mà túy còn thấp, theo nghiên cứu này, tác động từ truyền thông từ nhà trường vẫn hạn chế. Chỉ già một nửa số bạn trẻ trả lời rằng, họ từng được tiếp cận thông tin về ma túy thông qua các hoạt động ở trường học.

Methamphetamine là chất gây nghiện tổng hợp thuộc nhóm các chất kích thích dạng amphetamine. Khi dùng nó tác động lên hệ thần kinh trung ương và kích thích giải phóng dopamine hàng loạt.

Methamphetamine có nhiều dạng khác nhau như: Dạng bột trắng hoặc vàng, nâu, đỏ; Dạng muối hydorochlorit bột vị đắng dễ hoà tan trong nước và có thể dùng để tiêm được; Dạng tinh thể có độ tinh thể hay còn gọi là "hàng đá" được tổng hợp lần đầu tiên vào năm 1919. Ở Việt Nam, methamphetamine có các tên gọi khác như là "hàng đá", "đập đá", "pha lê"… 

Methamphetamine được sử dụng theo nhiều cách như nuốt, hút, hít, uống hoặc tiêm."Đá" là dạng methamphetamine có thể dùng để hút.

Theo các nhà nghiên cứu, sử dụng nhiều methamphetamine cao trong thời gian dài có thể dẫn đến trầm cảm, hoang tưởng (tin vào những điều không có thật), ảo giác (nghe thấy hoặc nhìn thấy những điều không có thật ). Nhiều người có hành vi tự huỷ hoại bản thân, tự tử hay trở nên cực kỳ nguy hiểm và gây ra những hành vi bạo lực...


Phương Mai

Ý kiến bạn đọc