Hàng trăm tàu bè mắc cạn trên sông Hồng

17:37, 30/11/2014
|

(VnMedia) - Theo Cơ quan chức năng, có khoảng 150 phương tiện đang bị mắc cạn, nằm “án binh bất động” trên sông Hồng đoạn chảy qua chảy  qua địa phận xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, Hà Nội...

Ảnh minh họa
Hàng trăm tàu bè bị mắc cạn trên sông Hồng

Nỗi lo kinh tế và lật tàu

Sông Hồng mùa này ở nhiều đoạn sông, nước chảy nhỏ lộ ra những cồn cát vàng, cát đen ngay giữa dòng. Mùa cạn cũng khiến cho cuộc sống vốn nhọc nhằn của những người "bán mặt cho nước, bán lưng cho giời" càng trở nên chật vật, khốn khó.

Khảo sát một vòng trên tuyến đường thủy nội địa ở khúc sông Hồng, đoạn thuộc địa phận Chung Châu, Đan Phượng thì thấy, có cả trăm con tàu lớn, nhỏ khác nằm mắc kẹt ở nơi này.

Tàu thuyền mắc kẹt khiến tuyến đường thủy từ Lào Cai, Phú Thọ về Hà Nội và xuôi dòng Hồng Hà đi các tỉnh khác gián đoạn. Nhưng đáng lo ngại, ngoài áp lực kinh tế và giao thông thủy ách tắc, là nỗi lo… tàu, thuyền bị lật.

Theo kinh nghiệm của những người đi sông nước lâu năm, ẩn sau mực nước sông Hồng xuống thấp kia là những ẩn họa đang rình rập.

Thuyền trưởng tàu “mắc cạn” NB 6561 Bùi Văn Chương (người Gia Viễn, Ninh Bình) giải thích: Nhiều khúc sông Hồng rơi vào cảnh cạn nước nhưng dòng chảy ngầm của dòng sông vẫn còn. Lưu lượng nước lớn phía dưới những làn cát mỏng kia mới chính là “tử thần”, tạo ra bên lở, bên bồi. Nếu không chú ý quan sát thì chỉ vài tiếng đồng hồ, mực nước bên phải xuống thấp nhưng bên trái tàu, cát đùn lên là tàu mất thăng bằn, “chới với”, lật bất kỳ khi nào.

Cũng theo anh Chương, chính ở khúc sông Hồng nơi đây năm ngoái, “hà bá” đã làm lật chiếc tàu chở cát có tải trọng trên 300 tấn. Sự việc này là lời cảnh báo nguy hiểm cho những tàu thuyền mắc cạn như tàu của anh.

Anh Chương tâm sự, con tàu của anh rời Phú Thọ vào ngày 25/11 và chạy theo lịch trình 4 ngày 1 chuyến về Hà Nội rồi tập kết hàng tại bến bãi. Nhưng đã nhiều ngày nay con tàu tải trọng hơn 300 tấn này mắc luồng cạn tại đoạn sông Hồng chảy qua khu vực km 214 thuộc địa phận xã Chung Châu, huyện Đan Phượng.

"Tàu này có độ mớn nước là 2,4m. Bây giờ lưu lượng nước qua đây tôi vừa dùng sào tre đo còn có 1,6m. lại phải đợi nước lên thôi. Nước lên thì tàu  mới di chuyển được. Nhưng cứ nằm chờ đợi thế này héo hắt quá”- Anh Chương than thở.  

Theo lời kể của anh Chương, tàu NB6561 là con tàu có giá trị hơn 1,7 tỷ đồng, được đóng mới, hạ thủy vào đầu năm 2014 để gia đình anh Chương thu mua cát từ các tỉnh phía Bắc đem vận chuyển về Hà Nội bán. Vốn của gia đình anh vào tàu này chỉ trên 200 triệu đồng, còn lại khoảng 1,5 tỷ đồng là tiền đi vay của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trả trong vòng 20 năm với lãi suất 13,2%/năm.

“Tàu này giờ nằm một chỗ không hoạt động được đồng nghĩa với việc kinh tế của chúng tôi ảnh hưởng nặng nề. Tiền nợ, tiền trả lãi suất ngân hàng theo thế mà dày lên”- Anh Chương nói giọng đầy lo âu.  

Chung cảnh nhiều ngày nay người và tàu nằm “bất động” ở khúc sông Hồng đoạn qua Chung Châu, Đan Phượng còn có chiếc tàu chở cát có tải trọng khoảng 300 tấn của anh Nguyễn Văn Sơn (Thường Tín, Hà Nội). Tàu của anh Sơn di chuyển từ Phú Thọ về đây gặp đúng luồng cạn, lại rơi vào thời điểm mực nước sông Hồng xuống nhiều, nằm ở đoạn sông này đã 3 ngày.

Anh Sơn cho biết: Trị giá của con tàu này khoảng 1 tỷ và được đóng mới vào năm 2009. Để hoạt động kinh doanh, ông Sơn phải vay ngân hàng gần 800 triệu, lãi suất 12%/ năm. Lãi hàng tháng vẫn phải trả, nhưng hoạt động kinh doanh bị ngưng trệ, ảnh hưởng nhiều tới kinh tế gia đình.

Ảnh minh họa
Cảnh sát giao thông đường thủy làm nhiệm vụ hướng dẫn tàu bị mắc cạn

Hơn 100 phương tiện mắc cạn

Cơ quan chức năng cho biết, có khoảng 150 phương tiện đang bị mắc cạn, nằm “án binh bất động”. Tuyến hoạt động của những chiếc tàu này đa phần xuôi từ Phú Thọ, Vĩnh Phúc, qua km 214 thuộc địa phận xã Trung Châu, huyện Đan Phượng. Nguyên nhân do mực nước xuống thấp, luồng lạch không được thông thoáng nên toàn bộ tàu di chuyển qua đây đều bị mắc cạn làm tê liệt.

Trao đổi với chúng tôi, Thượng úy Trịnh Văn Trường, Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường thủy số 1, Phòng Cảnh sát đường thủy Hà Nội (PC68) cho hay: Đặc điểm của đường thủy có 2 mùa rõ rệt một mùa nước lên và một mùa khan cạn. Cứ đến mùa khan cạn, các điểm khan cạn do dòng chảy xoáy và mực nước thấp cộng lại cát sỏi tại các điểm khan cạn nâng lên và bồi đắp dẫn tới việc luồng lạch không được thông thoáng, phương tiện xuôi dòng rất khó khăn.

“Thông thường, tháng 11 hằng năm, sông Hồng mới bước vào mùa cạn, nhưng năm nay, sông vơi nước từ tháng 9 với mực nước xuống thấp kỷ lục đã khiến tàu thuyền mắc cạn”- Thượng úy Trịnh Văn Trường cho hay.

Trước những ẩn họa đường thủy nói trên, theo Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường thủy số 1, PC 68 Công an Hà Nội, lực lượng Cảnh sát đường thủy thường đã, đang xuyên phối hợp với các trạm quản lý đường sông điều tiết phân luồng để cho các phương tiện lưu thông được an toàn. Việc phân luồng, điều tiết phương tiện lưu thông an toàn là một nhiệm vụ xuyên suốt hàng đầu.

Tại các điểm khan cạn thường xuyên có cán bộ chiến sỹ túc trực tđể hướng dẫn cho thuyền trưởng và người lái phương tiện được lưu thông an toàn, không để xảy ra tai nạn giao thông và ùn tắc.

“Theo Trung tâm khí thượng thủy văn thì việc xả nước từ thượng nguồn sông Đà là vào khoảng ngày 30/11. Mực nước sông Hồng sẽ nâng lên sau đó các phương tiện sẽ lưu thông được an toàn. Để việc lưu thông được an toàn thì lực lượng Cảnh sát đường thủy đã có kế hoạch hướng dẫn, điều tiết đi theo hàng theo luồng lạch tránh đi ồ ạt” Đại diện Đội 1 Phòng PC 68 cho hay.

Việc hàng các phương tiện bị mắc cạn tại khu vực sông Hồng, đoạn thuộc địa phận Chung Châu, Đan Phượng khiến cho hoạt đông giao thông đường thuỷ ở khu vực này bị tê liệt. Không những thế, những chủ tàu ở đây còn thiệt hại nặng nề về mặt kinh tế.


Bùi Ngà

Ý kiến bạn đọc