Bất ngờ "thần dược" cai được nghiện ma túy

15:23, 30/11/2014
|

(VnMedia)- "Xóa bỏ sự lệ thuộc vào ma túy bằng ngôn ngữ tình cảm” là một công trình khoa học mang tính đột phá, duy nhất, lần đầu tiên được công bố tại Việt Nam; do PSD nghiên cứu. Hiệu quả của công bố này đến đâu vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn...

Ngày 26/11/2014 tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Tâm lý cho Người nghiện ma túy (PSD) phối hợp cùng Tạp chí Trí thức và Phát triển - Cơ quan ngôn luận Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội tổ chức hội thảo “Một số nghiên cứu mới trong lĩnh vực phòng ngừa và chống tái nghiện ma túy”.
 
Tại hội thảo này, PSD đã công bố một công trình khoa học mang tính đột phá, duy nhất, lần đầu tiên được đưa ra tại Việt Nam trong lĩnh vực cai nghiện do PSD nghiên cứu và phát triển dựa trên nền tảng công trình khoa học của các tác giả P.V Pavlov, P.K.Anokhin, I.M.Sechenov, Sudakov… ; đồng thời tham khảo những nghiên cứu về điều trị nghiện ma túy của Viện nghiên cứu Khoa học về Sinh lý bình thường (Nga).
 
PSD nghiên cứu và đưa ra phương pháp này nhằm mục đích ngăn chặn sự hình thành tất cả những động cơ tiềm ẩn, thúc đẩy hành vi sử dụng ma túy, trong đó căng thẳng tâm lý là động cơ chủ yếu. Phương pháp của PSD tập trung vào giai đoạn chống tái nghiện, đem lại niềm hi vọng cho toàn xã hội khi có thể đáp ứng được tỷ lệ cai nghiện thành công 60%; ngay từ bước đầu đã đạt kết quả khả quan, mở ra hướng đi mới trong công tác phòng, chống ma túy của quốc gia.
 
Bên cạnh đó, PSD đặt vấn đề nâng cao hiểu biết và nhận thức của cộng đồng về ma túy là một nhiệm vụ liên quan sâu sắc đến hiệu quả phòng, chống ma túy. Thực trạng trẻ hóa độ tuổi người nghiện chất trong đó có ma túy đang gây ra không ít lo ngại trong nhân dân. Tỉ lệ học sinh, sinh viên có sử dụng các loại ma túy và nghiện ma túy thực sự đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều gia đình, an sinh xã hội.

Dùng ngôn ngữ tình cảm chữa nghiện ma túy?

Một những khía cạnh đáng lưu ý của phương pháp cai nghiện ma túy của PSD là việc đưa ra khái niệm về yếu tố ngôn ngữ tình cảm trong phương pháp chống tái nghiện "Xóa bỏ sự lệ thuộc vào ma túy bằng ngôn ngữ tình cảm".
 
Theo trình bày của ông Lê Trung Tuấn, Giám đốc PSD, phản xạ là sự đáp ứng của cơ thể đối với sự kích thích vào các thụ cảm thể và được thực hiện với sự tham gia của hệ thần kinh trung ương. Nhờ có hoạt động phản xạ mà cơ thể có thể phản ứng nhanh chóng đối với những biến đổi của môi trường sống và có thể thích ứng được với những biến đổi đó.

Ảnh minh họa

Các phản xạ không điều kiện là các phản xạ bẩm sinh, được di truyền, mang tính chất của loài, tương đối ổn định trong suốt đời sống của cá thể, là phản xạ phát sinh khi có kích thích thích ứng tác động lên các trường thụ cảm thể nhất định. Các phản xạ có điều kiện là các phản xạ tập nhiễm được trong đời sống của cá thể, có thể bị mất đi khi điều kiện tạo ra nó không còn nữa, là phản xạ có thể được hình thành với các loại kích thích khác nhau tác động lên các trường thụ cảm khác nhau.
 
Pavlov gọi tiếng nói là hệ thống tín hiệu thứ hai trong hoạt động thần kinh cấp cao và chỉ có ở con người. Do đó, trong não bộ, ngoài sự tác động qua lại giữa các kích thích tự nhiên (đó là các kích thích lý, hóa, sinh - hệ thống tín hiệu thứ nhất), còn có sự tác động qua lại giữa tiếng nói và các kích thích tự nhiên. Tiếng nói có thể ức chế, tăng cường hoặc thay đổi tác dụng của các kích thích không điều kiện.
 
Tiếng nói có khả năng thay thế các kích thích cụ thể. Tiếng nói gây được tác dụng này vì nó có mối liên hệ chặt chẽ với các đối tượng, hiện tượng nhất định. Các dấu vết của tiếng nói và dấu vết của các sự vật cụ thể được biểu thị bởi tiếng nói liên kết với nhau trong vỏ não thành một cấu trúc động hình. Do đó, cũng như kích thích cụ thể, tiếng nói có khả năng gây hưng phấn trong cấu trúc động hình này. Nhờ khả năng thay thế tác dụng của các kích thích cụ thể của tiếng nói mà sự phản ảnh hiện thực khách quan trong não được thực hiện không chỉ bằng con đường vận dụng các cảm giác trực tiếp, mà còn bằng cách vận dụng tiếng nói nữa.
 
Chính nhờ khả năng này mà trong não người có được khả năng tách rời các sự vật, hiện tượng khỏi thực tiễn, nghĩa là tạo ra cho con người khả năng tư duy trừu tượng. Với vai trò là một kích thích có điều kiện và khả năng thay thế các kích thích cụ thể (mùi, hình ảnh) liên quan đến ma túy trong thực tế, việc nhắc đến hoặc gọi tên chúng là một cách thức khơi gợi lại các cơn thèm nhớ ma túy. Như thế người lệ thuộc ma túy được kích hoạt ham muốn sử dụng lại ma túy trong một môi trường không đáp ứng. Hơn nữa, tiếng nói còn có thể tăng cường, ức chế, thay đổi tác dụng của kích thích cụ thể. 

Ảnh minh họa

Ông Lê Trung Tuấn lý giải cơ chế tái nghiện của người nghiện ma túy.

"Dựa trên điều này, chúng tôi có thể sử dụng ngôn ngữ để tăng cường hoặc ức chế tác dụng của các yếu tố kích thích làm kích hoạt ham muốn sử dụng ma túy. Chẳng hạn, qua lời kể của người nghiện ma túy về sự tác động của hình ảnh đôi mắt của bạn nghiện là nguyên nhân kích hoạt cơn thèm nhớ ma túy của người đó, thì dưới tác động ngôn ngữ, mức độ ảnh hưởng từ hình ảnh đôi mắt bạn nghiện đó sẽ được giảm dần", ông Tuấn nói.
 
Cũng theo ông Lê Trung Tuấn, nghiện ma túy như bất kì sự phụ thuộc nào trong đa số các trường hợp đều có mâu thuẫn với hiện thực xung quanh, những vấn đề được ngụy trang cẩn thận và kìm nén dưới dạng tiềm thức có liên quan đến căng thẳng. Người nghiện ma túy có thói quen để vượt qua và làm giảm tình trạng xung đột bằng cách sử dụng ma túy. Kết quả là cảm giác thoải mái đạt được nhờ sử dụng ma túy về bản chất là nỗ lực tạm thời làm giảm xâm chiếm của hiện thực xung quanh, trở thành một dạng hành vi của người nghiện. Phương pháp “Xóa bỏ sự lệ thuộc vào ma túy bằng ngôn ngữ tình cảm” sẽ phục hồi cho người nghiện ma túy bằng cách tái tổ chức hoạt động cảm xúc thông qua ngôn ngữ tình cảm.

"Đây là phương pháp mang tính chất đào tạo có sự can thiệp của thuốc, không có sự cưỡng bức về tâm lý, không cách ly người nghiện; có hiệu quả với những người nghiện muốn thoát khỏi tình trạng lệ thuộc", ông Lê Trung Tuấn nói.

Hiệu quả thực sự?

Được biết, trong thời gian vừa qua, PSD đã thực hiện truyền thông về tác hại của ma tuý và các kỹ năng chống tái nghiện tại 21 Trung tâm chữa bệnh, giáo dục lao động xã hội ở 10 tỉnh, thành phía Bắc. Đồng thời tiến hành khảo sát mức độ nhận thức về ma tuý và hành vi sử dụng ma tuý hơn 20 nghìn học viên ở các Trung tâm này. Kết quả khảo sát cho thấy, khoảng 60% số học viên có thể cai nghiện thành công, duy trì hành vi không sử dụng ma tuý bền vững bằng phương pháp “xoá bỏ sự lệ thuộc vào ma tuý bằng ngôn ngữ tình cảm”.
 
Nhìn ở thời điểm này, tác động của công trình của PSD đã có thể nhìn thấy, bởi báo cáo của PSD cho thấy, đơn vị này đã giúp đỡ được 60 người bằng phương pháp mới, 45 người trong số đó đã hoàn toàn không bị lệ thuộc vào ma tuý. Tuy nhiên, hiệu quả của công trình có đạt được như mong muốn là giúp những người nghiện cai được hoàn toàn thì chưa thể đánh giá ngay.

Phát biểu tại Hội thảo của PSD Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm ghi nhận trách nhiệm xã hội của PSD và đề nghị PSD tiếp tục hoàn thiện nghiên cứu phương pháp “Xoá bỏ sự lệ thuộc vào ma tuý bằng ngôn ngữ tình cảm”, đăng ký phương pháp với các cơ quan khoa học.
 
“Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ủng hộ và sẽ tạo điều kiện để PSD tiếp tục nghiên cứu phương pháp này”, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nói.

Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (tên viết tắt: UNODC) thống kê hiện nay trên thế giới có hơn 200 triệu người nghiện các chất ma túy. Tại nước ta, báo cáo mới nhất năm 2014, cả nước có 204.377 người nghiện, trong khi tỉ lệ tái nghiện vẫn ở mức cao (từ 90%). Sự đa dạng, phức tạp của các loại ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp khiến công tác an ninh, pháp luật thêm nhiều khó khăn. Như vậy hiện nay Việt Nam gặp thử thách trên cả ba mặt trận: giảm cung ma túy, giảm cầu ma túy và giảm tác hại của ma túy.


Trúc Dân - (bài, ảnh)

Ý kiến bạn đọc