(VnMedia) - Thời gian qua, nhiều vụ tiêu cực xã hội được phát hiện qua điều tra nhập vai của báo chí. Trong đó, có những vụ tiêu cực liên quan đến CSGT, lãnh đạo doanh nghiệp, cán bộ thuế, hải quan, đưa nhận hối lộ.
Đôi khi, chính phóng viên hoặc người dân “cài đặt tình huống” để những đối tượng mình muốn điều tra nói và hành động theo tính toán. Họ bố trí sẵn máy móc quay phim, chụp hình để làm bằng chứng vụ việc. Vậy hành vi này có được phép và phải bị xử lý thế nào?
Ảnh minh họa
Vi phạm pháp luật
Ths. LS. Phạm Thanh Bình (Giám đốc Công ty Luật Bảo Ngọc - Hà Nội cho biết, về nguyên tắc pháp luật nói chung, công dân không được phép tạo điều kiện, đẩy người khác vào tình trạng phạm tội.
Việc nhà báo hay người dân bình thường cố tình vi phạm giao thông để CSGT bắt rồi đưa hối lộ nhằm quay phim chụp ảnh là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Tuy nhiên, việc xử lý đến đâu tùy thuộc vào hành vi cụ thể của nhà báo và người dân đó.
Người có hành vi này có thể bị xử lý hình sự giống như nhà báo Hoàng Khương (báo Tuổi trẻ TP.HCM). Nếu mức độ vi phạm chưa đến mức truy cứu hình sự thì bị xử phạt hành chính.
“Hành vi này cũng vi phạm nguyên tắc lẫn đạo đức nghề báo. Không nghề nghiệp nào cho phép gài bẫy người khác.” – Luật sư Bình nhấn mạnh.
Luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng Văn phòng Luật sư Ánh sáng Công lý - Hà Nội) cũng cho rằng, dù nhà báo hoạt động nghiệp vụ vẫn phải tuân thủ luật pháp. Hành vi vi phạm vẫn bị xử lý như người bình thường.
Tuy nhiên, trong quá trình xử lý, cơ quan pháp luật vẫn phải xem xét hành vi của nhà báo có động cơ cá nhân hay không. Nếu tòa soạn có sự bàn bạc, lên kế hoạch trước, nhà báo có thể được xem xét để giảm nhẹ hoặc miễn xử lý. Ngoài ra, điều này còn có thể đối chiếu với các quy định, nguyên tắc hoạt động nghề nghiệp nói chung. Hoạt động này cũng giống như cảnh sát đóng vai người buôn ma túy để phá án.
"Nhưng các yếu tố đó chỉ là để xem xét. Về lý, người đó đã vi phạm pháp luật và phải bị xử lý." - Luật sư Kiên nói.
Mặt khác, theo luật sư Kiên nếu việc làm của nhà báo trái với nguyên tắc nghề nghiệp, cơ quan chủ quản có thể xử phạt tòa soạn báo và phóng viên.
Vi phạm đến đâu, xử phạt đến đó
Luật sư Trịnh Anh Dũng (Trưởng Văn phòng Luật sư Trịnh - Hà Nội) cho biết, đối chiếu Luật báo chí cũng như Nghị định 159 về xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí, ông thấy việc "cài đặt tình huống" như trên không vi phạm quy định nào.
Bởi theo luật sư, việc làm này có thể bị xử lý theo nhiều văn bản luật, nghị định khác. Nhà báo cố tình vi phạm giao thông sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định xử phạt trong lĩnh vực giao thông. Người cố tình gây mất trật tự công cộng hoặc đưa hối lộ (chưa đến mức truy cứu hình sự) bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính về an ninh trật tự.
Việc này có được coi là vi phạm để xử lý kỷ luật về nghề nghiệp đối với phóng viên hay không, tùy thuộc vào quy định của Bộ Thông tin - Truyền thông và của tòa soạn báo.
Luật sư Dũng nêu ví dụ: Nếu Bộ Thông tin truyền thông có quy định, phóng viên có vi phạm hành chính ở một mức nhất định, sẽ bị cơ quan chủ quan kỷ luật. Lúc đó phóng viên bị xử lý về mặt nghề nghiệp.
Như vậy, việc "cài đặt tình huống" của nhà báo hay của người dân (chưa đến mức truy cứu hình sự) đã bị coi là vi phạm pháp luật hành chính nhưng không vi phạm pháp luật báo chí.
Mặt khác, luật sư Dũng cho hay, người nào nhập vai, trực tiếp vi phạm giao thông hoặc đưa hối lộ thì người đó chịu trách nhiệm, bị xử phạt. Nhà báo không trực tiếp làm mà nhờ người khác làm thì nhà báo không bị xử phạt. Trừ trường hợp hành vi đó đến mức bị truy cứu hình sự.
Pháp luật hiện hành không quy định hành vi "gài bẫy, đẩy người khác vào hành vi vi phạm pháp luật". Về nguyên tắc, công dân được làm những điều pháp luật không cấm.
“Tuy nhiên, nhà báo hay người dân nhập vai có hành vi vi phạm đến đâu sẽ bị xử lý đến đó.” – Luật sư Dũng nói.
Ý kiến bạn đọc