Tiêu thụ tài sản người khác nhặt được có vi phạm pháp luật?

13:08, 01/08/2014
|

(VnMedia)- Theo quy định của pháp luật, việc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có sẽ bị xử lý nghiêm. Tuy nhiên, nếu vô tình sử dụng tài sản của người khác nhặt được thì hành vi đó không cấu thành tội phạm.

Chia sẻ với VnMedia, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, nếu vô tình sử dụng tài sản của người khác hoặc tiêu thụ tài sản đó thì không cấu thành tội phạm.

Ví dụ trong trường hợp bị thất thoát trong quá trình tiêu hủy sản phẩm không đủ điều kiện phát hành, một số đối tượng lại mang đi bán, nhằm thu lợi bất chính. Nếu có căn cứ xác định nhân viên nào được Công ty giao trách nhiệm tiêu hủy số sản phẩm không còn giá trị sử dụng này mà mang đi tiêu thụ trên thị trường thì hành vi đó có dấu hiệu phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tội phạm và hình phạt được qui định tại Điều 139 BLHS.

Ảnh minh họa

Ảnh minh hoạ.

Cũng theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, người nào biết sản phẩm đó không có giá trị sử dụng mà thông đồng mua lại của những nhân viên đó với giá rẻ hoặc giúp tiêu thụ cho đối tượng đó thì sẽ phải chịu chung về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò đồng phạm.
  
Trường hợp người dân nào mà vô tình nhặt được những sản phẩm phải mang đi tiêu huỷ đó dùng hoặc mang đi bán trên thị trường thì về mặt pháp lý hành vi đó không cấu thành tội phạm. Bởi lẽ về ý thức chủ quan họ không biết những thẻ cào nạp tiền đó không còn giá trị sử dụng.

Việc tiêu thụ tài sản của kẻ gian mà biết rõ tài sản do phạm tội mà có thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội tại điều 250, Bộ Luật Hình sự.

Theo đó, mức hình phạt đối với tội này được quy định như sau: 
Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm; Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Tài sản, vật phạm pháp có giá trị lớn; Thu lợi bất chính lớn; Tái phạm nguy hiểm.

Cũng theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, quy định tại điều 250 cho thấy, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm: Tài sản, vật phạm pháp có giá trị rất lớn; Thu lợi bất chính rất lớn.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: Tài sản, vật phạm pháp có giá trị đặc biệt lớn; Thu lợi bất chính đặc biệt lớn.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này.

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 139 Bộ Luật Hình sự.

Theo đó, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Tái phạm nguy hiểm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt; Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; Gây hậu quả nghiêm trọng.

Cũng theo quy định tại điều này, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc