(VnMedia)- Bất cập nhất hiện nay chính là chất lượng trạm cân đang làm khó lực lượng chức năng khi xử lý vì kết quả không chính xác. Đã có tình trạng vẫn một chiếc xe, nhưng mỗi lần cân lại cho kết quả khác nhau tới vài tấn nên lái xe không chấp nhận kết quả...
>> "Xử nghiêm các đối tượng bảo kê xe quá tải"
>> Giờ "thông tuyến" của các xe quá tải trọng
>> Bắt nhóm đối tượng "bảo kê" cho xe quá tải trên tuyến cao tốc Nội Bài- Lào Cai
>> Bộ Công an: Xử lý nghiêm vi phạm trên đường cao tốc
>> Bộ Công an chưa nhận báo cáo việc "xã hội đen" bảo kê xe quá tải qua trạm cân
>> Giải pháp mới đối phó với xe quá trọng tải
>> Phó Thủ tướng yêu cầu xử nghiêm đối tượng chống đối, phá hoại trạm cân
>> Liên tục có tài xế phá các trạm cân lưu động
Là địa phương cung cấp cát, đá, sỏi, đất sét cho cả khu vực phía Bắc nên lưu lượng xe qua lại trên địa bàn tỉnh Hà Nam rất lớn. Để chống xe quá tải, ngoài trạm cân lưu động này, tỉnh Hà Nam còn lập thêm 6 cân xách tay khác được tại các tuyến đường tỉnh: ĐT 495B, 494B (huyện Kim Bảng, ĐT491 (huyện Lý Nhân), ĐT491 (TP. Phủ Lý) và QL38 (huyện Duy Tiên), QL37B (huyện Bình Lục). Đây là các điểm ra vào các nhà máy xi măng, mỏ vật liệu nối với QL1.
Cân xe tại trạm cân lưu động ở Hà Nam.
Theo Đại tá Trần Trọng Đạo, Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt tỉnh Hà Nam, sau hơn 3 tháng triển khai xử lý xe quá tải, đã có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là phần lớn số xe cơi nơi thùng đã tự cắt bỏ phần cơi nới. Không những thế, để giải quyết tận gốc xe chở quá tải, Hà Nam đã đặt trạm cân tại các điểm bốc hàng, điểm nối với QL1 và buộc lái xe vi phạm quay lại để hạ tải.
Tuy nhiên, bất cập nhất hiện nay chính là chất lượng trạm cân đang làm khó lực lượng chức năng khi xử lý vì kết quả không chính xác. Đã có tình trạng vẫn một chiếc xe, nhưng mỗi lần cân lại cho kết quả khác nhau tới vài tấn nên lái xe không chấp nhận kết quả.
11h, chiếc xe tải BKS 90C-018.39 chở đá đi từ trong mỏ ra được yêu cầu vào trạm cân. Lần thứ nhất đi qua trạm, cân báo chiếc xe chở quá tải 8,85 tấn, tương đương với 93,2%. Không chấp nhận kết quả này, lái xe đề nghị được cân làn thứ hai, kết quả lần hai chiếc xe quá tải 7,75 tấn, tương đương 79,7%. Nhìn vào kết quả này, lái xe yêu cầu được cân lần thứ 3. Và lần này, cân báo chiếc xe chở quá tải 6,37 tấn, tương đương 67,1%. Mặc dù theo quy định, xe chở quá tải trên 50% với xe có trọng tải từ 5 tấn trở lên là có mức phạt như nhau, tuy nhiên, cho rằng mỗi lần cân đều có kết quả khác nhau tới hơn 1 tấn nên lái xe Lại Hùng Cường cho rằng cân không chuẩn.
Dù bị lập biên bản xử phạt hành chính nhưng lái xe này vẫn ghi rõ không đồng ý với kết quả cân vì cân sai.
Nhưng, không chỉ ở Hà Nam mới có tình trạng cân mỗi lần một kết quả. Tại trạm cân tỉnh Nghệ An, chúng tôi cũng chứng kiến chiếc xe tải 76K-7904 sau 3 lần cân cũng cho ra 3 kết quả khác nhau nên lái xe đã không ký biên bản vi phạm với lý do 3 lần cân kết quả không khớp nhau.
Trong câu chuyện với chúng tôi, trung tá Bùi Quang Thanh, Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt Quảng Bình cho biết tại địa phương này đã có hơn 20 trường hợp lái xe khiếu nại vì kết quả mỗi lần cân khác nhau tới vài tấn. Trong khi sai số cho phép của thiết bị cân giữa các lần là 3% thì thực tế, ngày 20/12/2013, khi cân chiếc xe đầu kéo 75C-001.28, kết quả giữa hai lần cân chênh nhau tới… 10 tấn; ngày 7/5/2014, khi cân chiếc xe đầu kéo 77H-7989, kế quả giữa hai lần cân chênh nhau 9,72 tấn.
Trưa 7/8, tại trạm cân lưu động tỉnh Quảng Bình đặt tại đầu phía Bắc cầu song Gianh, chúng tôi cũng chứng kiến lái xe Ngô Đức Anh điều khiển chiếc xe tải BKS 75C- 007.82 chở ngói từ Quảng Ninh đi Huế sau 3 lần vòng đi vòng lại để cân cũng nhận được 3 phiếu cân với 3 kết quả khác nhau.
Thực tế, do kết quả mỗi lần cân có chênh lệch quá lớn như vậy đang khiến cho lực lượng chức năng khó xử lý bởi kết quả cân là căn cứ để xử lý vi phạm. Theo Trung tá Bùi Quang Thanh, Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt Quảng Bình, thì tình trạng này đã tạo ra sự nghi ngờ, bất đồng, gây bức xúc cho lái xe, chủ hàng, thậm chí khiếu nại, khiếu kiện.
Không chỉ cân không chính xác, ghi nhận của chúng tôi tại các trạm cân đều có tình trạng bị trục trặc khi gặp trời mưa.
Mới đây, khi trao đổi với chúng tôi, Chánh Thanh tra kiêm Phó Vụ trưởng Vụ ATGT Tổng cục Đường bộ Việt Nam Đặng Văn Chung, thừa nhận tình trạng cân hỏng. Theo ông Chung có nhiều lý do cân hỏng, cả do lỗi sản xuất và do người sử dụng. Vì vậy mà Tổng cục đường bộ đã phải tỏ chức tập huấn lại cho lực lượng vận hành trạm cân trong cả nước.
Lý giải việc cân có sai số, ông Chung cho biết đây không phải là cân bán hàng nên Tổng cục đường bộ đã đưa cả chỉ số môi trường vào để tính sai số trong phạm vi cho phép với các trạm cân, nên nếu quá tải 10% thì không xử phạt. Tuy nhiên, từ thực tế cân sai đến cả chục tấn như vừa qua, rõ ràng cần phải kiểm tra lại chất lượng cân.
Trong báo cáo mới đây của Bộ Công an về tình hình thực hiện việc kiểm soát, xử lý vi phạm chở hàng vượt quá trọng tải của xe ô tô trên toàn quốc cho thấy, trong 6 tháng thực hiện, cân trọng tải lưu động ở một số địa phương bị hỏng, hay xảy ra sự cố, có kết quả không chính xác (tại Quảng Nam, Hải Phòng, Đắc Lắk, Hoà Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Bình Phước, Điện Biên, Gia Lai, Hà Nam, Thái Bình, Quảng Ngãi, Phú Yên, Phú Thọ, Lào Cai…), nhiều chủ hàng, lái xe có khiếu nại và không ký biên bản vi phạm (như tại Quảng Nam, trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động kiểm tra xe ô tô đầu kéo BKS 43S-3445, kết quả mã cân tĩnh là 42.580 kg, mã cân động là 42.600 kg; lái xe không chấp nhận vi phạm đã xuất trình phiếu cân do Cảng Đà Nẵng cân là 40.240 kg; vì vậy, tổ liên ngành đã đưa xe đến Trạm cân điện tử của Cty TNHH TM&DV Định Chi tại TP. Tam Kỳ để cân đối chứng, kết quả là 40.250kg.
Ý kiến bạn đọc