(VnMedia) - Hai người Đài Loan móc ngoặc với các đối tượng người Việt sử dụng một phần mềm giả mạo số điện thoại của cơ quan công an để lừa đảo chiếm đoạt tiền tỷ...
Hai đối tượng quốc tịch Đài Loan bị bắt và tang vật
Chiều ngày 3/7, Công an TP Hà Nội cho biết, cơ quan này đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đồng thời bắt tạm giam hai đối tượng: Chang Khai Yeu (Trương Khải Nhạc, SN 1987) và Hsieh Ming Hsin (Tạ Minh Tú, SN 1983), cùng quốc tịch Đài Loan (Trung Quốc), trú tại Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội, để điều tra làm rõ về hành vi “đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet” được quy định tại Điều 226b Bộ Luật hình sự.
Cơ quan điều tra xác định, đây là 2 đối tượng trong đường dây tội phạm giả danh công an, gây ra một loạt vụ lừa đảo qua điện thoại chiếm đoạt hàng tỷ đồng trên địa bàn toàn quốc thời gian vừa qua.
Trước đó, vào hồi 13h ngày 30/6, Đội 5 Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50 - Công an TP Hà Nội) bắt quả tang Chang Khai Yeu và Hsieh Ming Hsin đang có hành vi dùng thẻ của người khác rút tiền tại cây ATM trên đường Nguyễn Thị Định, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Tiến hành kiểm tra 2 đối tượng này, cơ quan công an phát hiện, thu giữ 54 thẻ ATM khác nhau do các Ngân hàng của Việt Nam phát hành cùng gần 283 triệu đồng.
Bước đầu, cơ quan công an làm rõ, 2 đối tượng người Đài Loan này móc ngoặc với một số đối tượng người Việt Nam, gọi điện thoại thông báo nợ tiền cước điện thoại hoặc giả danh là công an đang điều tra án để đe dọa, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Các đối tượng sử dụng một phần mềm giả mạo số điện thoại của cơ quan công an để lừa đảo, nói người bị hại đang nợ cước điện thoại hoặc đang bị dính líu đến vụ án hình sự, từ đó chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để “phục vụ điều tra”.
Khi có cuộc điện thoại đến, các nạn nhân sẽ thấy trên màn hình điện thoại hiện đầu số +83 và các số sau trùng với số điện thoại của một cơ quan công an.
Gần đây nhất, vào ngày 23/6, nhóm đối tượng gọi điện cho ông Nguyễn Văn Đ (70 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội),
“Điều tra viên” này nói đang điều tra một đường dây ma túy xuyên quốc gia có liên quan đến ông Đ. Lo lắng, ông Đ. làm mọi điều theo chỉ dẫn để chứng minh mình vô can. Nghe ông Đ. khai báo về số tiền hơn 700 triệu đồng đang gửi ở ngân hàng, “điều tra viên” đề nghị ông Đ. chuyển toàn bộ số tiền trên vào tài khoản của cơ quan công an để “phục vụ việc điều tra”.
Sau khi chuyển toàn bộ số tiền trên vào tài khoản được “điều tra viên” cung cấp, ông Đ. mới giật mình biết mình bị lừa.
Theo cơ quan điều tra, trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua, có khoảng 15 người dân ở các tỉnh thành trên toàn quốc bị các đối tượng gọi điện thoại lừa đảo với phương thức, thủ đoạn như trên.
Cơ quan điều tra khuyến cáo người dân, nếu có người tự xưng là công an hay cơ quan pháp luật, hãy đề nghị họ cho biết rõ họ tên, nơi làm việc để trực tiếp trao đổi với các cơ quan đó.
Theo quy trình công tác của cơ quan công an, viện kiểm sát, muốn làm việc với người dân phải có giấy mời ghi rõ họ tên, chức vụ cán bộ làm việc, ngày giờ, địa chỉ cơ quan chưa không liên hệ qua điện thoại. Khi cần tạm giữ đồ vật, tài sản, các cơ quan đều phải lập biên bản.
Hiện, cơ quan công an đang điều tra mở rộng vụ án.
Ý kiến bạn đọc