Khởi tố vụ án, tạm giữ đối tượng cướp súng tại trụ sở công an

06:29, 30/07/2014
|

(VnMedia)- Ngày 29/7, theo thông tin từ công an tỉnh Quảng Ninh, cơ quan này đã ra quyết định khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự đối tượng vào trụ sở Công an TP. Uông Bí gây rối trật tự công cộng và chiếm đoạt vũ khí quân dụng.

>> Ngang nhiên rút súng bắn người
>> Bắt đối tượng xông vào trụ sở công an cướp súng

Trước đó, như VnMedia đã đưa tin, hồi 6h30 phút ngày 28/7/2014, đối tượng Nguyễn Thành Tuân - sinh năm 1978, trú tại tổ 4, khu 5A, phường Vàng Danh - TP Uông Bí vào Công an TP Uông Bí gây rối trật tự công cộng, dùng dao tấn công, làm 1 cán bộ Công an bị thương và lợi dụng quá trình vật lộn, chiếm đoạt 1 khẩu súng K59, 1 khẩu súng công cụ hỗ trợ do cán bộ Công an làm rơi, sau đó bỏ chạy.

Ảnh minh họa

Đối tượng Nguyễn Thành Tuân.


Ngay sau khi sự việc xảy ra, Công an TP Uông Bí đã huy động lực lượng, truy đuổi, bắt giữ được đối tượng Tuân và thu hồi 2 khẩu súng trên.

Ngay trong ngày 28/7/2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Uông Bí đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “cố ý gây thương tích, chiếm giữ trái phép vũ khí quân dụng và gây rối trật tự công cộng”, tạm giữ hình sự đối tượng Nguyễn Thành Tuân để điều tra, xử lý.

Hiện, vụ án được chuyển cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến sự việc này, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, hành vi phạm tội của đối tượng Nguyễn Thành Tuân cướp súng có dấu hiệu phạm tội Chiếm đoạt vũ khí quân dụng. Tội danh và hình phạt được qui định tại Điều 230 Bộ Luật Hình sự.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin đến bạn đọc.

Điều 230. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự

1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm:
a) Có tổ chức;
b) Vật phạm pháp có số lượng lớn;
c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
d) Gây hậu qủa nghiêm trọng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm:
a) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc