(VnMedia) - Theo bản án do HĐXX Tòa án Nhân dân TP Hà Nội tuyên chiều 7/3, nguyên giám đốc Nguyễn Trí Liêm chỉ bị cảnh cáo và trong 8 bị cáo còn lại có trưởng khoa xét nghiệm chịu 12 tháng tù giam.
Ngày 7/3, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đưa ra xét xử 9 cán bộ y tế trong vụ in khống kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội).
Các bị cáo tại phiên xét xử
Theo đó, bảy bị cáo bị đưa ra xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”, gồm: Vương Thị Kim Thành (nguyên Trưởng khoa Xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức); Nguyễn Thị Ngà, Nguyễn Thị Thu Trang, Nguyễn Thị Hồng Nhung, Vương Thị Lan, Nguyễn Đồng Sơn và Nguyễn Thị Xuyên (đều là nhân viên Khoa Xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức.
Hai bị cáo bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là Nguyễn Trí Liêm (Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức) và Nguyễn Thị Nhiên (Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức).
Cố tình làm sai
Theo cáo trạng truy tố, trong khoảng thời gian từ 1/8/2012 đến 31/5/2013, Vương Thị Kim Thành, Nguyễn Thị Ngà, Nguyễn Thị Thu Trang, Nguyễn Thị Hồng Nhung, Vương Thị Lan, Nguyễn Đồng Sơn và Nguyễn Thị Xuyên đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để thực hiện xét nghiệm huyết học không đúng quy định.
Các bị cáo làm xét nghiệm huyết học một mẫu bệnh phẩm (mẫu máu), sau đó in thành nhiều kết quả xét nghiệm huyết học rồi tự ký vào các phiếu xét nghiệm trả kết quả cho bệnh nhân và đưa vào hồ sơ thanh toán bảo hiểm y tế với tổng số 789 kết quả xét nghiệm khống, gây thiệt hại cho Bảo hiểm xã hội huyện Hoài Đức (Bảo hiểm xã hội Hà Nội) số tiền hơn 16 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này được đưa về bệnh viện và chia cho cán bộ công nhân viên.
Vụ việc ở Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức được phanh phui nhờ đơn tố cáo của chị Hoàng Thị Nguyệt và Phan Thị Oanh (nhân viên Khoa Xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức).
Trong quá trình điều tra vụ án, Công an TP Hà Nội nhận được đơn của bị can Nguyễn Trí Liêm và một số bị can khác tố cáo chị Nguyệt và chị Oanh có hành vi lập khống các kết quả xét nghiệm huyết học, thu tiền xét nghiệm của bệnh nhân không đưa vào sổ sách.
Cơ quan điều tra xác định, có 20 phiếu kết quả xét nghiệm huyết học trùng nhau do chị Hoàng Thị Nguyệt ký, nhưng xét thấy chị Nguyệt là người chủ động tố giác sự việc nên cơ quan điều tra không xem xét xử lý sai phạm của chị Nguyệt trong vụ án mà tách ra để điều tra, làm rõ, nếu sai phạm nghiêm trọng sẽ xử lý sau.
Đối với bị can Phan Thị Oanh có hành vi in khống 18 kết quả xét nghiệm huyết học nhưng cơ quan điều tra xét thấy bị can Oanh là một trong những người tham gia ký tên vào đơn tố giác sai phạm ở Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức, đã hợp tác cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra. Vì vậy, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội quyết định đình chỉ điều tra vụ án đối với Phan Thị Oanh về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ”.
Giảm lòng tin của nhân dân
Cơ quan tố tụng xác định, thiệt hại về mặt tài sản là không lớn, kết quả điều tra chưa phát hiện các kết quả xét nghiệm trên được dùng vào việc điều trị, chưa xác định có bệnh nhân nào bị tổn hại về sức khỏe do sử dụng các phiếu xét nghiệm trùng.
Tuy nhiên, hành vi sai trái của các bị can đã gây ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, đạo đức nghề nghiệp của nghành y tế nói chung và Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức nói riêng. Vụ việc gây hoài nghi và làm giảm lòng tin của nhân dân đối với đội ngũ y, bác sĩ, gây dư luận xấu trong xã hội.
Viện Kiểm sát Nhân dân cho rằng, chị Phan Thị Oanh trong thời điểm có đơn tố cáo có hành vi in khống 18 kết quả xét nghiệm huyết học. Hành vi của chị Oanh đã đồng phạm với các bị cáo trong vụ án, phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Tuy nhiên, do chị Oanh là người tham gia ký đơn tố giác các sai phạm của Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, tố giác sai phạm trong việc làm xét nghiệm huyết học để bà Hoàng Thị Nguyệt gửi đơn đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét. Chị Oanh cũng đã hợp tác, cung cấp thông tin cho người tố cáo. Tại cơ quan điều tra, chị Oanh đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội. Do vậy, Viện Kiểm sát đã quyết định đình chỉ điều tra với chị Oanh về hành vi: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Viện Kiểm sát kiến nghị cơ quan chủ quản xử lý hành chính đối với vi phạm của chị Oanh.
Mặc dù chị Phan Thị Oanh được miễn truy tố, nhưng các kỹ thuật viên tại Khoa Xét nghiệm đều khẳng định do Kỹ thuật viên trưởng này hướng dẫn nhân bản kết quả.
Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nhung khẳng định, trong quá trình công tác tại Khoa Xét nghiệm, bị cáo được chính chị Oanh hướng dẫn công việc hàng ngày, có trực tiếp làm xét nghiệm. Các kết quả xét nghiệm bị cáo ghi khống là nhằm hoàn thiện hồ sơ bệnh án.
Bị cáo Nguyễn Đông Sơn - Kỹ thuật viên hợp đồng cũng cho rằng, bị cáo được phân nhiệm vụ làm sinh hóa. Bị cáo cũng trực tiếp in phiếu xét nghiệm. Bị cáo làm theo chỉ đạo của kỹ thuật viên trưởng Phan Thị Oanh. Có lúc là trưởng khoa, có lúc là kỹ thuật viên bảo bị cáo làm. Bị cáo nhận thấy hành vi của mình sai. Do bị cáo là nhân viên hợp đồng nên phải làm theo chỉ đạo.
Tương tự, bị cáo Nguyễn Thị Thu Trang thừa nhận việc nhân bản kết quả là việc làm theo sự chỉ đạo của Kỹ thuật viên trưởng. Bị cáo có được xét nghiệm và có in khống kết quả xét nghiệm. Bị cáo không còn nhớ mình in không bao nhiêu phiếu kết quả xét nghiệm. Bị cáo nhận thức được việc mình làm là sai nhưng do là nhân viên hợp đồng nên phải làm theo chỉ đạo".
Bị cáo Vương Thị Lan - Nhân viên Khoa Xét nghiệm khai, bản thân trực tiếp in hơn 250 kết quả xét nghiệm. Bị cáo là làm theo chỉ đạo của Trưởng Khoa Xét nghiệm Vương Thị Kim Thành. Mục đích in khống kết quả kết nghiệm nhằm tăng thêm thu nhập cho nhân viên trong bệnh viện.
Còn Bị cáo Vương Thị Kim Thành khai, nhiều người muốn có kết quả xét nghiệm nhưng lại không muốn xét nghiệm máu. Đối tượng xin kết quả xét nghiệm là người nhà, hoặc từ các khoa khác đến xin. Mẫu đã có sẵn trong máy. Họ đến xin để hoàn thiện thủ tục hồ sơ hành chính.
Đồng loạt xin giảm án
Tại phiên tòa xét xử, trước những lời khai của các bị cáo tại Khoa Xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, bị cáo Nguyễn Trí Liêm - Nguyên Giám đốc bệnh viện khăng khăng khẳng định mình làm đúng trách nhiệm, không như cáo trạng truy tố và kết luận điều tra của cơ quan công an.
Đến cuối giờ chiều của ngày xét xử, khi được nói lời sau cùng, các bị cáo đồng loạt xin HĐXX giảm án. Bị cáo Nguyễn Trí Liêm gửi lời xin lỗi đồng nghiệp, toàn thể nhân dân, Bộ trưởng y tế cùng lãnh đạo các cấp ngành.
Sau khi xem xét toàn bộ hồ sơ vụ án, xét lời khai của các bị cáo tại phiên xử, HĐXX nhận thấy việc Viện kiểm sát truy tố các bị cáo là có căn cứ, đúng người đúng tội, trùng khớp với lời khai của các bị cáo.
Sau giờ nghị án, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Vương Thị Kim Thành mức án 12 tháng tù giam. Các bị cáo Nguyễn Thị Ngà, Nguyễn Thị Thu Trang, Nguyễn Thị Hồng Nhung, Nguyễn Đồng Sơn mỗi bị cáo 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Các bị cáo Vương Thị Lan và Nguyễn Thị Xuyên mỗi người 8 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Bị cáo Nguyễn Trí Liêm bị cảnh cáo tại tòa, còn bị cáo Nguyễn Thị Nhiên lĩnh 10 tháng cải tạo không giam giữ.
Ý kiến bạn đọc