Ám ảnh những vụ thảm án người thân giết nhau

08:01, 18/11/2013
|

(VnMedia)- Chồng giết vợ, vợ giết chồng, người yêu sát hại bạn tình... những vụ thảm án mà hung thủ là người thân thuộc của nhau là nỗi ám ảnh của dư luận, cũng là điều gây nhức nhối với cơ quan điều tra...

Ám ảnh tội phạm

Những ngày gần đây, dư luận liên tiếp rơi vào trạng thái bàng hoàng khi thông tin về những vụ thảm án chồng giết vợ, vợ giết chồng xảy ra. Mới đây nhất, ngày 17/11, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Nguyên đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Trương Thị Thưa (32 tuổi, ở xóm Huống, xã Thượng Đình, huyện Phú Bình) để điều tra hành vi giết người. Nạn nhân là anh Dương Đình Bằng (44 tuổi), chồng của Thưa.

Theo điều tra, Thưa lập gia đình với anh Bằng kết hôn từ năm 2006, đã có hai con (một trai, một gái). Thưa bán thuốc tây, còn chồng kinh doanh cho thuê ô tô tự lái. Do anh Bằng thường cờ bạc nên hai vợ chồng hay xảy ra mâu thuẫn.

Ảnh minh họa

Khúc sông nơi phát hiện ra thi thể nạn nhân và hung thủ (ảnh nhỏ)

Theo lời khai của Thưa, đêm 10/11, anh Bằng đòi vợ đưa 60 triệu đồng để đi đánh bài nhưng Thưa bảo tiền để trong két, không muốn mở, khiến hai vợ chồng to tiếng. Bức xúc, anh Bằng chạy tới rút thanh kiếm chĩa về phía vợ, doạ sẽ giết nếu không đưa tiền.

Lợi dụng lúc chồng không để ý, Thưa đá vào hạ bộ anh Bằng, khiến anh đau đớn, đánh rơi thanh kiếm. Thưa cầm kiếm giơ lên phía trước. Anh Bằng lao vào giằng chìa khóa vợ để trên người. Thưa đưa thanh kiếm lên, đúng lúc anh Bằng lao đến và bị kiếm đâm ngập ngực trái.

Tiếp đó, thấy chồng chưa chết, Thưa liền lau rửa vết thương cho chồng. Lúc này, anh Bằng hồi tỉnh, tiếp tục giằng co và bị Thưa đâm, chém liên tiếp. Nạn nhân tử vong.

Sau đó, Thưa quấn xác chồng vào vỏ chăn, nhét trong túi nilon đựng chăn. Dặn dò các con đi ngủ, khoảng 2h ngày 11/11, Thưa bê xác chồng nhét vào cốp ô tô Daewoo Lacetti, cùng chiếc kiếm gây án. Cô ta lái xe đến cây cầu Ba Đa, cách nhà khoảng 10km, kéo xác chồng ném qua thành cầu, xuống dòng nước chảy xiết. Sau đó, cô ta về nhà, đốt chiếc đệm đẫm máu, phi tang.

Sự việc này thực sự gây choáng váng cho dư luận bởi sự nhẫn tâm và lạnh lùng bất thường của Thưa. Theo thông tin từ cơ quan điều tra, sau khi gây án, Thưa vẫn đứng ra tổ chức lễ tang cho chồng. Thị thường xuyên ngất lên ngất xuống thể hiện sự đau khổ tột bậc về cái chết thương tâm của chồng mình. Sự việc này, cũng khiến dư luận nhớ lại vụ thảm án vừa xảy ra trước đó chưa lâu tại Trà Vinh. Người yêu cũng là nhà sư đã ra tay sát hại dã man người tình của mình chỉ vì không chịu phá cái thai mà nạn nhân đang mang trong bụng. Không chỉ giết hại người yêu, gã, Kim So Phia (SN 1989, ngụ ấp Cổ Tháp B, xã Nguyệt Hoá, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh), còn phi tang xác nạn nhân, yểm bùa vào xác để gia đình "có đi gọi hồn cũng không nói được gì", và trồng lên trên mộ một cây mít để che giấu...

Đi tìm nguyên nhân

Lâu nay, các vụ trọng án xảy ra do người thân trong gia đình thực hiện không phải là chuyện hiếm. Theo Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an),
mỗi năm xảy ra khoảng 1.200 vụ giết người, trong đó 90% là do các nguyên nhân xã hội, 18-20% người thân trong gia đình giết nhau, khoảng 5.000 vụ cố ý gây thương tích và cũng là các nguyên nhân xã hội.

Chia sẻ về tình hình phòng ngừa chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2013, Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng, có nhiều nguyên nhân khách quan, đó là do kinh tế - xã hội khó khăn, số lượng người thất nghiệp gia tăng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Có nguyên nhân do tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống trong xã hội, nhất là thông qua các vụ án giết người do nguyên nhân xã hội, thấy rõ điều này. Có nguyên nhân chủ quan trong công tác quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực còn sơ hở, thiếu sót, tội phạm lợi dụng hoạt động, có nơi, có lúc lực lượng chức năng chưa chủ động nắm chắc tình hình và kịp thời triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, trách nhiệm thi hành công vụ của một bộ phận cán bộ công chức chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để tội phạm gia tăng cũng chưa được làm một cách kiên quyết.

Cũng theo Đại tướng Trần Đại Quang, về dự báo tình hình sắp tới, "chúng tôi cho rằng trong thời gian sắp tới tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo đồng bộ các giải pháp, kết hợp phòng ngừa xã hội với phòng ngừa nghiệp vụ, đẩy mạnh tấn công, trấn áp các loại tội phạm, liên tục mở các cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, tập trung triệt phá các băng nhóm tội phạm nguy hiểm, xóa các tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội, tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm, nhất là các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm mua bán người, tội phạm môi trường, tội phạm kinh tế, chức vụ và tham nhũng".

Cũng theo Đại tướng Trần Đại Quang, để thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống tội phạm, ngành công an đồng tình với việc Quốc hội tiếp tục ban hành nghị quyết mới về công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm, nhưng đề nghị cần gắn việc thực hiện nghị quyết này với việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của trung ương đảng, của Bộ chính trị, của Ban bí thư về phòng chống tham nhũng và chương trình hành động của Chính phủ đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.

Trung tướng Đỗ Kim Tuyến cũng nhấn mạnh, để tích cực chủ động phòng ngừa có hiệu quả tội phạm liên quan đến tính mạng, sức khỏe của con người, tôi đề nghị chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị xã hội, nhất là hội đồng hòa giải ở cơ sở thực sự quan tâm phát hiện, giải quyết thật sớm các mâu thuẫn trong xã hội. Đây là một điều kiện rất quan trọng để chúng ta có thể làm giảm các vi phạm này, tôi nghĩ là rất có hiệu quả.


Nhật Lâm

Ý kiến bạn đọc