(VnMedia)- Theo ông Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đối với những vụ án oan, sai đã xảy ra trên thực tế, dẫu có ít nhưng viện kiểm sát thấy có 5 việc cần phải làm...
Ông Nguyễn Thanh Chấn được về nhà vào ngày 4/11/2013, sau 10 năm ngồi tù oan. Hiện vụ việc của ông đang chờ tái thẩm.
Án oan sai vẫn xảy ra
Báo cáo trước Quốc hội trong phiên chất vấn của Chánh án Toà án nhân dân tối cao Trương Hoà Bình, ông Nguyễn Hòa Bình - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao liên quan đến hoạt động của viện kiểm sát với những vấn đề oan sai cho biết: Tình trạng chung của oan sai 3 ngành (toà án, viện kiểm sát, công an) cũng đã có những quan điểm giống nhau là kiên quyết khắc phục oan sai và đã có nhiều biện pháp để khắc phục. Cũng theo ông Nguyễn Hoà Bình, tình trạng oan sai đã được giảm rất đáng kể đặc biệt trong năm 2013 khi chúng ta thực hiện Nghị quyết 37 của Quốc hội. "Tuy nhiên đáng tiếc là nó cũng có xảy ra với một tỷ lệ nhỏ, trách nhiệm này với tư cách là cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp viện kiểm sát cũng có trách nhiệm", ông Nguyễn Hoà Bình nói.
Theo chia sẽ của ông Nguyễn Hoà Bình, chúng tôi cũng đã có nhiều các giải pháp để khắc phục tình trạng oan sai trong điều tra truy tố, xét xử các vụ án hình sự. Theo đó viện đã tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự, kiểm sát chặt chẽ và giải quyết tin báo tố giác tội phạm, tích cực thực hiện các biện pháp chống oan sai ngay từ giai đoạn khởi tố. Trên thực tế cũng đã hủy bỏ nhiều quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và không phê chuẩn các quyết định tố tụng không đủ căn cứ pháp luật.
Viện cũng đã kiểm sát hoạt động điều tra, nâng cao số lượng, chất lượng các bản yêu cầu điều tra và theo đó thu thập đầy đủ các chứng cứ buộc tội. Ông Nguyễn Hoà Bình cho biết, việc thận trọng, chính xác trong việc ra các quyết định truy tố, thực hiện tốt việc tranh tụng tại tòa và tạo điều kiện cho luật sư tham gia vụ án ngay từ khi được khởi tố.
Trong thời gian qua, theo đánh giá, Viện đã kiểm sát chặt chẽ các bản án, tăng cường việc kháng nghị nếu thấy có dấu hiệu oan sai, kịp thời thụ lý, giải quyết thận trọng đối với những trường hợp có đơn tố cáo bị oan sai. Tăng cường trách nhiệm của kiểm sát trong hoạt động tư pháp hình sự, yêu cầu các kiểm sát viên tích cực tham gia cùng với điều tra viên trong hoạt động tố tụng như lấy lời khai, hỏi cung, kiểm sát chặt chẽ việc giam giữ, tạm giam nhằm phát hiện và loại trừ các trường hợp bức cung, nhục hình.
"Trực tiếp tiến hành phúc tra một số trường hợp theo quy định của luật định trước các quyết định tố tụng. Nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tối cao, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, làm rõ sai phạm và xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể để xảy ra oan sai trong việc giải quyết các vụ án hình sự. Chú trọng đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ kiểm sát viên và đề cao trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật để phát hiện sai phạm xử lý. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật tố tụng Hình sự, Luật Hình sự, Pháp lệnh tổ chức cơ quan điều tra, tổ chức viện kiểm sát theo hướng hoàn thiện những nguyên tắc cơ bản để áp dụng, ví dụ như nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc tranh tụng và tăng cường vai trò của viện kiểm sát để nhằm hạn chế oan sai. Đó là những giải pháp của viện kiểm sát để hạn chế oan, sai", ông Bình nói.
5 việc cần làm với án oan sai
Theo ông Nguyễn Hoà Bình, đối với những vụ án oan, sai đã xảy ra trên thực tế, dẫu có ít nhưng viện kiểm sát thấy có 5 việc cần phải làm:
Việc thứ nhất, phải kịp thời minh oan cho người bị oan.
Việc thứ hai, tích cực phối hợp với cơ quan điều tra để làm sáng tỏ vụ án và tìm ra thủ phạm gây án.
Việc thứ ba là triển khai trách nhiệm bồi thường theo quy định của luật.
Việc thứ tư là xem xét trách nhiệm của cá nhân và tập thể để xảy ra oan, sai. Việc này cũng theo quy định của luật, sai đến đâu sửa đến đó.
Việc thứ năm là tổ chức rút kinh nghiệm, tìm hiểu, đánh giá nguyên nhân và ban hành các kiến nghị để khắc phục, nếu luật yếu thì kiến nghị sửa luật, nếu cán bộ yếu hoặc quá trình quản lý, chỉ đạo, điều hành có sai sót ở đâu thì khắc phục ở đó.
Đó là những việc cần làm đối với vụ án oan, sai.
Ông Nguyễn Hoà Bình cũng chia sẻ về vụ án oan được dư luận quan tâm thời gian gần đây tại Bắc Giang của ông Nguyễn Thanh Chấn. Theo ông Bình, vụ án này cũng không nằm ngoài hoạt động này, mỗi hoạt động đều có quy trình chặt chẽ, thủ tục theo quy định của pháp luật và phải được tiến hành tuần tự.
"Chúng tôi đã nhận được kiến nghị của các đại biểu về việc xem xét lại vụ án Bắc Giang. Báo cáo Quốc hội, đây là vụ án có sự quan tâm rất rộng rãi của nhân dân, của công luận, của Quốc hội, có sự chỉ đạo của Chủ tịch nước, đôn đốc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban nội chính, v.v... Cho nên xuyên suốt quá trình làm việc chúng tôi đã phối hợp rất chặt chẽ ngay từ đầu với những cơ quan liên quan như Bộ Công an, cơ quan điều tra, tòa án, chúng tôi đã giải quyết vụ án này một cách hết sức thận trọng, đã đưa ra họp Ủy ban kiểm sát, Ban cán sự, lãnh đạo Viện, với sự tham gia của tất cả các cơ quan chuyên môn, kết quả là Hội đồng thẩm phán cũng đã chấp nhận kháng nghị tái thẩm của Viện kiểm sát và bây giờ đại biểu đề nghị xem xét lại. Tôi nghĩ đồng chí Chánh án đã nêu rồi, phán quyết cao nhất cuối cùng của Hội đồng thẩm phán bây giờ chỉ có thực hiện thôi chứ còn không có xem xét lại, còn các yêu cầu khác tôi đã nói vụ Bắc Giang không nằm ngoài những vụ án oan sai khác, những việc cần phải làm theo quy định của luật chúng tôi sẽ lần lượt tiến hành", ông Nguyễn Hoà Bình nói.
Ý kiến bạn đọc