Xảy ra án oan ở mức chung thân là không thể chấp nhận

18:42, 21/11/2013
|

(VnMedia) - Ông Trương Hòa Bình - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết, việc để xảy ra oan sai, nhất là oan và oan đối với những người bị buộc tội ở mức án cao nhất như 20 năm, chung thân, tử hình là không thể chấp nhận được.

Tại phiên chất vấn Chánh án tòa án nhân dân Trương Hòa Bình chiều 21/11, liên quan vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn - Bắc Giang,  các đại biểu các vị đại biểu Quốc hội rất quan tâm và đặc nhiều câu hỏi.

Chánh án Trương Hòa Bình cho biết, trong những năm gần đây thì mỗi năm các cơ quan tiến hành tố tụng, thụ lý giải quyết trên 100 ngàn vụ án hình sự. Việc điều tra, đấu tranh, vạch trần tội phạm là một công việc hết sức khó khăn, vất vả, thậm chí có trường hợp cán bộ chiến sỹ ngành công an phải hy sinh, hao tổn xương máu để hoàn thành nhiệm vụ, kể cả công tố, kể cả thẩm phán cũng phải chịu áp lực rất lớn, kể cả việc khủng bố đe dọa ...

Nhưng với trách nhiệm được giao thì đa số đội ngũ điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán là những người được tuyển chọn rất cẩn thận, được đào tạo bài bản, được bổ nhiệm một cách chặt chẽ. Họ là những cán bộ tin cậy của Đảng, nhà nước và nhân dân trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo vệ chế độ Xã hội chủ nghĩa và họ đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Ảnh minh họa

 



Trên thực tế do những nguyên nhân khác nhau cũng có để xảy ra oan sai, gần đây có dư luận cho rằng vụ án ông Chấn là sai và có ép cung nhục hình. "Chúng tôi nghĩ rằng về bình diện chung thực tế thì bất cứ một nền tư pháp của đất nước nào, kể cả những nước có nền pháp luật tiên tiến thì cũng không tránh khỏi có tình trạng oan sai và Việt Nam chúng ta cũng nằm trong thực tế đó. Tuy nhiên, việc để xảy ra oan sai, nhất là oan và oan đối với những người bị buộc tội ở mức án cao nhất như 20 năm, chung thân, tử hình là không thể chấp nhận được" ông Bình cho biết.

Tuy nhiên, việc xác định có oan sai hay không thì lại phải theo quy định của pháp luật rất chặt chẽ. Hiện nay, Bộ Công an cũng đang cho tiến hành kiểm điểm lại vụ việc này. Trong quá trình điều tra có sự tham gia của viện kiểm sát từ đầu kiểm sát cả việc bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra và viện có trách nhiệm truy tố vụ án trước pháp luật, thực hành quyền công tố. Tòa án xét xử thì viện kiểm sát cũng thực hiện quyền kiểm sát việc xét xử, trách nhiệm của điều tra nếu có ép cung, nhục hình thì những người trực tiếp vi phạm và những người có trách nhiệm phải chịu trách nhiệm, bên cạnh đó có trách nhiệm của viện kiểm sát. Luật sư cũng tham gia vào quá trình này, cũng có trách nhiệm là luật sư nếu có phát hiện ra có ép cung, nhục hình thì phải chứng minh.

Đối với tòa án thì các hội đồng xét xử dựa trên tài liệu chứng cứ, hồ sơ của các cơ quan có trách nhiệm truy tố, tòa án thụ lý và giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật. Nếu hồ sơ vụ án đã khép kín thì tòa án xét xử theo hồ sơ đảm bảo theo đúng pháp luật về tố tụng và nội dung.

Việc hội đồng xét xử phát hiện ra có ép cung hay không là một điều rất khó, điều này phải được bị can có yêu cầu xem xét, Viện kiểm sát xem xét, luật sư có yêu cầu xem xét thì tòa án mới có điều kiện để phát hiện được. Cho nên với trách nhiệm của hội đồng xét xử dù không phát hiện được nếu có ép cung nhưng xét xử để xảy ra oan sai thì vẫn có liên đới trách nhiệm, không thể phủ nhận được trách nhiệm này, đòi hỏi phải nâng cao trình độ bản lĩnh của thẩm phán và cả thẩm tra viên, thư ký.

Trong quá trình nhận hồ sơ, nghiên cứu hồ sơ phải tinh thông, phải nhạy bén, phải bản lĩnh để phát hiện ra những dấu hiệu không bình thường trong hồ sơ truy tố, điều này đòi hỏi phải tiếp tục nâng cao chất lượng, trình độ, bản lĩnh của cán bộ công chức của ngành tòa án, đặc biệt các chức danh tư pháp, thẩm phán, thẩm tra viên và thư ký đòi hỏi phải có tâm, phải "phụng công, thủ pháp, chí công vô tư" và đây cũng là vấn đề để không còn để xảy ra tình trạng oan sai, ép cung, nhục hình thì cũng là trách nhiệm của toàn ngành công an, kiểm sát, tòa án, ở đây là tôi nói nếu có. Còn trong trường hợp cụ thể này có hay không có thì sẽ còn phải chứng minh, chứ chúng ta không thể nói được ngay là có ép cung, điều đó là phải được chứng minh một cách rất chặt chẽ, chính xác, khách quan.

Theo Chánh án Trương Hòa Bình, nếu như cán bộ nào vi phạm, công an, kiểm sát, tòa án đều phải được xử lý vi phạm tùy theo mức độ kiểm điểm xử lý vi phạm hành chính, xử lý theo kỷ luật công vụ và xử lý theo điều lệnh. Nếu vi phạm pháp luật thì phải xử lý theo pháp luật. Nếu có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp thì phải được xem xét theo trách nhiệm đối với vi phạm pháp luật hình sự về xâm phạm hoạt động tư pháp. Điều đó là điều khẳng định, nhưng còn nếu không phải như thế thì chúng ta cũng không thể kết luận một cách vội vàng bởi vì đây còn liên quan đến tinh thần, ý chí, chí công đối với tội phạm.


Anh Đào

Ý kiến bạn đọc