"Trốn" nộp phạt sẽ cưỡng chế trừ vào lương

15:56, 06/06/2013
|

(VnMedia)- Bộ Công an đang lấy ý nhân dân về dự thảo Nghị định quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính. Theo đó, cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính đã quá thời hạn mà không tự nguyện nộp phạt sẽ bị cưỡng chế bằng nhiều biện pháp.

>> Phạt tiền nếu khoe thân trần trụi nơi đông người

Trốn nộp phạt, buộc phải trả khi đến kỳ lương

Cụ thể, người bị cưỡng chế có thể bị khấu trừ một phần lương, thu nhập; khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm; kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá… và buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả khác.

 Ảnh minh họa

 Ảnh minh hoạ


Đối tượng bị áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ lương là cán bộ, công chức, cá nhân đang làm việc và được hưởng lương tại một tổ chức hoặc cá nhân đang được hưởng bảo hiểm xã hội.

Người bị xử phạm vi phạm hành chính nhưng không nộp phạt sẽ bị cưỡng chế bằng cách trừ lương, thu nhập...

Theo quy định tại dự thảo Nghị định, tỷ lệ khấu trừ tiền lương, bảo hiểm xã hội đối với cá nhân không quá 30% tổng số tiền lương, bảo hiểm xã hội được hưởng của cá nhân đó. Đối với những khoản thu nhập khác thì tỷ lệ khấu trừ căn cứ vào thu nhập thực tế, nhưng không quá 50% tổng số thu nhập.

Đến kỳ lĩnh tiền lương hoặc thu nhập gần nhất, cơ quan, đơn vị, tổ chức, người sử dụng lao động đang quản lý tiền lương hoặc thu nhập của cá nhân bị cưỡng chế có trách nhiệm khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập của cá nhân bị cưỡng chế và chuyển số tiền đã khấu trừ đến tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo nội dung ghi trong quyết định cưỡng chế, đồng thời thông báo cho cơ quan có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế biết.

Nếu không áp dụng được biện pháp cưỡng chế bằng cách trừ lương, bảo hiểm, cơ quan chức năng sẽ cưỡng chế bằng biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản ngân hàng. Biện pháp này được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt, quyết định khắc phục hậu quả hoặc không thanh toán chi phí cưỡng chế mà có tiền gửi tại tổ chức tín dụng ở Việt Nam.

Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản có quyền đề nghị người có thẩm quyền yêu cầu các tổ chức tín dụng cung cấp các thông tin về tài khoản, số tiền hiện có trong tài khoản của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế, đồng thời có trách nhiệm bảo mật những thông tin đó khi được cung cấp.

Cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế có trách nhiệm thông báo cho người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản về tên tổ chức tín dụng, nơi mở tài khoản, số tài khoản của mình tại tổ chức tín dụng khi có yêu cầu.

Tổ chức tín dụng nơi cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế mở tài khoản phải có trách nhiệm cung cấp các thông tin bằng văn bản về tài khoản của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế hiện đang mở tài khoản tại tổ chức tín dụng của mình khi có yêu cầu. Đồng thời ngân hàng phải giữ lại trong tài khoản của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế số tiền tương đương với số tiền mà cá nhân, tổ chức đó phải nộp theo yêu cầu của người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế.

Lao động tự do bị cưỡng chế phạt bằng tài sản

Nghị định cũng quy định, trường hợp cá nhân bị cưỡng chế là lao động tự do không có cơ quan, đơn vị, tổ chức quản lý lương, quản lý thu nhập; Cá nhân, tổ chức không có tài khoản hoặc số tiền gửi từ tài khoản tại tổ chức tín dụng không đủ để áp dụng biện pháp khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản; Cá nhân, tổ chức không đủ điều kiện để áp dụng biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản hoặc cố tình không thực hiện quyết định cưỡng chế bằng biện pháp khấu trừ tiền từ tài khoản, không thanh toán chi phí cưỡng chế thì tiến hành cưỡng chế bằng tài sản.

Tuy nhiên, Nghị định cũng quy định chỉ được kê biên tài sản của cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế tương ứng với số tiền đã ghi trong quyết định xử phạt, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả và chi phí cho việc tổ chức thi hành cưỡng chế.

Không được kê biên đồ thờ cúng

Cũng theo quy định của Nghị định, khi tiến hành cưỡng chế có một số tài sản không được kê biên. Gồm: Thuốc chữa bệnh, lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu cho cá nhân bị cưỡng chế và gia đình họ sử dụng; Công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt thông thường cần thiết cho cá nhân bị cưỡng chế và gia đình họ sử dụng; Đồ dùng thờ cúng thông thường; di vật, huân chương, huy chương, bằng khen; Tài sản phục vụ quốc phòng và an ninh.

Bắt buộc kê biên tài sản vào ban ngày

Nghị định quy định, việc kê biên tài sản phải thực hiện vào ban ngày, thời gian từ 8 giờ đến 17 giờ. Người ra quyết định cưỡng chế hoặc người được phân công thực hiện quyết định cưỡng chế chủ trì thực hiện việc kê biên.

Khi tiến hành kê biên tài sản phải có mặt cá nhân bị cưỡng chế hoặc người thành niên có đầy đủ năng lực hành vi dân sự trong gia đình, đại diện tổ chức bị kê biên tài sản, đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến. Nếu cá nhân phải thi hành quyết định cưỡng chế hoặc người thành niên trong gia đình cố tình vắng mặt, thì vẫn tiến hành kê biên tài sản nhưng phải có đại diện chính quyền địa phương và người chứng kiến.

Cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế có quyền đề nghị kê biên tài sản nào trước, người được giao chủ trì kê biên phải chấp nhận nếu xét thấy đề nghị đó không ảnh hưởng đến việc cưỡng chế. Nếu cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế không đề nghị cụ thể việc kê biên tài sản nào trước thì tài sản thuộc sở hữu riêng được kê biên trước.

Chỉ kê biên những tài sản thuộc sở hữu chung của cá nhân bị cưỡng chế với người khác nếu cá nhân bị cưỡng chế không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thi hành quyết định cưỡng chế. Trường hợp tài sản có tranh chấp thì vẫn tiến hành kê biên và giải thích cho những người cùng sở hữu tài sản kê biên về quyền khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự.

Cơ quan tiến hành kê biên có trách nhiệm thông báo công khai thời gian, địa điểm tiến hành kê biên để các đồng sở hữu biết. Hết thời hạn 3 tháng, kể từ ngày kê biên mà không có người khởi kiện thì tài sản kê biên được đem bán đấu giá theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản.


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc