(VnMedia)- Sau khi trả lời phỏng vấn với phóng viên về những bất cập, bát nháo tại khu Di tích đền thờ Trạng Trình , một nhà Thư pháp đã bị côn đồ đe dọa “chặt chân, gây tai nạn”.
Chiều 18/5/2013 ông Lê Thiên Lý, Giám đốc Trung tâm Thư pháp, Câu đối và Hán Nôm học Hải Phòng có đơn gửi lãnh đạo Tp Hải Phòng, huyện Vĩnh Bảo và cơ quan công an phản ánh về việc liên tiếp bị đe dọa “giết chết, chặt chân, gây tai nạn”.
Hình ảnh cho chữ tại Đền Trạng Trình. Ảnh minh họa |
Theo đơn kêu cứu của nhà thư pháp Lê Thiên Lý: trong các ngày 16-17/52013, ông Lý liên tiếp nhận được hàng chục cuộc gọi đến từ số điện thoại 01257860178, chửi bới, đe dọa nếu còn ngồi viết chữ ở đền Trạng Trình (thôn Trung Am, xã Lý học, huyện Vĩnh Bảo) thì sẽ bị chặt chân hoặc sẽ cho đàn em gây tai nạn khi ông Lý trên đường từ đền Trạng về nhà.
Cũng trong chiều 18/2013, khi ông Lý đang làm việc với nhóm phóng viên thì số điện thoại trên tiếp tục gọi đến số điện thoại của ông Lý với nội dung: "Tại sao mày lại trả lời báo chí, làm lộ hết bí mật của Đền. Mấy đứa nó ngồi viết thư pháp ở đấy toàn là đàn em của tao. Ông Đốc (Trưởng BQL đền Trạng Trình) đã nói rõ hết với tao rồi, mày muốn gì? Mày trả lời cho mấy thằng nhà báo, mấy con nhà báo… “Anh cứ về cái xã Lý Học này tôi sẽ chửi bố anh, sẽ giết anh, còn anh ở Hải Phòng sẽ có người đến giết anh”. Cuối cuộc điện thoại, người này tự nhận tên là T (ở thôn Trung Am, xã Lý Học, Vĩnh Bảo, Hải Phòng).
Được biết, gần đây, có một số phóng viên đã tới tìm hiểu, tham vấn ý kiến của nhà thư pháp Lê Thiên Lý về một số vấn đề bát nháo trong việc cho chữ ở đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trong cuộc phỏng vấn, ông Lê Thiên Lý cho biết, cách đây chưa lâu, ông suýt bị đánh vì có một du khách nhầm tưởng ông là người bán chữ sai, chữ “đểu” cho họ.
Ông Lý cho biết, trước đây có một người tên là Tản, ở thành phố Nam Định được Ban quản lý Đền cho giăng khẩu hiệu bán chữ. Một giám đốc doanh nghiệp tên K đã lặn lội cả trăm cây số về Đền mua chữ “Phát”, rồi làm lễ xin Cụ Trạng phù hộ để đem về treo ở Từ đường. Sau khi mang về treo được một thời gian, ông K được một người am hiểu chữ Nho cho biết: đó là chữ “đểu” (chữ “Phát” bị viết sai thành như... “Phạt”)…
Hoặc trường hợp, một người vì ngưỡng mộ vua Thuấn bên Trung Quốc nên đã xin chữ vua Thuấn về treo trong nhà. Sau một thời gian, có người biết chữ Hán đến chơi và phát hiện chữ Thuấn mà người này xin không phải là chữ Thuấn trong chữ “Vua Thuấn” mà là chữ Thuấn với nghĩa là “nháy mắt”....
Được biết, trong quá trình tìm hiểu về đề tài bát nháo ở đền Trạng Trình, nhà thư pháp Lê Thiên Lý chỉ là một trong những người trả lời phóng vấn của phóng viên về vấn đề nêu trên.
Ý kiến bạn đọc