(VnMedia) - Công nghệ thông tin phát triển kéo theo đó là sự gia tăng của tội phạm công nghệ cao, và loại tội phạm này đang ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi...
>> Tiền tỷ “bốc hơi” vì thẻ tín dụng giả
Tội phạm công nghệ cao ngày càng diễn biến phức tạp. Ảnh minh hoạ
Diễn biến phức tạp
Trong thời gian gần đây, lực lượng công an đã phát hiện và triệt phá rất nhiều vụ án liên quan đến tội phạm công nghệ cao. Từ những vụ án đã bị phanh phui cho thấy, hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến rất phức tạp, không chỉ xảy ra ở trong nước mà còn liên quan đến nước ngoài, xảy ra trên nhiều lĩnh vực trọng điểm với nhiều thủ đoạn tinh vi.
Tội phạm công nghệ cao hoạt động thông qua các giao dịch điện tử, qua các trang web quảng cáo, bán hàng trực tuyến, đa cấp trên mạng... Với thủ đoạn này, công ty Muaban24 đã lừa đảo khoảng 1.000 người dân ở khắp 32 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Không những lừa đảo bán hàng đa cấp, cơ quan công an còn phát hiện một đường dây đánh bạc cực lớn dưới hình thức công nghệ cao, kết nối trực tuyến thông qua mạng Internet với casino Mộc Bài ở khu vực cửa khẩu Bavet – Campuchia.
Ngoài ra, tội phạm sử dụng công nghệ cao còn trộm cắp tiền từ thẻ tín dụng và tài khoản bằng thủ đoạn làm giả thẻ tín dụng để rút tiền từ máy ATM. Hàng loạt ngân hàng là nạn nhân cho loại tội phạm này với số tiền thất thoát lên tới hàng chục tỷ đồng.
Mua bán ma túy qua mạng internet và sử dụng internet để tổ chức hoạt động mại dâm, cá độ bóng đá cũng là hình thức mà tội phạm công nghệ cao thường sử dụng. Trong mùa Euro 2012 diễn ra vừa qua, cơ quan công an đã triệt phá hàng loạt những vụ cá độ bóng đá qua mạng internet.
Tinh vi hơn, nhiều đối tượng đã sử dụng công nghệ cao để lắp đặt hệ thống thiết bị viễn thông để kết nối liên lạc từ nước ngoài về, rồi chuyển thành cuộc gọi nội hạt trái phép, chiếm đoạt tiền tỷ của ngành viễn thông.
Tội phạm công nghệ cao không những chỉ xảy ra trong nước mà còn liên quan đến nước ngoài. Vừa qua, lực lượng công an đã phát hiện vụ làm giả thẻ thanh toán có quy mô lớn, có người nước ngoài tham gia. Theo đó, những thiết bị công nghệ cao được một số người Việt Nam và Trung Quốc sử dụng để lấy cắp thông tin tài khoản của khách hàng tại các ngân hàng rồi sử dụng máy ghi lên thẻ thanh toán... Tính chất hoạt động xuyên quốc gia của loại tội phạm này còn thể hiện ở vụ nhóm người quốc tịch Malaysia đã nhập cảnh vào Việt Nam mang theo một số thiết bị dùng để sản xuất thẻ tín dụng giả. Sau đó đã cấu kết với người Việt Nam sản xuất thẻ giả, rút tiền ngân hàng.
Phòng chống tội phạm công nghệ cao
Từ thực tế cho thấy, tội phạm sử dụng công nghệ cao đang ngày càng hoạt động tinh vi và mức độ, hậu quả khó lường. Trao đổi với VnMedia về loại tội phạm này, luật sư Phạm Hùng Thắng, đoàn luật sư Thanh Hoá cho biết, Bộ luật hình sự nước ta quy định về tội phạm này còn nhiều bất cập.
Theo luật sư Thắng, hiện chỉ 3 điều luật điều chỉnh những hành vi vi phạm trong lĩnh vực tội phạm công nghệ cao: Điều 224: Tội tạo ra và lan truyền, phát tán các chương trình virus tin học. Điều 225: Tội vi phạm các quy định về vận hành, khai thác và sử dụng mạng máy tính điện tử. Điều 226: Tội sử dụng trái phép thông tin trên mạng và trong máy vi tính.
Trong khi đó, thủ đoạn dùng máy tính được sử dụng như một công cụ để gây án, để lưu giữ thông tin tội phạm, như: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trộm cắp tài sản, rửa tiền, buôn bán ma túy, tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy... thì lại chưa có điều luật nào quy định. Do đó, nhiều đối tượng đã lợi dụng sơ hở này để phạm tội. Vì thế, cần bổ sung những điều luật về phòng chống tội phạm công nghệ cao vào Bộ luật Hình sự.
Có thể nói, trước sự diễn biến phức tạp của tội phạm công nghệ cao đòi hỏi sự nỗ lực cao của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp chủ quản và sự cảnh giác cao của quần chúng nhân dân thì mới có thể giúp cho lực lượng công an đủ điều kiện đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này.
Ý kiến bạn đọc