(VnMedia) - Nạn buôn người đang là một hiện tượng nhức nhối ở nước ta hiện nay. Đây hoạt động tội phạm xâm hại những quyền cơ bản nhất của con người, và cùng với trẻ em, phụ nữ được coi như “con mồi’ béo bở của bọn buôn người...
>> Tội phạm hiếp dâm ngày càng trẻ và tàn nhẫn
Phụ nữ là nạn nhân của tệ nạn buôn người. Ảnh minh hoạ
Nạn nhân của tệ nạn buôn người
Thực tế cho thấy, phụ nữ là nạn nhân chính của tệ mua bán người những năm qua. Bọn buôn người thường lợi dụng địa bàn phức tạp, dân cư thưa thớt, đời sống khó khăn và trình độ dân trí thấp để tiến hành lừa đảo, bắt cóc. Tệ nạn buôn bán người làm ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe, phẩm hạnh và cơ hội phát triển của phụ nữ.
Điều đáng lo ngại là, số vụ việc và số phụ nữ, trẻ em bị buôn bán ngày càng tăng theo thời gian. Trong 6 tháng đầu năm 2012, đã phát hiện 226 vụ, liên quan 333 đối tượng lừa bán 438 nạn nhân, tăng 35 vụ so với cùng kỳ. Một số địa phương là điểm “nóng” về vấn nạn mua bán người như: Lào Cai (20 vụ), Hà Giang (17 vụ), Lai Châu (7 vụ),... Các vụ mua bán người phần lớn đưa nạn nhân sang các nước: Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan... để hoạt động mại dâm và mua bán nội tạng.
Bọn buôn người lợi dung sự cả tin của những cô gái trẻ để dụ họ vào tròng và bán làm nô lệ tình dục, gái mại dâm. Ngày 23/6/2012, tại đoạn biên giới khu vực tổ 12, P. Lào Cai (TP Lào Cai), lực lượng đánh án phối hợp với Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai mật phục, bắt giữ 2 đối tượng đang có hành vi vượt biên giới trái phép từ Việt Nam sang Trung Quốc. Qua điều tra cho thấy hai đối tượng là Lù Văn Hơn cấu kết với Đỗ Văn Phương đưa cháu vợ tên Thủy sang biên giới bán. Tại cơ quan điều tra, Lù Văn Hơn khai nhận trước đó, Hơn đã đưa 2 phụ nữ tên Thảo và Hoa (cùng ở Điện Biên) xuống Lào Cai giao cho Phương đưa sang Trung Quốc và được nhận số tiền 21 triệu đồng.
Tiếp đó, ngày 6/7, Phòng CSĐT Công an tỉnh Tây Ninh phối hợp với cơ quan CSĐT – Bộ Công an, Đồn Công an cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Công an phường 2 (quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) bắt giữ đối tượng Vong Kam Sang, Lin Liang Hui và Phạm Thị Nhung đang làm thủ tục lên máy bay cho 3 phụ nữ Việt Nam và 3 người đàn ông Trung Quốc tại của khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Theo lộ trình của chúng thì cả bọn sẽ đi Hà Nội, rồi xuất cảnh sang Trung Quốc. Tại đây, lực lượng Công an thu giữ tang vật gồm 13 triệu đồng, 8 hộ chiếu, 3 vé máy bay, 3 giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (giấy đọc thân), 4 giấy CMND, 2 ĐTDĐ và các tài liệu, chứng cứ khác.
Mới đây, công an tỉnh Kiên Giang đã triệt xóa đường dây mua bán người từ đất liền ra đảo Phú Quốc để hoạt động mại dâm, giải cứu thành công 2 nạn nhân đưa về đoàn tụ với gia đình. Đường dây này do Võ Thị Ngọc Quýt (1974, trú ấp Bãi Ngự, xã Thổ Châu, H. Phú Quốc) và Lê Minh Thành (1991, trú ấp Ngã Ba, TT Kiên Lương, H. Kiên Lương) cầm đầu.
Theo cơ quan công an, hầu hết nạn nhân của các vụ mua bán người là phụ nữ và trẻ em độ tuổi từ 15, ở vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí thấp, thiếu hiểu biết về pháp luật. Nghiêm trọng hơn, nhiều nạn nhân bị chính người thân lừa đưa qua biên giới bán.
Nhiều cô gái nhẹ dạ, cả tin đã "sập bẫy" bọn buôn người
Vì sao phụ nữ là nạn nhân của tệ nạn buôn người?
Báo chí truyền thông đã cảnh báo về tệ nạn buôn người rất nhiều, nhưng hàng ngày vẫn có những phụ nữ, trẻ em là nạn nhận của tệ nạn này. Theo thống kê, số vụ việc và số phụ nữ, trẻ em bị buôn bán ngày càng tăng theo thời gian. Vậy nguyên nhân nào dẫn tới việc này?
Trước hết, nguyên nhân trực tiếp của việc phụ nữ là nạn nhân của tệ nạn buôn người là sự ham lợi ích vật chất và trình độ dân trí thấp, thiếu hiểu biết. Nhiều cô gái trẻ nhẹ dạ, cả tin đã bị hấp dẫn bởi những "chiếc bánh vẽ" ngon lành về lợi ích kinh tế mà bọn buôn người đưa ra, kết cục là sa vào bẫy của bọn chúng. Mặt khác, do hạn chế trong việc tiếp cận thông tin, đặc biệt là thông tin liên quan đến nạn buôn bán người... dẫn đến nhiều vụ việc xảy ra với những tình tiết đơn giản đến không ngờ mà nếu như một người có nhận thức, hiểu biết về vấn đề này sẽ không bao giờ mắc phải. Trên thực tế, các nạn nhân vẫn bị dỗ ngon, dỗ ngọt bởi các chiêu bài tìm việc làm nhàn hạ nhưng lại có thu nhập cao. Họ dễ dàng theo đối tượng có khi chỉ quen biết sơ sơ đến những nơi xa lạ để mong một sự đổi đời.
Ngoài ra, khó khăn kinh tế và thiếu sự quan tâm dạy dỗ của gia đình cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều cô gái bị bọn buôn người tiếp cận, lôi kéo, dụ dỗ. Không ít các gia đình mà bố mẹ chỉ biết chu cấp vật chất đầy đủ cho con cái mà thiếu sự quan tâm, dạy dỗ. Nhiều trường hợp con bỏ nhà đi mấy ngày bố mẹ mới biết. Những bậc phụ huynh này, có người vì quá ham kiếm tiền hoặc mải mê với những thú vui ích kỷ mà quên mất rằng con trẻ, nhất là trong hoàn cảnh xã hội phức tạp như ngày nay, rất cần có sự che chở, yêu thương, quan tâm, dạy dỗ của bố mẹ.
Tự bảo vệ mình để tránh “sập bẫy” kẻ buôn người
Buôn bán người là hoạt động thương mại bất hợp pháp lớn và tàn ác đứng thứ ba sau buôn bán ma túy và vũ khí. Theo thống kế từ Liên Hiệp Quốc, cứ 1.000 người trên thế giới thì có 2 người là nạn nhân của nạn buôn người. Hiện có khoảng 2,5 triệu nạn nhân đang bị buôn bán trên toàn thế giới, đa phần đến từ châu Á - Thái Bình Dương.
Thực tế cho thấy, những cô gái được giải cứu từ những động quỷ chịu sự đau đớn suốt đời cả về thể xác lẫn tinh thần. Chính vì vậy, việc phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em được xác định là một nhiệm vụ quan trọng của toàn xã hội. Từ đó, địa phương cần phối hợp đồng bộ với chính quyền, gia đình, lực lượng công an..., để cùng tuyên truyền về nạn buôn bán người đến người dân. Mặt khác, gia đình cũng cần quan tâm, chăm sóc, giáo dục và dạy dỗ những kiến thức cơ bản để con em mình tránh được bẫy của bọn buôn người.
Ngoài ra, quan trọng hơn tất cả, mỗi cá nhận cần phải trau dồi kiến thức cho mình từ đó hiểu biết hơn về cuộc sống và nâng cao sự cảnh giác đối với những lời đề nghị béo bở. Đừng vội vàng trao niềm tin cho một người lạ. Những cái bẫy đi du lịch, đi chơi xa, đi xuất khẩu lao động, lấy chồng nước ngoài... chính là những thủ đoạn bọn buôn người áp dụng nhiều nhất để dụ dỗ.
Ý kiến bạn đọc